Brazil chìa tay với Huawei trong cơn khát vaccine Covid-19

Huawei từng đứng trước nguy cơ bị cấm tham gia mạng 5G ở Brazil, nhưng mọi chuyện thay đổi khi nước này cần vaccine Covid-19 Trung Quốc.

Chính quyền Donald Trump từng cảnh báo các đồng minh trên toàn cầu tránh xa Huawei, tố hãng viễn thông này hỗ trợ hoạt động do thám cho chính phủ Trung Quốc, cáo buộc mà cả Huawei lẫn Bắc Kinh đều phản đối.

Brazil, nước chuẩn bị xây dựng mạng 5G trị giá hàng tỷ USD, năm ngoái công khai đứng về phía Trump. Con trai của Tổng thống Brazil, một nghị sĩ có ảnh hưởng trong quốc hội, tuyên bố hồi tháng 11/2020 rằng họ sẽ tạo ra một hệ thống an toàn "không có hoạt động gián điệp Trung Quốc".

Tuy nhiên, Covid-19 đã đảo lộn mọi thứ. Khi ca tử vong vì Covid-19 trong một ngày tăng lên mức kỷ lục và biến chủng mới đang lây lan mạnh ở Brazil, Bộ trưởng Truyền thông nước này đến Bắc Kinh vào tháng hai, gặp các giám đốc điều hành Huawei và đưa ra yêu cầu rất bất thường với một công ty viễn thông. "Tôi đã tận dụng chuyến đi để nhờ họ giúp mua vaccine, đó là điều mà mọi người đang muốn", Bộ trưởng Fabio Faria kể lại cuộc gặp với lãnh đạo Huawei.

Hai tuần sau, chính phủ Brazil công bố các quy tắc đấu thầu 5G. Huawei, công ty mà chính phủ nước này dường như chuẩn bị cấm cửa vài tháng trước đó, sẽ được phép tham gia.

Sự thay đổi này là dấu hiệu cho thấy tình hình chính trị trong khu vực đã bị xáo trộn như thế nào bởi đại dịch và thất bại của Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, cũng như cách Trung Quốc bắt đầu lật ngược tình thế.

Bắc Kinh sản xuất nhiều vaccine và cung cấp chúng cho các nước đang phát triển, trong khi các nước giàu, bao gồm Mỹ, đang tích trữ hàng triệu liều cho nhu cầu trong nước. Điều đó mở ra cơ hội ngoại giao và quan hệ công chúng mà Trung Quốc sẵn sàng nắm bắt. Bắc Kinh nhận thấy mình có đòn bẩy to lớn mới ở Mỹ Latinh, khu vực họ có mạng lưới đầu tư lớn và tham vọng mở rộng quan hệ thương mại, đối tác quân sự và văn hóa.

Năm ngoái, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro, lãnh đạo cánh hữu có quan hệ tốt với Trump, đã chỉ trích vaccine Trung Quốc khi nó đang được thử nghiệm lâm sàng ở Brazil và ngăn Bộ Y tế đặt hàng 45 triệu liều CoronaVac. "Người dân Brazil không phải là chuột bạch", ông viết trên Twitter.

Nhưng khi Trump thất cử và các bệnh viện ở Brazil tràn ngập bệnh nhân Covid-19, chính phủ Bolsonaro nhanh chóng "làm lành" với Trung Quốc và yêu cầu họ xúc tiến gửi hàng chục triệu liều vaccine, cũng như các nguyên liệu để sản xuất vaccine hàng loạt ở Brazil.

Giới quan sát cho rằng việc yêu cầu mua vaccine diễn ra cùng thời điểm Huawei được tham gia đấu thầu mạng 5G thể hiện sự thay đổi rõ rệt trong lập trường của Brazil đối với Trung Quốc. Tổng thống Bolsonaro, con trai ông và Ngoại trưởng Brazil đột ngột ngừng chỉ trích Trung Quốc, trong khi các quan chức nội các có quan hệ với Bắc Kinh, như ông Faria, đã làm việc tích cực để có các lô hàng vaccine mới. Hàng triệu liều đã đến Brazil trong những tuần gần đây.

"Cơn khát vaccine ở Mỹ Latinh tạo ra lợi thế hoàn hảo cho Trung Quốc", Evan Ellis, giáo sư nghiên cứu về Mỹ Latinh tại Đại học Chiến tranh Mỹ, cho biết.

