Các bệnh viện đã "gỡ" được thiếu thuốc, vật tư y tế?

Theo nhiều bệnh viện tuyến Trung ương, Nghị định 07/2023/NĐ-CP về quản lý trang thiết bị y tế và Nghị quyết 30/2023/NQ-CP về tiếp tục thực hiện các giải pháp đảm bảo thuốc, trang thiết bị y tế, đã tháo gỡ được nhiều "nút thắt", giải quyết được các vấn đề mua sắm, đấu thầu trang thiết bị của bệnh viện. Ngay khi được tháo gỡ, các bệnh viện đã đẩy nhanh tiến độ đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư, hoá chất... Bệnh viện Việt Đức đã liên hệ với các nhà thầu để mua sắm và quay trở lại mổ phiên bình thường sau hơn 2 tuần tạm hoãn. Bệnh viện Bạch Mai cũng được tháo gỡ sau 3 tuần nữa. Bộ Y tế chỉ đạo, các bệnh viện không để tự bệnh nhân mua thuốc, vật tư y tế.

3 tuần nữa, Bệnh viện Bạch Mai sẽ có vật tư tiêu hao

Tới Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Bệnh viện Việt Đức), tại Khoa Chi trên và Y học thể thao, vẫn là cảnh bệnh nhân đông đúc. Đây là khoa có số bệnh nhân vào nhập viện gần như đông nhất của Bệnh viện Việt Đức."Vừa nghe bệnh viện bắt đầu mổ phiên lại, tôi lập tức đến khám ngay và đã được mổ", một nam bệnh nhân ở Hà Nội cho biết. Nam bệnh nhân bị chấn thương ở chân trong lúc đá bóng, tuy vẫn đi lại được, nhưng bác sĩ khuyến cáo nên mổ sớm. "Đến Việt Đức đúng thời điểm bệnh viện tạm hoãn mổ phiên, tôi đã định đến bệnh viện khác, nhưng nấn ná thêm hai tuần. Không ngờ thiếu vật tư y tế đã được giải quyết, hay tin bệnh viện mổ phiên lại, tôi tới khám và được chỉ định mổ luôn", anh này vui vẻ kể.

Viet_Duc_10-1679791813830
Bệnh viện Việt Đức trở lại mổ phiên bình thường, người bệnh phấn khởi.

GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 07 và Nghị quyết 30, bệnh viện đã liên hệ với nhà thầu bắt đầu mua sắm vật tư, hoá chất. Chỉ hơn 1 tuần sau đó, bệnh viện đã triển khai mổ phiên lại. Đến thời điểm hiện tại, bệnh viện đã hoạt động bình thường, thiếu thuốc, vật tư, hoá chất đã được tháo "gỡ". Điển hình là bệnh viện vẫn thực hiện công việc thường quy là ghép tạng - kỹ thuật cần rất nhiều thuốc hiếm, máy móc, phương tiện, vật tư y tế.

Tại Bệnh viện Răng - Hàm - Mặt Trung ương, lượng bệnh nhân tới khám lúc nào cũng trong tình trạng quá tải. PGS.TS Trần Cao Bính, Giám đốc Bệnh viện Răng - Hàm - Mặt Trung ương cho biết, Nghị định 07 và Nghị quyết 30 của Chính phủ đã tháo gỡ được 90-95% những băn khoăn của bệnh viện. Bệnh viện đã tập trung đấu thầu bổ sung danh mục gặp vướng mắc trước đó. Về lâu dài, bệnh viện đề nghị cần sửa đổi Luật Đấu thầu để phục vụ công tác khám, chữa bệnh dài hạn của bệnh viện.

Riêng Bệnh viện Bạch Mai, do đặc thù chủ yếu máy móc là xã hội hoá, trong đó có nhiều máy phải "niêm phong" do vướng vào những vấn đề pháp lý phức tạp, nên chưa giải quyết được nhanh như các bệnh viện khác. Có mặt tại đây vào ngày đầu tuần, lượng bệnh nhân tới khám rất đông, trong khi máy móc thiếu, người bệnh vẫn phải chờ đợi để chụp chiếu, xét nghiệm.

Theo PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 07 và Nghị quyết 30, bệnh viện đã đẩy nhanh tiến độ đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư, hoá chất. Nghị quyết 30 cho phép thanh toán BHYT với máy cho, máy tặng, máy đặt là tháo gỡ hết sức quan trọng.

"95% bệnh nhân vào Bệnh viện Bạch Mai sử dụng thẻ BHYT, nếu không cho phép thanh toán BHYT với những gói trúng thầu sau ngày 5/11/2022 thì đồng nghĩa với việc mỗi ngày có hàng chục xét nghiệm tại bệnh viện không được thanh toán BHYT, gây thiệt thòi cho người bệnh", ông Cơ nói.

