Bốn nhóm người có thể lây lan Covid-19 ra cộng đồng

Người nhập cảnh trái phép; nhóm trong khu cách ly quản lý không tốt, bỏ trốn hoặc tự động ra ngoài, có khả năng lây lan Covid-19 ra cộng đồng.

Hai nhóm nguy cơ khác gồm những người làm nhiệm vụ tại các chốt cửa khẩu như sân bay, kiểm dịch, người đưa đón công nhân; nhóm chăm sóc người trong khu cách ly, nếu bảo hộ không tốt, không đúng quy trình.

Bốn nhóm này được ông Hoàng Minh Đức, Cục phó Y tế dự phòng, Bộ Y tế, nêu ra tại buổi làm việc giữa Bộ Y tế với Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của TP HCM, ngày 26/3. "Đây là những nhóm nguy cơ được đúc kết qua các đợt dịch tại Việt Nam, TP HCM cũng như các địa phương cần lưu ý", ông Đức nói.

Theo ông Đức, với những ổ dịch thì nhỏ thì "truy vết thần tốc, cách ly thần tốc, xét nghiệm thần tốc" sẽ giải quyết được ngay. Riêng những ổ dịch lớn, nhiều F0 chưa xác định được, bắt buộc phải linh hoạt áp dụng phong toả diện rộng cũng như các chỉ thị về giãn cách xã hội.

Phó giáo sư Phan Trọng Lân, Viện trưởng Pasteur TP HCM, đánh giá TP HCM có đặc thù là số lượng người đi và đến rất lớn, chiếm khoảng 70% cả nước. Nếu chỉ dùng biện pháp ngăn chặn thì sẽ rất khó khăn. Cần làm thế nào để từng điểm tập trung đông như cơ quan, xí nghiệp, trường học... được đảm bảo an toàn.

Theo ông Lân, thời gian hệ thống giám sát của TP HCM hoạt động rất hiệu quả, triển khai chống dịch rất nhanh. Chẳng hạn, chiều 30 Tết Nguyên đán, khi có chỉ đạo của UBND về những điểm nguy cơ, các cơ quan khẩn trương xây dựng kế hoạch, khoanh vùng đối tượng, đến 4h30 chiều là bắt đầu triển khai lấy mẫu trên toàn thành phố. Đến tối, những mẫu đầu tiên cho ra kết quả xét nghiệm, rất nhanh, gọn.

Theo Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM Nguyễn Hữu Hưng, thành phố không chung biên giới đường bộ với các nước, nhưng thời gian qua nhiều ca nhập cảnh trái phép đến địa phương khác rồi vào thành phố, do đó nguy cơ luôn hiện hữu.

"Phải làm sao phát hiện càng sớm càng tốt để những người này, nếu họ nhiễm Covid-19 thì không có cơ hội lây lan trong cộng đồng", ông Hưng nói. TP HCM đang phối hợp với Kiên Giang cũng như các tỉnh khác để phát hiện, ngăn chặn kịp thời các trường hợp nhập cảnh trái phép.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cũng nhận định TP HCM giáp ranh với các tỉnh Đông Nam bộ, Tây Nam bộ là những địa phương có đường biên giới, do đó nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vẫn còn cao. Ông Tuyên đề nghị thành phố kiểm soát tốt người nhập cảnh, tiếp tục kiểm tra chặt chẽ, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp nhập cảnh trái phép vào thành phố. "Cần xử lý nghiêm cả cơ sở tổ chức cách ly cho người nhập cảnh trái phép", ông Tuyên nói.

Thành phố cần chủ động tăng cường giám sát phát hiện ca nghi ngờ. Nếu có ca bệnh, cần khoanh vùng diện hẹp, kịp thời dập dịch để phát triển kinh tế. Những trường hợp nghi ngờ cần xét nghiệm diện rộng nhưng theo chỉ định. Có thể xét nghiệm gộp mẫu theo quy định của Bộ Y tế để đảm bảo nguyên tắc sàng lọc và giảm chi phí.

TP HCM hiện duy trì kiểm soát chống trong cộng đồng, thường xuyên lấy mẫu xét nghiệm tại những điểm nguy cơ như chợ, nơi nuôi dưỡng người già, khu chế xuất, khu công nghiệp, nhân viên y tế, bệnh nhân nặng ở các bệnh viện...

Thành phố chỉ đạo các sở ngành, UBND quận huyện tăng cường kiểm tra giám sát, xử phạt các trường hợp không thực hiện đúng. Cụ thể, tháng giêng âm lịch, nhiều cơ sở thờ tự thu hút đông người dân, đã được triển khai các biện pháp hướng dẫn, chống dịch tại các cơ sở này.

