Cần thêm nhiều phim truyện hay về lãnh tụ Hồ Chí Minh

Hướng tới năm 2020 kỷ niệm 130 năm sinh nhật Bác Hồ và 75 năm Cách mạng Tháng Tám - Quốc khánh 2.9, vẫn còn đó một câu hỏi đặt ra: Liệu đã có sự chuẩn bị nào cho phim truyện điện ảnh Việt Nam về Bác?

Bởi đến nay, so với lượng phim tài liệu thì số phim truyện điện ảnh về Bác là quá ít và chưa nhiều những tác phẩm để lại dấu ấn mạnh mẽ, có sức lan tỏa sâu rộng trong quần chúng nhân dân.

Lãnh tụ Hồ Chí Minh trên phim

Trong lĩnh vực điện ảnh, những phim tài liệu đã được khẳng định như “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” (đạo diễn Quang Huy, 1960), “Bác Hồ sống mãi” (đạo diễn Nguyễn Quang Trung, Lại Văn Sinh, 1970), “Chúng con nhớ Bác” (Nguyễn Văn Thông, 1973), “Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh” (đạo diễn Phạm Kỳ Nam, 1974), “Những giờ phút cuối đời Bác Hồ”, “Bác đi chiến dịch” (đạo diễn Phạm Quốc Vinh, 1990), “Hồ Chí Minh - Chân dung một con người” (đạo diễn Bùi Đình Hạc, 1990)…

Và muộn hơn rất nhiều, bộ phim truyện điện ảnh đầu tiên về Người, với đề tài Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh được sản xuất năm 1990 “Hẹn gặp lại Sài Gòn” (đạo diễn: Long Vân, kịch bản: Sơn Tùng) để lại dấu ấn tận hôm nay.

Rải rác trong các năm tính đến năm 2019 thêm 6 phim nữa, gồm “Hà Nội mùa Đông năm 46” (đạo diễn: Đặng Nhật Minh, kịch bản: Đặng Nhật Minh, Hoàng Nhuận Cầm, 1997); “Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông” (đạo diễn: Nguyễn Khắc Lợi, Viên Thế Kỷ - Trung Quốc, kịch bản: Hữu Mai, 2003); “Vượt qua bến Thượng Hải” (đạo diễn: Triệu Tuấn, Phạm Đông Vũ - Trung Quốc, kịch bản: Hà Phạm Phú, Lê Ngọc Minh, Giả Phi, 2010), “Nhìn ra biển cả” (đạo diễn: Vũ Châu, kịch bản: Nguyễn Thị Hồng Ngát, 2010), “Thầu Chín ở Xiêm” (đạo diễn: Bùi Tuấn Dũng, kịch bản: Đinh Thiên Phúc, 2015), “Nhà tiên tri” (đạo diễn: Vương Đức, kịch bản: Hoàng Nhuận Cầm, 2015).

Bối cảnh và thời điểm lịch sử được các nhà làm phim lựa chọn tái hiện trong 7 phim này khác nhau, mỗi phim là một “trang” về cuộc đời và sự nghiệp của một Người mang những cái tên: Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, gắn liền với các giai đoạn lịch sử Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX đầy biến động.

Ghép những “trang” cuộc đời của Người qua các phim, có thể hình dung một bức tranh tương đối hoàn chỉnh chân dung vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc với những dấu mốc quan trọng trong quá trình hình thành nhân cách và sự nghiệp cách mạng. Qua đó, tính cách, tâm hồn, tình cảm, tài năng, bản lĩnh, phẩm chất của Người cũng được chú ý khắc họa.

Hành trình cách mạng của Người

“Hẹn gặp lại Sài Gòn” và “Nhìn ra biển cả” là hình ảnh chàng trai trẻ Nguyễn Tất Thành mang trong mình khát vọng, hoài bão lớn lao giải phóng dân tộc, cứu nước cứu dân.