Nghị định 07 ban hành có ý nghĩa hết sức quan trọng để vật tư, thiết bị y tế nhập khẩu dễ dàng, thuận lợi. Khi các doanh nghiệp thực hiện thủ tục nhập khẩu hàng hoá, vật tư, thiết bị y tế thuận lợi, thông quan nhanh hơn thì các bệnh viện cũng thuận lợi hơn trong đấu thầu mua sắm. Ông Cơ cũng cho biết thêm, theo quy định tại Nghị quyết 144 của Chính phủ, Bệnh viện Bạch Mai đã phải dừng một số gói thầu đang làm dở, thì nay với Nghị quyết 30, các gói thầu đã được phát hành. Dự kiến cuối tháng 3, Bệnh viện Bạch Mai sẽ mở thầu gói hoá chất, đảm bảo về vấn đề xét nghiệm, đáp ứng nhu cầu xét nghiệm của người bệnh.

Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, khoảng 3 tuần nữa, bệnh viện sẽ đảm bảo đủ vật tư tiêu hao cho khám chữa bệnh thông thường và cấp cứu. Những mặt hàng cần thiết, bệnh viện sẽ áp dụng hình thức mua trực tiếp. Bệnh viện đàm phán, trao đổi với các nhà đầu tư về máy móc đã hết thời gian liên danh liên kết, trao tặng lại cho bệnh viện để phục vụ khám chữa bệnh.

Một trong những bệnh viện thiếu trầm trọng máy móc, vật tư hoá chất thời gian qua là Bệnh viện Chợ Rẫy, thì sau khi có hai văn bản quan trọng của Chính phủ, TS.BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc bệnh viện cho biết, số lượng máy CT phải "đắp chiếu" đã được sửa chữa, người bệnh điều trị tốt hơn và không còn tình trạng ùn ứ, chờ đợi. Tại Khoa Xạ trị của Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Chợ Rẫy đã đấu thầu, sửa chữa, bảo hành được thêm 2 máy xạ trị, nâng tổng số lên 3/5 máy xạ trị hoạt động, bệnh nhân ung thư rất phấn khởi, giúp họ không phải chờ tới 2h sáng mới được xạ như trước.

Không để người bệnh phải tự mua vật tư

Trong buổi làm việc mới đây giữa Bộ Y tế với các bệnh viện, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cho biết, Chính phủ ban hành Nghị định 07 và Nghị quyết 30 đã tháo gỡ được "nút thắt" cơ bản cho các bệnh viện, vì vậy các bệnh viện phải nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Nếu bệnh viện nào khó khăn, thiếu thuốc, vật tư tiêu hao… phải công khai minh bạch, không để bệnh nhân đi mua. Bên cạnh đó, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh tổ chức các đoàn đánh giá chất lượng bệnh viện tại các bệnh viện sau khi thực hiện Nghị định 07 và Nghị quyết 30.

Theo TS.BS Nguyễn Tri Thức, Nghị quyết 30 thí điểm đến ngày 31/12/2023, trong khi khó khăn trong mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế kéo dài hơn 2 năm qua. Ông đề nghị xem xét sửa Luật đấu thầu, trong đó, nên chia hàng hoá y tế là nhóm hàng hoá đặc biệt, có định nghĩa riêng vì hàng hoá này liên quan đến sinh mạng người bệnh. Đồng thời, cần xây dựng chương trình đấu thầu riêng cho y tế, trong đó, quy định rõ ràng về tình huống khẩn cấp trong y khoa để nhà quản lý được phép mua sắm phục vụ việc cứu người.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Nghị định 07 và Nghị quyết 30 giải quyết được tình trạng khẩn cấp thiếu thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư hiện nay. Tuy nhiên, về lâu dài, cần phải có giải pháp căn cơ, đó là nhanh chóng hoàn thiện thể chế bằng văn bản, xây dựng các thông tư hướng dẫn thực hiện.

Tại cuộc gặp mặt báo chí cung cấp thông tin về những vấn đề của ngành y tế ngày 24/3, ông Hà Anh Đức, Chánh Văn phòng Bộ Y tế cho biết, các cơ sở y tế mong muốn có biện pháp dài hơi, giải quyết triệt để tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, để cả người bệnh lẫn bác sĩ đều yên tâm khám bệnh, chữa bệnh, thì phải hoàn thiện hành lang pháp lý. Đây là một trong 6 nhiệm vụ hàng đầu mà ngành y tế đặt ra trong năm 2023.

Đó là kiến nghị sửa đổi nhiều Luật có liên quan như: Luật Đấu thầu, Luật Dược, Luật Giá; xây dựng Luật Trang thiết bị, Nghị định về tự chủ, xã hội hoá trong lĩnh vực y tế. Theo ông Đức, khi các vấn đề được luật hoá thì giải pháp sẽ bền vững hơn, giải quyết được căn cơ của vấn đề thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế.

Để làm được điều này, trong cuộc họp mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đề nghị các đơn vị tiếp tục rà soát các vướng mắc khó khăn khi thực hiện Nghị định 07 và Nghị quyết 30. Trong quá trình triển khai thực hiện, có khó khăn, vướng mắc phải đề xuất ngay, để Bộ Y tế phối hợp với các Bộ, ngành báo cáo Chính phủ.  

Trần Hằng / CAND