Giám đốc Sở Y tế TP HCM Nguyễn Tấn Bỉnh nhận định, hai nhóm mà thành phố đang đẩy mạnh tập trung quản lý tốt là khu cách ly tập trung của thành phố, quận huyện cũng như khu cách ly có trả phí tại khách sạn.

"Khu cách ly là một trong những nơi có nguy cơ lây lan dịch bệnh nếu không đảm bảo tuân thủ đúng quy trình", ông Bỉnh nói. Thành phố lên kế hoạch từ tháng 4 đến tháng 6 đón công dân về nước, đã chuẩn bị 378 giường cách ly trong khu vực của quân đội gồm Khu C ở Củ Chi và Trung đoàn 10 ở Nhà Bè, gần 4.000 giường cách ly tập trung có thu phí của khách sạn.

3321 thu tru o ng y te jpeg 1616746 6854 5548 1616747059

Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên (bên phải) trao đổi với nhân viên một khách sạn tại TP HCM về công tác cách ly người nhập cảnh, sáng 26/3. Ảnh: Minh Thư.

Với hình thức khu cách ly tại khách sạn có thu phí, hiện 34 khách sạn đã được phê duyệt, gồm 2.413 phòng, trong đó có 3.649 giường. Tất cả các khu cách ly đều có ban điều hành, xây dựng quy trình theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM hướng dẫn, được kiểm tra đột xuất, giám sát thường xuyên.

Thứ trưởng Tuyên yêu cầu TP HCM tăng cường phòng chống dịch trong tình hình mới. Tập trung bốn nguyên tắc để huy động được sức mạnh của toàn dân, gồm "chống dịch như chống giặc", nguyên tắc 4 tại chỗ (dự phòng, cách ly điều trị tại chỗ; cơ sở vật chất, trang thiết bị thuốc men phòng hộ tại chỗ; kinh phí tại chỗ; nhân lực tại chỗ); nguyên tắc vừa chống dịch vừa phát triển y tế; nguyên tắc "5K + vaccine".

"Hiện Việt Nam thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo nguyên tắc 5K đang rất tốt", ông Tuyên nói. Vaccine mới được triển khai tiêm trong khi lượng tiếp cận vẫn còn rất ít, người dân không được chủ quan, lơ là, vẫn tiếp tục đẩy mạnh "5K + vaccine" để phòng chống dịch bệnh đạt hiệu quả cao nhất.

HCDC đề nghị các trường hợp nhập cảnh trái phép nhanh chóng liên hệ địa phương khai báo y tế để thực hiện phòng chống dịch theo quy định. Công dân Việt Nam khi nhập cảnh cần tuân thủ quy định cách ly, không mang nguy cơ cho gia đình và cộng đồng. Khi phát hiện các trường hợp nhập cảnh trái phép, cần thông tin đến chính quyền địa phương.

TP HCM đang triển khai chiến dịch tiêm chủng từ ngày 22/3 đến giữa tháng 4, mục tiêu 95% nhân viên tham gia chống Covid-19 tại thành phố được tiêm vaccine. Thành phố đang kiến nghị Bộ Y tế bổ sung thêm nhóm nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất và người phục vụ ở khu cách ly tại khách sạn vào danh sách ưu tiên tiêm ngừa vaccine Covid-19.

Cuối tháng 12/2020, TP HCM ghi nhận hai trường hợp nhiễm nCoV là "bệnh nhân 1451", 1453. Hai người này trong nhóm 6 người từ Myanmar nhập cảnh trái phép qua đường mòn lối mở. Trong nhóm này, một người về Vĩnh Long được ghi nhận là "bệnh nhân 1440", một phụ nữ về Đồng Tháp được ghi nhận là "bệnh nhân 1452", hai người khác về TP HCM âm tính.

Bộ Y tế sáng 26/3 ghi nhận hai ca Covid-19 nhập cảnh trái phép bằng tàu cá từ Phú Quốc về TP HCM, sau đó một người đi máy bay về Hải Phòng.

8 F1, 23 F2 của "bệnh nhân 2580" (cô gái nhập cảnh trái phép vào Phú Quốc đến TP HCM) kết quả xét nghiệm trưa 26/3 âm tính lần một.

Lê Phương

Ca Covid-19 toàn cầu tuần qua tăng 13% Ca Covid-19 toàn cầu tuần qua tăng 13%
Sáng 27/3, Việt Nam không có ca COVID-19 mới Sáng 27/3, Việt Nam không có ca COVID-19 mới
14 tỉnh, thành ghi nhận người đi cùng chuyến bay VJ458 có ca COVID-19 14 tỉnh, thành ghi nhận người đi cùng chuyến bay VJ458 có ca COVID-19

/ vnexpress.net