BOT đường thủy đầu tiên đã xuất hiện tại TPHCM và dự kiến sẽ chính thức thu phí từ cuối năm nay 2018. Theo đó, các phương tiện thủy từ 300 tấn trở lên sẽ phải trả phí khi qua lại dạ cầu Bình Lợi phía thượng nguồn.
BOT Cai Lậy - một trong những BOT "nóng" trong năm qua khi bị người dân và nhất là tài xế phản ứng bằng nhiều cách. Ảnh: Đời sống và Pháp lý |
Theo đó, các phương tiện có tải trọng từ 300 tấn trở lên khi đi qua dạ cầu Bình Lợi sẽ phải trả phí với giá thu dự kiến 70 đồng/tấn/km. Thời gian thu kéo dài 20 năm 9 tháng với số tiền khoảng 1.100 tỷ đồng. Hình thức thu là nhờ các cảng vụ thu hộ giá BOT.
Để có thể hình dung, có thể ví dụ bằng một tính toán như sau: Với phí và lệ phí ra vào cảng, bến là 330 đồng/tấn, một xà lan 500 tấn từ Bình Lợi cập cảng An Sơn, Bình Dương phải đóng khoảng 185.000 đồng. Nếu thêm giá BOT cho đoạn khoảng 20km đường sông và chui cầu Bình Lợi, sẽ mất thêm 700.000 đồng.
Nhưng ngay từ khi chưa thu phí hoặc giá, trạm BOT đường thủy này đã đặt ra vô số vấn đề mà vấn đề đầu tiên chính là sự lúng túng của cả chủ đầu tư cũng như Bộ GTVT về tên gọi phí hay thu giá- như xác nhận một quan chức Bộ GTVT.
Hơn nữa, việc nhờ các cảng vụ thu hộ giá BOT chính là việc mượn tay cơ quan quản lý nhà nước làm một việc không đúng chức năng nhiệm vụ của họ.
Và quan trọng hơn, tình trạng “trải thảm một đoạn đường chặn cả tuyến thu phí” của các trạm BOT đường bộ có nguy cơ lặp lại, bởi phương án thu phí BOT này đang cho thấy dù chỉ đi qua dạ cầu, mà hoàn toàn không sử dụng cầu như các phương tiện vận tải đường bộ, các phương tiện đường thủy tuyến này đang phải trả tiền xây mới cầu sắt Bình Lợi.
Huy động nguồn vốn xã hội cho các công trình hạ tầng giao thông là một chủ trương đúng đắn để tháo gỡ sự khó khăn về nguồn vốn. Nhưng bài học BOT đường bộ vẫn còn đó. Sẽ rất khó để người dân, doanh nghiệp tâm phục khẩu phục khi BOT đường thủy tiến hành khi mà các quy định pháp lý còn mơ hồ đến mức chưa thể định danh tên gọi là phí hay thu giá.
Tin mới nhất là Sở GTVT TP.HCM đề nghị chủ đầu tư phải đưa ra dự thảo phương án tài chính và phương án thu phí mới để phản biện trước khi chính thức đưa vào thực hiện.
Chỉ mong việc phản biện không phải là để gật đầu với một sự đã rồi.
Đường thủy có trạm BOT đầu tiên
Cải tạo luồng sông Sài Gòn đoạn từ cầu Bình Lợi (TP HCM) tới cảng Bến Súc (tỉnh Bình Dương) là dự án đường thủy ... |