Bột sắn dây có công dụng gì?

Ngày hè nắng nóng, cơ thể thường mệt mỏi, nhiệt tích tụ khiến con người dễ nổi mụn nhọt, mất nước, rối loạn tiêu hóa.

Trong dân gian, bột sắn dây từ lâu được xem là “vị thuốc mát lành”, giúp thanh nhiệt, giải độc và bồi bổ cơ thể. Theo Lương y Nguyễn Trung Hái, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học Trung ương Hội Đông y Việt Nam, trong Đông y, sắn dây (cát căn) vị ngọt, tính mát, quy vào các kinh Tỳ, Vị và Phế.

Tác dụng của sắn dây với sức khỏe

Công dụng nổi bật của sắn dây là thanh nhiệt, giải độc, sinh tân chỉ khát (tạo nước bọt, giảm khô miệng), tiêu rượu, chỉ tiêu chảy và hạ huyết áp. Bột sắn dây là sản phẩm chế biến từ củ sắn dây tươi, loại cây thuốc quý mọc nhiều ở vùng trung du và miền núi phía Bắc Việt Nam.

Lương y Nguyễn Trung Hái cho biết, sắn dây không chỉ là thực phẩm thông thường mà còn là dược liệu quý trong y học cổ truyền, đặc biệt phù hợp với mùa hè khí nóng bốc lên, làm hao tổn âm dịch.

Việc dùng bột sắn dây pha nước mát mỗi ngày giúp làm dịu cơ thể, hỗ trợ đào thải độc tố qua mồ hôi và nước tiểu, phòng ngừa táo bón, nổi mẩn và các bệnh lý do nhiệt gây ra.

Bên cạnh đó, hoạt chất puerarin trong bột sắn dây có tác dụng hạ huyết áp nhẹ, giãn mạch, cải thiện tuần hoàn máu não, tốt cho người cao huyết áp và người hay đau đầu, chóng mặt do thời tiết oi nóng.

Bột sắn dây vị thuốc mát lành cho mùa hè oi bức (Ảnh minh họa)

Bột sắn dây vị thuốc mát lành cho mùa hè oi bức (Ảnh minh họa)

 

Đặc biệt, bột sắn dây còn là “bài thuốc” hiệu quả trong giải rượu. Khi uống rượu quá mức, cơ thể nóng bừng, gan hoạt động quá tải, thì ly bột sắn dây pha nước chanh có thể giúp làm mát gan, thúc đẩy quá trình chuyển hóa ethanol và giảm cảm giác nôn nao.

Phụ nữ có thể dùng bột sắn dây để làm đẹp da, giảm mụn do nhiệt, vì chất isoflavone trong sắn dây có tác dụng tương tự estrogen, giúp cân bằng nội tiết và chống oxy hóa.

Những lưu ý khi sử dụng sắn dây

Lương y Nguyễn Trung Hái cũng lưu ý một số điều quan trọng khi sử dụng bột sắn dây. Bạn không nên pha bột bằng nước quá nóng vì sẽ làm vón cục, mất tác dụng giải nhiệt, ngược lại nước quá lạnh cũng khó hòa tan.

Tốt nhất là bạn dùng nước ấm ấm, có thể thêm vài giọt nước chanh tươi, không nên cho quá nhiều đường. Đặc biệt, không nên uống bột sắn dây sống (chưa pha chế) với liều cao vì dễ gây đầy bụng, lạnh bụng, tiêu chảy nhất là với người tỳ vị hư hàn, phụ nữ đang mang thai hoặc trẻ em dưới 1 tuổi.

Bột sắn dây nên dùng với liều lượng khoảng 10-15g mỗi lần, ngày 1–2 lần là đủ. Không nên uống liên tục trong nhiều tuần, mà chỉ nên dùng khi thời tiết oi bức, cơ thể có dấu hiệu nhiệt. Ngoài ra, cần chọn loại bột sắn dây nguyên chất, không pha tạp, không tẩy trắng để đảm bảo an toàn và hiệu quả sử dụng.

Bột sắn dây từ góc nhìn Đông y không chỉ là thức uống giải khát, mà còn là vị thuốc dưỡng sinh hiệu quả, nhất là trong những ngày hè oi nồng. Nếu biết sử dụng đúng cách, thì đây là lựa chọn lý tưởng để thanh lọc cơ thể, nâng cao sức đề kháng và duy trì trạng thái cân bằng cho cả gia đình.

https://vtcnews.vn/bot-san-day-co-cong-dung-gi-ar939633.html

Thanh Tâm / VTC News