"Lời nguyền" tượng cổ bằng vàng đã khiến gia đình ông Kình lâm vào tình cảnh khó khăn, từ một lão nông lực điền thì nay ông đã trở thành một người ốm yếu.
LTS: Bức tượng cổ một vị thần người Chăm ngủ yên dưới lớp đất sâu hàng trăm năm được một thiếu niên vô tình phát hiện. Pho tượng cổ bằng vàng ngay lập tức khiến giới săn tìm đồ cổ nổ ra một cuộc chiến kim tiền để sở hữu nó. Những người phát hiện bức tượng bỗng chốc có trong tay cả một gia sản khổng lồ, trở nên giàu có tột đỉnh. Vậy nhưng, tất cả mọi người có liên quan đều phải trả giá bằng cảnh trắng tay hay tù tội, cuộc đời về sau gặp muôn vàn cực khổ khiến ai nấy đều cho rằng họ gặp phải lời nguyền bí hiểm từ bức tượng. Câu chuyện đã trôi qua 17 năm nhưng với những người trong cuộc, đó vẫn như là một giấc mơ mới ngày hôm qua.
Dân nghèo phút chốc thành đại gia cỡ bự nhờ tượng cổ bằng vàng
Giống như nhóm buôn đồ cổ Đức, Tiến, Bằng, ông Kình cũng bị bắt giữ để phục vụ điều tra. 17 năm đã trôi qua nhưng ông vẫn nhớ như in quãng thời gian ngắn ngủi trở thành đại gia cỡ bự với 68 lượng vàng và giây phút tra tay vào chiếc cồng số 8. Ánh mắt nhìn xa xăm, ông Kình trầm ngâm hồi tưởng lại câu chuyện của mình cùng kho vàng.
Ông kể, ngay khi có được 68 lượng vàng thì cả gia đình ai cũng sung sướng tột cùng. Cậu bé Nông được mọi người coi như người hùng, công kênh đi khắp nhà. Nhiều người trong làng, bà con họ hàng xa cũng đến chia vui với gia đình ông. Vậy nhưng niềm vui sướng ban ngày biến thành nỗi lo và hoảng sợ khi màn đêm buông xuống.
Đám người tứ xứ khắp nơi đổ về mua đồ cổ vẫn còn quanh quẩn xung quanh thôn Phú Long. Nhiều tên trong số đó là giang hồ, ma cô, người đầy vết sẹo, hình săm. Cả gia đình ông Kình thay nhau thức trắng đêm để canh giữ số vàng có được. “Lúc nhận vàng thì sướng quá không nghĩ ngợi gì đâu, chỉ đến khi trời tối mới sợ. Hồi đó ở thôn Phú Long chưa có điện, chỉ toàn thắp đèn dầu nên càng thêm hãi.
Đống vàng được đựng trong mấy cái két đạn sót lại từ thời chiến tranh, khóa kín lại rồi giấu dưới gầm giường. Chúng tôi ở trong nhà mà ngoài vườn con chó sủa một tiếng là giật bắn mình. May mà mọi chuyện vẫn bình yên đến sáng”, bà Trần Thị Liên, vợ ông Kình thuật lại.
Ngay buổi sáng hôm sau, gia đình ông Kình đã bàn cách cất giấu số vàng có được. Sau một hồi lâu bàn bạc, họ quyết định chia nhỏ số vàng thành 5 phần, mỗi phần 10 lượng vàng rồi mang cất giấu.
Địa điểm cất giấu chỉ có những thành viên trong gia đình được biết, tuyệt đối không tiết lộ với người ngoài. Đợi đến lúc trời tối, cả nhà ông Kình lén lút cùng nhau đào đất chôn số vàng xuống đất ở 5 vị trí như dự định trước đó. Chôn cất tài sản xong, họ đem 18 lượng vàng còn lại bán để tiêu xài và phân chia một phần cho bà con, hàng xóm.
Gia đình ông Kình từ một hộ nghèo bỗng chốc có trong tay số tiền lớn và trở thành đại gia. “Chúng tôi cho ông Lê Chờ 5 lượng vì có công đào cái tượng lên. Ông ấy giận nhưng vẫn chấp nhận. Gia đình tôi cũng chia cho bà con hàng xóm trong làng mỗi hộ một triệu đồng. Số tiền còn lại chúng tôi tiêu xài, mua vật dụng trong gia đình. Cả làng ni họ gọi tôi là tỷ phú”, ông Kình kể.
Bà Tiên nhớ lại hồi đó trong làng đã có vài chiếc xe máy nên ông bà quyết mua chiếc xe xịn nhất. Hai vợ chồng xuôi về Đà Nẵng tìm mua xe. Họ ưng ý chiếc xe Dream Thái Lan và không chùn tay chi ra 3 lượng vàng lái về. Không chỉ vậy, ông bà còn mua cả một chiếc tủ lạnh cùng những vật dụng xịn nhất chỉ dành cho dân thành phố.
“Tụi tui chạy xe máy về, cả làng bám theo coi. Chiếc xe Dream Thái hồi đó là cả một gia tài. Mấy bà phụ nữ thì nhìn cái tủ lạnh mà mê mệt. Vậy mà…”, bà Liên bồi hồi nhớ lại.
Vậy nhưng cảnh giàu sang sung túc của gia đình ông Kình không kéo dài được lâu. Cơ quan điều tra Công an tỉnh Quảng Nam nhận được thông tin có một vụ buôn bán cổ vật nên tiến hành điều tra. Họ lập tức tìm ra người phát hiện bức tượng và đến nhà điều tra.