1216 3

Các liều vaccine CoronaVac của Trung Quốc đang được chuẩn bị vào tháng trước ở Sao Paulo, Brazil. Ảnh: NYTimes.

Huawei đã thực hiện "tấn công quyến rũ" Brazil khi tập đoàn này ngày càng bị hoài nghi ở một số nước khác như Anh và Đức. Họ cung cấp phần mềm cho các bệnh viện để giúp các bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch. Gần đây, họ đã tặng 20 máy tạo oxy cho thành phố Manaus, nơi một số bệnh nhân Covid-19 chết hồi tháng hai khi các bệnh viện cạn kiệt oxy.

"Cầu mong những nỗ lực chung của chúng ta sẽ cứu sống được nhiều người!", đại sứ quán Trung Quốc tại Brazil viết trên Twitter khi thông báo về món quà.

Cho đến đầu năm nay, Huawei dường như đã thua trong cuộc cạnh tranh 5G ở Brazil. Quốc gia lớn nhất châu Mỹ Latinh chỉ còn vài tháng nữa là tổ chức đấu thầu xây dựng mạng lưới 5G.

Huawei cùng với hai đối thủ châu Âu là Nokia và Ericsson muốn đóng vai trò dẫn đầu trong việc hợp tác với các công ty viễn thông địa phương để xây dựng cơ sở hạ tầng. Nhưng Huawei cần được cơ quan quản lý Brazil bật đèn xanh để vào cuộc.

Chính quyền Trump đã tích cực hành động để ngăn chặn nỗ lực đó. Khi thăm Brazil vào tháng 11/2020, Keith Krach, khi đó là quan chức cấp cao nhất của Bộ Ngoại giao Mỹ về chính sách kinh tế, đã gọi Huawei là công ty cần bị chặn tham gia xây dựng mạng 5G. "Không thể để Trung Quốc nắm giữ dữ liệu nhạy cảm nhất và tài sản trí tuệ của chúng ta", ông nói trong bài phát biểu ngày 11/11/2020 tại Brazil.

Krach lập luận rằng "các quốc gia tự do" cần phải đồng ý liên kết với nhau để hình thành "mạng lưới sạch" không có Huawei. Nhiều tuần sau chuyến thăm, Brazil dường như ủng hộ lập trường của Mỹ và chuẩn bị cho Huawei vào danh sách đen.

1245 4

Keith Krach thăm Brazil vào tháng 11/2020. Ảnh: Reuters.

Hình ảnh của Trung Quốc ở một số nước Mỹ Latinh đã xấu đi vì cách xử lý khi đại dịch mới bùng phát. Danh tiếng của Bắc Kinh càng giảm sút ở Peru khi các kit xét nghiệm giá rẻ xuất khẩu của nước này có chất lượng không tốt.Nhưng Trung Quốc đã tìm thấy cơ hội để thay đổi câu chuyện vào đầu năm nay, vì CoronaVac đã trở thành loại vaccine rẻ nhất và dễ tiếp cận nhất đối với các quốc gia đang phát triển.

Khi đại dịch được kiểm soát ở Trung Quốc, Sinovac, nhà sản xuất CoronaVac, đã bắt đầu vận chuyển hàng triệu liều ra nước ngoài, cung cấp vaccine miễn phí cho 53 quốc gia và xuất khẩu sang 22 nước đã đặt hàng.

Khi các liều CoronaVac đầu tiên được sử dụng ở Mỹ Latinh, Trung Quốc công kích các quốc gia giàu có đang làm rất ít để đảm bảo các nước nghèo hơn được tiếp cận vaccine. "Chúng tôi hy vọng rằng tất cả các quốc gia có khả năng sẽ chung tay và đóng góp xứng đáng", Ngoại trưởng Vương Nghị nói.

Khi Brazil tiêm những liều vaccine Trung Quốc đầu tiên cũng là lúc nước này "chìa tay" với Huawei, cho phép tập đoàn tham gia đấu thầu 5G dự kiến diễn ra vào tháng 7.

Sự thay đổi thái độ của Brazil phản ánh chiến dịch chống Huawei do Trump thúc đẩy đã mất động lực như thế nào kể từ ông thất cử. Anh cho biết họ sẽ không cấm thiết bị do Huawei sản xuất khỏi mạng 5G của họ. Đức đã báo hiệu cách tiếp cận tương tự Anh.