Những bước đường cách mạng của Người, từ Thái Lan (“Thầu Chín ở Xiêm”), qua Hồng Kông (“Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông”), tới Hạ Môn, Thượng Hải (“Vượt qua bến Thượng Hải”), cho đến những ngày Đông ở Hà Nội (“Hà Nội mùa Đông năm 46”) và những năm tháng khốc liệt nơi chiến khu Việt Bắc (“Nhà tiên tri”).

Trong “Thầu Chín ở Xiêm”, Người đã thể hiện được tầm nhìn xa khi vượt qua mọi trở ngại, khó khăn, nối kết những người yêu nước, quyết tâm thành lập cơ sở Đảng, chuẩn bị cho việc hợp nhất ba tổ chức Cộng sản thành Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là sự kiện được lịch sử ghi nhận có ý nghĩa lớn lao đối với cách mạng Việt Nam khi chính thức có một tổ chức đứng ra lãnh đạo, dẫn dắt nhân dân làm cuộc cách mạng giải phóng dân tộc.

Tiếp đó tại Hồng Kông (“Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông”), Hạ Môn, Thượng Hải (“Vượt qua bến Thượng Hải”), Người đã thực hiện những cuộc vượt hiểm “vô tiền khoáng hậu”, giữa vòng vây của nhiều thế lực từ mật thám Pháp cho đến Tàu Tưởng Quốc dân Đảng, bằng tài năng, ý chí, nhân cách, phẩm hạnh và lòng kiên trì cùng sự giúp sức của những người bạn quốc tế yêu chuộng hòa bình, chính nghĩa như vợ chồng luật sư Loserby, vợ phó Thống chế Hồng Kông, già Lý cùng những người dân Việt kiều Thái Lan, Hồng Kông…

Khi trở thành vị lãnh tụ đứng đầu sóng, ngọn gió, chèo lái con thuyền cách mạng, Chủ tịch Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ, trước thù trong giặc ngoài, tứ bề khó khăn và di chứng nạn đói năm 1945-1946, tài năng, bản lĩnh phi thường của Người được khẳng định trong những thời khắc cam go nhất của đất nước.

Trong “Hà Nội mùa Đông năm 46”, đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh đã khắc họa hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh với những quyết sách sáng suốt, đầy trí tuệ. Đối với những người dân Việt Nam sống trong thời khắc những ngày cuối năm 1946, những quyết định đối nội, đối ngoại, trong cứng có mềm, lấy nhu khắc cương, có tính chất lịch sử của người lãnh đạo cuộc cách mạng là bước ngoặt lớn cho số phận của đất nước, của mỗi người dân Việt Nam.

Trong “Nhà tiên tri”, phẩm chất anh minh, thông tuệ, sự sáng suốt trước mọi biến cố của Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện trên nhiều phương diện. Người như đã nhìn thấy trước bước đi của lịch sử, của tương lai dân tộc, giống như một “nhà tiên tri” tài năng. Tại chiến trường Việt Bắc năm 1947- 1948, giữa lúc cuộc chiến đang diễn ra ác liệt nhất, Người đã tiên đoán ngày 10.10.1954 là Ngày Giải phóng Thủ đô. Và chiến thắng Điện Biên Phủ “lẫy lừng năm châu, chấn động địa cầu” là minh chứng rõ nhất tài “tiên tri” của Người.

Và Bác trong đời thường

Trong “Nhìn ra biển cả “và “Hẹn gặp lại Sài Gòn”, bên cạnh việc khai thác hoài bão, lý tưởng, khát vọng cứu nước, cứu dân của chàng thanh niên trí thức Nguyễn Tất Thành, các nhà làm phim còn khắc họa những giây phút rất “đời”, rất “người” ở Người, khiến người xem luôn cảm nhận được sự gần gũi, thân thuộc, đời thường.