Khi biết ông Kình đã bán bức tượng thì liền bắt giam để phụ vụ quá trình điều tra vụ án. Riêng anh
Nông vào thời điểm đó chưa đủ tuổi vị thành niên nên được tại ngoại. Ngày ông Kình bị bắt, cả làng kéo đến xem ông tỉ phú làng bị đi tù. Người làng còn kinh ngạc hơn nữa khi ông Kình dẫn công an đến nơi chôn cất vàng.
Tất cả đều lóa mắt trước những thỏi vàng chói lóa và không ngớt xôn xao bàn tán. Ông Kình bị tạm giam đúng 1 tháng 3 ngày thì được cho tại ngoại khi các đối tượng Tiến đầu bạc, Bằng và Đức bị bắt giam. Ông bị đưa ra xét xử. Theo nhận định của HĐXX, ông Kình đã có hành vi chiếm giữ trái phép và buôn bán hàng quốc cấm.
Tuy nhiên, trong quá trình điều tra và xét xử tại phiên tòa đã thành thật khai báo. Ngoài ra, ông Kình cũng có nguyên nhân chủ quan là nhận thức sự việc chưa đầy đủ nên mới vi phạm. Do vậy, ông Kình được tuyên án treo cho hành vi phạm tội của mình.
Trả giá vì đánh thức tượng cổ
Bức tượng cổ được Công an tỉnh Quảng Nam thu hồi và bàn giao cho ngành Văn hóa tỉnh. Theo hồ sơ giám định của cơ quan chức năng, bức tượng cổ mà cha con ông Kình đào được là tượng thần Siva làm bằng vàng. Bức tượng có niên đại vào khoảng thế kỷ X. Đây là bức tượng thần Siva thứ hai bằng vàng còn được lưu giữ tại Việt Nam và hiện đang trưng bày tại bảo tàng tỉnh Quảng Nam ở TP. Tam Kỳ. Tượng đầu thần Siva còn lại hiện được lưu giữ tại bảo tàng Lịch sử Việt Nam ở Hà Nội.
Về phần mình, ông Kình dù không phải lĩnh án tù nhưng mỗi lần nhắc đến chuyện cũ luôn khiến ông buồn lòng. “Hồi đó tôi đâu biết đó là bảo vật quốc gia. Tôi cứ nghĩ rằng mình tìm được là của mình rồi thì có quyền mua bán. Mà lúc đó tôi cũng để bức tượng ở nhà, cả làng đều tới xem. Mấy ông chính quyền huyện cũng xuống coi cho biết mà không ai có ý kiến chi cả. Tôi mà biết bán tượng cổ là phạm pháp thì đã giao nộp từ đầu để được hưởng phần trăm rồi. Cũng vì thiếu hiểu biết mà tôi phải trả giá”, ông Kình thở dài.
Ông Kình tâm sự dù chỉ bị tạm giam hơn 1 tháng những quãng thời gian đó trong tù cũng khiến sức khỏe ông sụt giảm nghiêm trọng. Từ một lực điền khỏe mạnh, ông không còn đủ sức để làm nông nên đành theo người nhà ra Đà Nẵng làm phụ thợ mộc kiếm ăn qua ngày. Vậy nhưng trong một lần bất cẩn, chiếc cưa máy đã cưa đứt ngón tay trỏ của ông.
Chưa dừng lại, tai họa tiếp tục ập đến khi một mảnh gỗ đâm thẳng vào mắt trái khiến ông bị mù. “Lúc tôi mới ra tù có người nói rằng bức tượng đó là của người Chăm. Họ đã yểm bùa trước khi chôn bức tượng để không ai được chạm vào, nếu ai bất tuân thì sẽ bị trừng phạt. Nghe vậy nhưng tôi đều bỏ ngoài tai vì không tin chuyện đó. Bây giờ ngồi nghiệm lại có lẽ họ nói đúng”, ông Kình tâm sự.
Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Nông, người tìm ra bức tượng cũng gặp nhiều tai nạn trong cuộc sống. Bà Liên cho hay khi ông Kình bị bắt giam thì Nông cũng bỏ dỡ việc học đi làm thêm kiếm tiền. Hai năm sau, trong lúc đang chăn trâu gần nhà thì bị một con húc thủng ruột nhưng may mắn được cứu sống. Anh Nông sau đó vào Sài Gòn lập nghiệp. “Hắn mới lấy vợ cách đây 4 năm và có một đứa con trai 2 tuổi. Hai vợ chồng làm công nhân cũng rất cực khổ nên ít khi về quê thăm nhà”, bà Liên kể.
Ông Kình cho hay 4 năm nay ông được UBND xã cho vay vốn phát triển chăn nuôi bò. Nhờ đó mà vợ chồng ông có được một ít vốn liếng tiết kiệm. Thấy điều kiện khó khăn của gia đình ông, chính quyền địa phương hỗ trợ thêm tiền để xây dựng được một ngôi nhà cấp 4 khang trang giúp ổn định cuộc sống.
Cuộc sống đỡ vất vả hơn xưa, ông Kình hàng ngày vẫn luôn nhắc nhở con cháu về bài học của chính bản thân mình. “Vàng phải từ tay mình làm nên, chứ ai không làm mà có chỉ là rước họa vào thân”.