Bệnh nhân được đưa vào cấp cứu sau 4 tiếng đã tử vong, bệnh viện nhận định do bác sĩ thiếu kinh nghiệm cấp cứu chẩn đoán bệnh ban đầu sai dẫn đến bệnh nhân tử vong. Bệnh viện gửi lời chia buồn và xin lỗi gia đình bệnh nhân.
Ngày 13/7, Bệnh viện Chợ Rẫy có văn bản phản hồi thông tin báo chí về trường hợp anh Trần Quốc Cường phản ánh, mẹ anh là bệnh nhân Nguyễn Thị Tr. (ngụ quận TP.HCM) tử vong tại bệnh viện.
Phòng cấp cứu BV Chợ Rẫy đông đúc, quá tải là tình trạng thường trực. Ảnh: L.L |
Cụ thể sự việc, vào 19 giờ 39 ngày 9/7, Khoa cấp cứu BV Chợ Rẫy có tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Thị Tr (56 tuổi, ngụ quận 8). Trước khi nhập viện, bệnh nhân đã được chẩn đoán hôn mê hạ đường huyết và đã được truyền đường ưu trương nên bệnh nhân tỉnh lại, nhập cấp cứu trong tình trạng tỉnh, tiếp xúc được, dấu hiệu sinh tồn trong giới hạn bình thường. Bệnh nhân được lưu, theo dõi tại khoa Cấp cứu.
Đến 23h10 cùng ngày, bệnh nhân hôn mê, ngưng hô hấp tuần hoàn, các bác sĩ tiến hành cấp cứu, hồi sức tích cực, song bệnh nhân không qua khỏi, chẩn đoán: hôn mê sau ngưng hô hấp, tuần hoàn/ Đái tháo đường type 2.
Một tua trực của nhân viên y tế tai Khoa cấp cứu Chợ Rẫy tiếp nhận hàng ngàn bệnh nhân từ tuyến dưới đổ về. Ảnh: L.L |
Sau sự việc, Khoa Cấp cứu báo cáo với Ban giám đốc bệnh viện để xử lý. Qua nhận định ban đầu bệnh viện cho rằng, bác sĩ khám bệnh chưa có nhiều kinh nghiệm xử lý bệnh nhân có nhiều bệnh nền, nhận định chưa chính xác tình trạng người bệnh và tiên lượng được diễn biến có thể xảy ra. Tua trưởng trực cấp cứu theo dõi chưa sát tua trực, phân công, sắp xếp chưa hợp lý để phát hiện và xử trí kịp thời khi người bệnh có diễn biến bất thường.
Riêng một số nhân viên trong tua trực cấp cứu có thái độ phục vụ và giao tiếp chưa tốt với bệnh nhân và thân nhân bệnh nhân.
Bác sĩ Phạm Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp cho biết, bệnh nhân Tr có nhập viện điều trị với chẩn đoán: Huyết khối tĩnh mạch chân trái, cao huyết áp vô căn, đái tháo đường type 2 và xuất viện cùng ngày bệnh nhân vào cấp cứu.
“Với các bệnh lý kèm là huyết khối tĩnh mạch và cao huyết áp, theo chuyên khoa Nội tiết thì bệnh nhân có nguy cơ cao xảy ra các biến chứng về tim mạch như nhồi máu cơ tim, đặc biệt bệnh nhân sau hạ đường huyết”, bác sĩ Việt nói.
Sau khi bệnh nhân tử vong, Lãnh đạo bệnh viện và các phòng chức năng trực tiếp gặp người thân bệnh nhân để chia buồn, cầu thị tiếp nhận ý kiến và có lời xin lỗi đến gia đình.
Sau sự việc Bệnh viện đã đình chỉ công tác bác sĩ khám ban đầu và Trưởng tua trực cấp cứu ngày 9/7. Ảnh: L.L |
Sau đó, Ban Giám đốc Bệnh viện đã tổ chức họp khẩn với các phòng chức năng, các khoa liên quan để khẩn trương xử lý ban đầu để tránh nguy cơ tương tự cho những bệnh nhân khác.
Bước đầu, Bệnh viện ra quyết định đình chỉ công tác đối với bác sĩ khám ban đầu cho bệnh nhân và Trưởng tua trực cấp cứu đêm 09/7/2019. Tiếp đến, Bệnh viện sẽ thông qua Hội đồng Chuyên môn để kết luận về sai sót chuyên môn trước khi Hội đồng Kỷ luật xác định hình thức kỷ luật đối với những cá nhân sai phạm.
Trước đó, anh Trần Quốc Cường (ngụ Q.8, TP.HCM) đã phản ánh đến đường dây nóng Bộ Y tế, sự việc mẹ anh là bà
Nguyễn Thị Tr.(57 tuổi) qua đời sau gần 4 giờ chuyển vào Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu. Anh cho rằng, nhân viên y tế có thái độ không chuẩn mực với người nhà và thờ ơ trong việc cấp cứu khiến mẹ anh tử vong.
Phan Nhơn
Thái độ của bác sĩ nhìn từ vụ bệnh nhân tử vong tại BV Chợ Rẫy
Nỗi đau mất con của một người mẹ, nỗi đau bất lực nhìn bệnh nhân qua đời của đội ngũ y bác sĩ là câu ... |