Ở đó có nỗi nhớ nhung, quyến luyến gia đình, đặc biệt là hình ảnh người mẹ thân thương luôn nặng trĩu trong từng bước chân, mỗi ý nghĩ của người con Nguyễn Tất Thành. Là những tình cảm rất tự nhiên của thầy giáo Nguyễn Tất Thành với các học trò thân thiết của mình. Là tình yêu đơn phương của cô con gái ông chủ hãng nước mắm (trong “Nhìn ra biển cả”), của Út Vân, con gái ông Tư Đờn, ân nhân của Người (trong “Hẹn gặp lại Sài Gòn”) với người thanh niên Nguyễn Tất Thành. Xây dựng hình tượng nhân vật hư cấu Phương Thảo, tác giả bộ phim “Vượt qua bến Thượng Hải”, một mặt nói lên tình cảm của những người dân Việt kiều đối với lãnh tụ Hồ Chí Minh, mặt khác nhà làm phim muốn “đời thường hóa” hình tượng Bác Hồ.

Trong “Vượt qua bến Thượng Hải”, tinh thần nhân văn cao cả của Người thông qua những việc làm tưởng chừng như rất nhỏ bé. Người đã viết thư đưa tận tay cho bà Tống Khánh Linh đề nghị trợ giúp, giải thoát 11 em là con của các liệt sĩ tham gia cách mạng ở Thượng Hải bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt. Người đã đích thân đến thăm nom, chơi cùng các em.

Trong mỗi chặng đường cách mạng, nơi Người sống và hoạt động, chính sự chân thành, gần gũi, phong thái ung dung, tự tại, lịch lãm cùng trí tuệ uyên bác, trong bất kỳ tình huống, hoàn cảnh nào đã thu phục lòng người, xóa bỏ mọi ranh giới, rào cản về quốc tịch, địa vị, đẳng cấp, hướng mọi người vào tình cảm chung: Lòng yêu chuộng hòa bình, chính nghĩa và tình yêu thương con người, tất cả đã tạo dựng hình tượng nhà yêu nước Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh cao cả, vĩ đại.

Giọt nước và đại dương

Nhìn vào những phim truyện điện ảnh được thực hiện và công chiếu trong những năm qua là chưa đủ, nếu không muốn nói là vô cùng ít ỏi khi đặt bên cạnh cuộc đời, sự nghiệp vĩ đại cùng sức lan tỏa lớn lao của tư tưởng, nhân cách của Người trong đời sống tinh thần, văn hóa Việt Nam và các dân tộc yêu chuộng hòa bình trên thế giới.

Và các phim trên dù có phim hay, thực sự vẫn chưa thỏa mãn nhu cầu của khán giả được thấy một lãnh tụ Hồ Chí Minh trong hình dung. Vẫn chưa có một phim truyện điện ảnh hay tầm cỡ làm trọn vẹn một chân dung Hồ Chí Minh - một cuộc đời vĩ đại. Chưa có những phim có những góc nhìn mới, khám phá mới giàu tính nhân văn về Người.

Với những phim đã làm, đây đó vẫn có những chi tiết vô tình làm hình ảnh lãnh tụ bị yếu đi và không đúng với con người Bác. Vẫn chưa thấy một phong thái ung dung, tự tại của một người hiền vĩ đại xuyên suốt phim. Vẫn chưa có một gương mặt nam diễn viên nào gắn với hình tượng Bác được tất cả quần chúng thừa nhận yêu mến. Dù Trần Lực, Tiến Hợi, Minh Đức, Bùi Bài Bình… mỗi người đều một vẻ, đều nỗ lực hết mình nhưng đều có nhược điểm khá rõ ở điểm này, điểm khác.

Và cuối cùng, một nhà làm phim dày công nghiên cứu về Bác, tìm hiểu về Bác, gắn liền với những giai đoạn quan trọng của lịch sử đất nước, dân tộc và dành toàn bộ tâm sức làm phim về Bác, đang ở đâu?

Ký ức về Chủ tịch Hồ Chí Minh của con gái nguyên Chủ tịch Trung Quốc
Di chúc của Bác Hồ được bảo quản thế nào suốt nửa thế kỷ qua?
Chủ tịch Hồ Chí Minh: Nhà khoa học thực tiễn đầu tiên của Việt Nam

/ laodong.vn