Ca mắc COVID-19 tăng, bệnh nhân nặng nhập viện được điều trị thế nào?

Phóng viên VTC News đã có mặt tại các bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 ghi nhận tình hình điều trị thời gian gần đây trong bối cảnh số ca mắc tăng.

Bệnh nhân 26 tuổi, ở Quế Võ, Bắc Ninh mắc COVID-19 vừa được chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) trong tình trạng lơ mơ, suy hô hấp. Bác sĩ còn nghĩ đến tình trạng bội nhiễm do các căn nguyên khác. 

Nhiều tháng qua, lượng bệnh nhân đến đây tăng đột biến. Tại khoa Hồi sức tích cực của bệnh viện, tiếng máy thở, máy theo dõi bệnh nhân vang lên liên hồi. Các nhân viên y tế theo dõi sát diễn biến, tình trạng bệnh để kịp ứng phó khi diễn tiến xấu.

Bệnh chuyển xấu nhanh

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đang điều trị 122 người mắc COVID-19. Trong đó, bệnh nhân nặng thở máy và chăm sóc tích cực là 30. Số còn lại đều có yếu tố tiến triển nặng, đa số có bệnh nền, cao tuổi, người mắc các bệnh suy giảm miễn dịch.

Điển hình là cụ ông 82 tuổi ở Hà Nội, tiền sử tăng huyết áp, suy tim, tai biến mạch máu não và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Ông chưa tiêm vaccine COVID-19, nên khi mắc bệnh, diễn biến bệnh xấu nhanh. "Mới ngày thứ ba, ông rơi vào tình trạng suy hô hấp và phải can thiệp đặt ống thở máy", một bác sĩ điều trị nói.

Ca mắc COVID-19 tăng, bệnh nhân nặng nhập viện được điều trị thế nào? - 1

Bác sĩ chăm sóc, điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. 

Cụ bà 84 tuổi (ở Vĩnh Phúc) cũng gặp tình trạng bệnh diễn biến xấu nhanh. Bà có tiền sử tăng huyết áp, tiểu đường. Bệnh nhân đã tiêm 4 mũi vaccine nhưng đến ngày thứ hai, bệnh đã diễn biến rất nặng. Theo các bác sĩ, nguyên nhân là cơ địa nhiều bệnh nền nên diễn biến nặng. Những trường hợp này khó điều trị. 

Kế giường bên cạnh là bệnh nhân 65 tuổi mắc COVID-19 trên nền bệnh lý ngoại khoa. Bệnh nhân bị nhiễm trùng, viêm hoại tử túi thở manh tràng. Người đàn ông này được các bác sĩ mổ xử lý viêm phúc mạc hoại tử manh tràng. Với ca bệnh trên, COVID-19 chỉ là đồng nhiễm, chủ yếu là bệnh lý nặng do hoại tử manh tràng và viêm phúc mạc, gây tình trạng sốc nhiễm trùng, sốc mất máu. Rất may, các bác sĩ xử lý kịp thời, giúp bệnh nhân không nguy hiểm tính mạng.

TS.BS Trần Văn Giang, Phó Viện trưởng Viện Đào tạo và Nghiên cứu Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho biết, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 15-20 ca COVID-19 và đều mắc bệnh nền.

"Chúng tôi phải theo dõi rất sát để trong quá trình điều trị đảm bảo hạn chế bệnh tiến triển nặng, nguy cơ can thiệp thở máy hay dùng các biện pháp can thiệp tích cực khác", ông Giang nói.

Bệnh nhân COVID-19 nhập viện thời điểm này thường cao tuổi, 80-90% từ 60 tuổi trở lên. Bên cạnh đó, bệnh viện tiếp nhận cả người 80-90 tuổi. Nhiều trường hợp khi nhập viện bệnh nền khá nặng như tai biến mạch máu não, bệnh tiểu đường, cao huyết áp, bệnh ung bướu khác. Ngoài điều trị COVID-19, các bác sĩ phải chữa trị các bệnh lý khác. 

Ca mắc COVID-19 tăng, bệnh nhân nặng nhập viện được điều trị thế nào? - 2

Người bệnh điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.

Trong khi đó, Bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 điều trị 28 ca COVID-19, cũng phần lớn có bệnh nền, người lớn tuổi, tiêm 2-3 mũi vaccine. Chỉ vài trường hợp chưa tiêm mũi vaccine nào. 

