Bức tường sụp đổ

Trước khi từ châu Âu về nước vào cuối năm 1988, tôi đã đi bộ dọc theo Bức tường Berlin vào một chiều cuối thu.

 

Trước khi từ châu Âu về nước vào cuối năm 1988, tôi đã đi bộ dọc theo Bức tường Berlin vào một chiều cuối thu.

Những ai từng tới châu Âu đều không thể quên được cảm giác bình yên của mùa thu với sắc vàng lộng lẫy. Đi dọc Bức tường Berlin lúc đó, trong khung cảnh của mùa thu vàng, tôi nhìn lên mặt tường thành, từng toán bộ đội Đức mặt nghiêm nghị, lăm lăm súng trên tay.

Tôi hỏi một người dân Đông Đức đang đi trên phố: "Tôi sống ở Ba Lan sang đây viếng thăm bức tường nổi tiếng này. Nghe dân Ba Lan nói, có nhiều người Đông Đức muốn vượt qua bức tường này phải không?".

"Chúng tôi qua phía Tây cũng khó mà người bên kia sang phía Đông cũng khó", ông bảo, rồi mỉm cười.

Vào mùa thu 1961, tôi bước vào năm đầu của cấp 2 theo hệ giáo dục phổ thông 10 năm tại Việt Nam. Tôi nghe đài phát thanh nói về việc nhân dân Cộng hòa Dân chủ Đức quyết định xây dựng bức tường Berlin như một "tường thành bảo vệ chống phát-xít" để ngăn giữ Đông Berlin do phe ta kiểm soát và Tây Berlin do "phe địch" kiểm soát.

Bức tường dài hơn 100 km, cao khoảng 3,5 m như một hàng rào cứng giữa hai phe. Tôi nghe vậy và biết vậy, chưa có tư duy gì nhiều về thế sự vì chưa phải là người lớn.

Lớn lên, tôi đã có 8 năm sống và làm việc tại Ba Lan, nghe người dân Ba Lan nói nhiều về thế sự thời kỳ Đại chiến thế giới thứ 2 gắn với sự đau khổ, mất mát tột cùng của dân tộc Ba Lan trước tham vọng quyền lực của Phát xít Đức. Họ cũng kể về bức tường Berlin chia dân tộc Đức thành hai nửa như món "nợ đời" mà dân tộc này phải trả cho tham vọng quyền lực. Vì vậy, tôi mới có chuyến đi trên, muốn một lần đến tận bức tường Berlin để chiêm nghiệm lịch sử theo cảm nghĩ riêng của mình.

Đúng một năm sau khi về nước, tôi đã xem tường thuật cảnh Chính phủ Cộng hòa Dân chủ Đức chấm dứt sứ mệnh chia đôi lịch sử của bức tường Berlin qua kênh truyền hình CNN vào đêm ngày 9/11 năm 1989. Người của hai bên qua lại tấp nập cùng nụ cười của ngày dân tộc được sum họp. Từ đó, chính người dân Đức đã tự tay phá dỡ bức tường lịch sử, chỉ để lại vài đoạn làm kỷ niệm.

Khoảng 10 năm sau, dấu vết của bức tường trở thành con đường mòn cho xe đạp với dải cây xanh mướt. Một biểu tượng xung đột cực điểm của thế giới lưỡng cực đã trở thành biểu tượng của môi trường sinh thái bình yên.

Đêm qua, tôi nhận được email của một người bạn Đức, cũng là giáo sư tại một trường đại học, trao đổi một dự án về quản trị đất đai trợ giúp cho các nước đang phát triển. Bỗng dưng tôi sực nhớ tới ngày 9/11/1989, ngày bức tường Berlin sụp đổ sau 28 năm tồn tại bằng ý chí của những người dân Đức.

Tôi đã trả lời ngay thư này, xin bàn sau về chuyện chuyên môn, nhưng muốn nói về cảm nghĩ của mình nhân 30 năm ngày bức tường Berlin sụp đổ. Đó dấu mốc quan trọng nhất đối với sự kết thúc của thế giới lưỡng cực chuyển sang một thế giới đa cực với sự mong muốn bình yên và phồn vinh của nhân loại.

"Việt Nam và Đức đều đã cùng trong cảnh ngộ dân tộc bị chia cắt do thế giới lưỡng cực tạo nên, mỗi dân tộc đã có cách riêng để thống nhất. Đã 30 năm trôi qua, nhưng tôi vẫn nhớ nguyên vẹn những cảm xúc của mình khi đi dọc bức tường Berlin vào cuối năm 1988 trước khi trở về nước, một năm trước khi bức tường này sụp đổ", tôi viết cho người bạn Đức.

"Đi dọc bức tường, đứng trước Cổng Brandenburg, tôi đã nghĩ rằng loài người chỉ tự làm khổ nhau vì tham vọng quyền lực. Tôi ước gì hình thái quyền lực bằng sức mạnh vũ lực sẽ tiêu biến...".

Thấm thoát, đã 30 năm. Nhân loại đã chuyển sang giai đoạn toàn cầu hóa với sự hợp tác cùng phát triển dựa trên đồng thuận theo khung pháp luật của các công pháp quốc tế.

Nếu trên hành tinh này, còn đất nước nào đó còn mơ về quyền lực bằng vũ lực, thì đã quá lỗi thời.

Đặng Hùng Võ

buc tuong sup do Tân Ngoại trưởng Mỹ từng là sĩ quan kỵ binh tuần tra ở Bức tường Berlin

Từng tốt nghiệp đứng đầu khóa tại Học viện Quân sự Mỹ ở West Point, tân Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo sau đó tốt nghiệp ...

/ vnexpress.net