Bữa cơm chiều 30 Tết của vợ chồng Italy với ân nhân Việt

Bà Marie lần đầu ăn canh mọc, xôi gấc, giò lụa - món truyền thống trong mâm cỗ ngày Tết của người Việt.

Gần trưa ngày 24/1, vợ chồng bà Marie được anh Lê Đình Lộc, người con thứ hai của bác sĩ Nguyễn Thị Xiêm đón tới nhà ăn bữa cơm tất niên. "Tôi rất hồi hộp và cảm thấy vinh hạnh khi được ngồi với gia đình ân nhân", bà Marie nói.

Trong ngôi nhà nhỏ trên phố Bà Triệu, bữa cơm trưa đã được dọn ra với toàn những món truyền thống của người Hà Nội như giò lụa, xôi gấc, canh bóng mọc, nem... 

"Món nào cũng ngon. Tôi thích nhất xôi gấc, canh bóng mọc", bà Marie liên tục khen trên bàn ăn.

Các con, cháu đi du học, nên đại gia đình bác sĩ Xiêm thường chỉ có chưa tới chục người dự bữa cơm tất niên. Năm nay có thêm hai vị khách đặc biệt. "Chúng tôi trân trọng tình cảm của bà Marie, sau 45 năm vẫn tìm lại mẹ tôi. Bên cạnh niềm vui vì vẫn còn được gặp mẹ tôi nhưng bà ấy cũng xót xa khi thấy mẹ bất động sau cơn tai biến", anh Lê Đình Lộc chia sẻ.

Đại gia đình bác sĩ Xiêm đón tiếp vợ chồng bà Marie trưa 30 Tết. Bà Marie tặng bác sĩ Xiêm quần áo và đồ chơi cho những đứa trẻ.

Bà Marie từng sống ở Việt Nam từ năm 1973 đến 1977, khi theo chồng, một nhà báo của Đảng cộng sản Italy tới Hà Nội đưa tin về cuộc chiến tranh giải phóng của nhân dân Việt Nam. Bác sĩ Xiêm ngày đó đã chữa bệnh hiếm muộn cho Marie, giúp bà sinh được con trai Marco Thắng.

Nhiều năm nay bà Marie đã luôn mong mỏi được cùng gia đình mình trở lại Hà Nội. Chuyến đi này của bà kéo dài hai tháng. 

Ngay từ đầu Marie đã không muốn di chuyển nhiều nên chỉ cùng các con cháu chơi ở Ninh Bình và Hạ Long, bà sống chậm ở Hà Nội.

Mỗi sáng vợ chồng bà rời căn hộ thuê trên phố Lê Phụng Hiểu, quận Hoàn Kiếm, để ngồi cà phê, ngắm đường phố, nói chuyện với những người Việt. Bà cũng gặp lại hai người phiên dịch cho gia đình mình năm xưa.

"Hà Nội nhiều cây và hoa", đây là điều bà ấn tượng nhất. Marie cũng cảm nhận rõ không khí Tết những ngày qua, khi đường phố trang hoàng đẹp hơn. "Mọi người ào ào đi mua sắm", bà cười nói.

Bác sĩ Lan, con gái bác sĩ Xiêm, giới thiệu cho bà Marie "nên mua rau sạch ở siêu thị", vì thế bà thường vào đây mua rau làm salad, nhưng vẫn thích ra chợ cóc mua quả và thịt tươi hơn. 

Bà Marie trong kỳ nghỉ 2 tháng ở Việt Nam. 

Sau bài báo về bà Marie đăng trên VnExpress ngày 16/1 đã có một số người quen cũ liên lạc với bà. "Người Việt có câu \'Mùng Một tết cha, mùng hai Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy. Thật tuyệt vời khi tôi có thể gặp hai học sinh cũ, nay đều đã U70 vào mùng 3 Tết. Chiều mùng 2, tôi cũng gặp hai đại sứ Việt ở Italy thời gian trước", bà chia sẻ.

Yêu văn hóa và con người Việt, Marie còn tranh thủ học tiếng Việt trong khoảng thời gian này. Từ trước chuyến đi bà đã đọc lại tài liệu về tiếng Việt. Qua những buổi học, nhiều kiến thức năm xưa dội về. "Tôi có thể đọc được sách, nói được một chút tiếng Việt. Tôi nhận ra mình có vấn đề với dấu \'hỏi\' và \'ngã", bà chia sẻ thêm.

Phan Dương   

Chiều 30 Tết, lại nhớ thơ Xuân của Nguyễn Bính

 Thơ Nguyễn Bính gắn liền với thôn quê ở Đồng bằng Bắc Bộ, nơi ấy có những người con gái áo the, quần lĩnh, có ...

Bài cúng tất niên chiều 30 Tết theo Văn khấn cổ truyền Việt Nam

Dưới đây là bài cúng tất niên chiều 30 Tết (Theo Văn khấn cổ truyền Việt Nam - NXB Văn hóa Thông tin).

Văn khấn Tất niên chiều 30 Tết chuẩn nhất

Thông thường, lễ tất niên hay được tiến hành vào chiều 30 Tết. Song có những gia đình vì điều kiện thời gian, công việc ...

                                                                                                                                                                

/ vnexpress.net