Điều trị tại bệnh viện này từ thứ 6 tuần trước, chị Lê Thị Hiếu, 47 tuổi, ở Hà Nội, còn ho nhiều nhưng đỡ mệt hơn. Hiện, chị còn phải thở oxy. Do bị tim bẩm sinh, suy tim, người này chưa tiêm vaccine COVID-19. Trước đó ở nhà, chị sốt 39 độ C kèm viêm phổi. Điều trị viêm phổi tại một bệnh viện lớn ở Hà Nội nhưng sau hai ngày mắc COVID-19, nữ bệnh nhân được chuyển sang Bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19. Tại đây, chị vẫn uống đơn thuốc chữa viêm phổi, đồng thời điều trị COVID-19. 

Ở dãy kế bên, một bệnh nhân khác 74 tuổi đã tiêm vaccine nhưng suy hô hấp nhanh. Con trai của bệnh nhân chia sẻ: “Bố tôi 74 tuổi, mắc COVID trên nền bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối, nên suy hô hấp rất nhanh. Khi nhập viện, bố khó thở, bác sĩ phải đặt máy".

Trong tháng 7, số người mắc COVID-19 đến Bệnh viện trung bình 1-2 bệnh nhân/ngày thì trong tháng 8/2022, lên đến 4-5 bệnh nhân/ngày. Người bệnh điều trị tại đây khoảng 30-35 người, hầu hết đều chưa tiêm vaccine mũi 4 hoặc có bệnh lý nền.

Ca mắc COVID-19 tăng, bệnh nhân nặng nhập viện được điều trị thế nào? - 3

Bệnh nhân COVID-19 nặng chủ yếu là những bệnh nhân cao tuổi, nhiều bệnh nền.

Số ca mắc tiếp tục tăng

Theo Bộ Y tế, từ đầu tháng 8 đến nay, số ca mắc mới xu hướng tăng với các biến thể phụ của chủng Omicron (BA.4, BA.5, BA.2.75, BA.2.12.1). Trung bình mỗi ngày, khoảng 2.000 ca COVID-19, cùng đó là số ca nặng, nguy kịch cũng gia tăng, đồng thời xuất hiện các ca tử vong do COVID-19.

Đáng lưu ý, ngày 30/8, nước ta ghi nhận tới 4 ca tử do COVID-19 tại Cần Thơ, Hà Nội, Khánh Hòa, Tây Ninh. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 2 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.117 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên lưu ý, dù dịch COVID-19 cơ bản vẫn được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc, số ca mắc COVID-19 có xu hướng tăng trở lại. Trong khi đó, tỷ lệ tiêm vaccine mũi 3, mũi 4 ở người từ 12 tuổi trở lên và tiêm vaccine liều cơ bản ở nhóm 5 đến dưới 12 tuổi tại một số địa phương còn thấp. 

Ca mắc COVID-19 tăng, bệnh nhân nặng nhập viện được điều trị thế nào? - 4

Vaccine vẫn là vũ khí chiến lược, vũ khí quan trọng nhất, quyết định trong phòng, chống dịch. (Ảnh minh họa).

Ông Tuyên dẫn thông tin từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy, đợt gia tăng gần đây chủ yếu do sự lây lan của biến thể phụ Omicron là BA.4 và BA.5. Ngoài ra, các biến thể mới liên tục xuất hiện hoặc tiến hóa, mới nhất là BA.2.74, BA.2.75, BA.2.12.1 có khả năng làm giảm miễn dịch qua thời gian và có thể làm dịch gia tăng trở lại.

Bộ Y tế luôn giám sát chặt chẽ tình hình dịch trong nước và thường xuyên làm việc chặt chẽ với WHO để theo dõi tình hình dịch trên thế giới, từ đó, đánh giá nguy cơ và đề xuất kịp thời các biện pháp phòng chống dịch phù hợp tình hình dịch.

Việt Nam hiện cơ bản đáp ứng được những điều kiện cần thiết để chuyển tiếp từ phòng chống đại dịch sang quản lý bền vững. Tuy nhiên, vẫn cần luôn cảnh giác với các biến thể mới của virus, chuẩn bị sẵn sàng đáp ứng với các tình huống có thể xảy ra của dịch bệnh.

Vaccine vẫn là vũ khí chiến lược, vũ khí quan trọng nhất, quyết định trong phòng, chống dịch. “Để tiếp tục thực hiện mục tiêu kiểm soát dịch, các địa phương phải tiếp tục đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm vaccine COVID-19. Bộ Y tế tiếp tục đôn đốc, hỗ trợ, hướng dẫn và thúc đẩy việc tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 tại các địa phương", Thứ trưởng Tuyên nói.

https://vtc.vn/ca-mac-covid-19-tang-benh-nhan-nang-nhap-vien-duoc-dieu-tri-the-nao-ar697891.html

Thanh Hải - Đăng Khoa / VTC News