Thiago de Aragão, nhà tư vấn rủi ro chính trị tại Brasilia, người tập trung vào các mối quan hệ của Trung Quốc ở Mỹ Latinh, cho biết có hai yếu tố đã cứu Huawei ở Brazil. Tân Tổng thống Biden chỉ trích gay gắt vấn đề môi trường ở Brazil, khiến chính phủ của Bolsonaro không mặn mà bắt tay với Washington. Yếu tố thứ hai là sự phụ thuộc của Brazil vào vaccine Trung Quốc trong giai đoạn bắt đầu tiêm chủng khiến họ không thể cấm Huawei vì có nguy cơ chọc giận Bắc Kinh.

"Huawei đang chuẩn bị đối mặt 'án tử' hồi tháng 10, 11/2020. Bây giờ họ lại trở lại cuộc chơi", de Aragão nói.

Bộ trưởng Truyền thông Brazil Faria đưa ra yêu cầu mua vaccine vào thời điểm họ nhận thấy rõ ràng là Bắc Kinh nắm giữ chìa khóa để đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng ở Brazil, nơi hơn 270.000 người đã chết vì Covid-19.

Lý do duy nhất khiến Brazil có sẵn vài triệu liều CoronaVac vào đầu tháng hai là Thống đốc São Paulo João Doria, một trong những người thường chỉ trích Bolsonaro, đã đàm phán trực tiếp với Trung Quốc.

Trong một cuộc phỏng vấn, Faria cho biết lời đề nghị Huawei giúp Brazil mua vaccine không kèm theo yêu cầu "có đi có lại" nào. Trên thực tế, ông cho hay cũng đã hỏi các giám đốc điều hành công ty viễn thông ở châu Âu liệu họ có thể giúp Brazil mua vaccine hay không. "Đó không phải là thỏa thuận đổi vaccine lấy 5G", ông nói.

Ngày 11/2, Faria đăng một bức thư từ đại sứ Trung Quốc tại Brazil, trong đó đại sứ ghi nhận yêu cầu và viết rằng "tôi cho rằng vấn đề này rất quan trọng". Trong một tuyên bố, Huawei không nói rằng họ sẽ cung cấp vaccine trực tiếp nhưng cho biết công ty có thể giúp "giao tiếp một cách cởi mở và minh bạch về một chủ đề liên quan đến hai chính phủ".

Trung Quốc cũng là nhà cung cấp vaccine chính ở Chile, quốc gia đã thực hiện chiến dịch tiêm chủng tích cực nhất ở Mỹ Latinh và họ đang vận chuyển hàng triệu liều đến Mexico, Peru, Colombia, Ecuador và Bolivia.

Paraguay, nơi tình hình dịch ngày càng phức tạp, đang chật vật tiếp cận với vaccine Trung Quốc vì đây là một trong số ít quốc gia trên thế giới có quan hệ ngoại giao với đảo Đài Loan. Trung Quốc coi Đài Loan là một phần lãnh thổ chờ thống nhất và sẵn sàng sử dụng vũ lực nếu cần thiết.

Trong một cuộc phỏng vấn, Ngoại trưởng Paraguay Euclides Acevedo cho biết nước ông đang tìm cách đàm phán để tiếp cận CoronaVac thông qua các quốc gia trung gian. Sau đó, ông có phát ngôn nhiều ẩn ý với Trung Quốc, bên đã dành nhiều năm để thúc đẩy một vài quốc gia cuối cùng còn công nhận Đài Loan chuyển sang thiết lập quan hệ ngoại giao với họ.

"Chúng tôi hy vọng mối quan hệ không chỉ dừng lại ở vaccine mà sẽ mở ra một khía cạnh khác trong lĩnh vực kinh tế và văn hóa", ông nói: "Chúng ta phải cởi mở với mọi quốc gia khi tìm kiếm sự hợp tác và để làm vậy, chúng ta phải có một tầm nhìn thực tế".

Phương Vũ (Theo NYTimes)

Mỹ bị nghi ép Brazil từ chối vaccine Covid-19 Nga Mỹ bị nghi ép Brazil từ chối vaccine Covid-19 Nga
Hơn 120 triệu ca Covid-19 toàn cầu, WHO lo ngại tình hình Brazil Hơn 120 triệu ca Covid-19 toàn cầu, WHO lo ngại tình hình Brazil

/ vnexpress.net