Bộ Y tế: Không phải loại giường bệnh nào cũng thu 4 triệu

Trả lời về mức giá tới 4 triệu đồng với loại một giường/phòng bệnh, đại diện Vụ Kế hoạch- Tài chính, Bộ Y tế cho biết, giường điều trị có hàng chục loại nên không phải cứ một giường/phòng là được thu 4 triệu đồng mà các bệnh viện phải xây dựng, quyết định giá cho từng loại giường bệnh. 

Người nhà chăm sóc các bệnh nhi. Ảnh: Thùy Linh

Chiều 12.8, Bộ Y tế tổ chức buổi gặp mặt báo chí, cung cấp thông tin y tế về việc ban hành Thông tư hướng dẫn xây dựng giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám bệnh theo yêu cầu tại cơ sở y tế công lập.

Một trong những nội dung được người dân đặc biệt quan tâm là Thông tư này có đưa ra mức giá tối đa là 4 triệu đồng đối loại một giường/phòng.

Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Y tế cho hay, việc quy định mức giá tối đa là 4 triệu đồng đối với loại một giường/phòng tạo cơ hội cho các bệnh viện nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, thu hút người bệnh yên tâm điều trị tại Việt Nam mà không cần phải ra nước ngoài chữa bệnh.

Theo ông Nguyễn Nam Liên, đây chỉ là Thông tư hướng dẫn

Giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh theo yêu cầu và chỉ áp dụng với người có nhu cầu và tự nguyện đăng ký sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh theo yêu cầu.

“Đây không phải là Thông tư ban hành, quy định mức giá mà chỉ hướng dẫn xây dựng giá. Các đơn vị phải tự xây dựng, ban hành nhiều mức giá theo khả năng cung cấp, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân”, ông Liên nhấn mạnh.

Về mức giá tới 4 triệu đồng với loại một giường/phòng, ông Liên cho biết, giường điều trị có hàng chục loại nên không phải cứ một giường/phòng là được thu 4 triệu đồng mà các bệnh viện phải xây dựng, quyết định giá cho từng loại giường như hồi sức tích cực, giường sau các phẫu thuật loại đặc biệt, loại I, giường điều trị nội khoa….

Chi phí các vật tư chăm sóc người bệnh cũng phải tính theo từng loại giường; “Thực tế không phải bệnh viện nào cũng xây dựng được phòng dịch vụ có giá 4 triệu đồng”, ông Liên nói.

Về câu hỏi, liệu với khung mức giá cao này, các bệnh viện sẽ “tận thu” hay không, ông Nam Liên cho hay, giường dịch vụ theo yêu cầu, trên cơ sở tự nguyện của người dân nên các bệnh viện khi quyết định giá cũng phải tham khảo thị trường. Nếu giá cao, chất lượng chuyên môn, phục vụ chưa tốt thì người dân sẽ lựa chọn cơ sở y tế khác.

Bộ Y tế nhấn mạnh rằng việc ban hành Thông tư nhằm quản lý chặt chẽ hơn các hoạt động dịch vụ theo yêu cầu, không phải là tăng giá các dịch vụ theo yêu cầu. Việc này không chỉ có ý nghĩa giảm bớt gánh nặng từ ngân sách nhà nước, giảm tải cho y tế tuyến trên mà còn góp phần phát triển các loại hình bảo hiểm y tế - sức khỏe thương mại; các gói bảo hiểm y tế bổ sung.

“Hiện nay, Bộ Y tế đang nghiên cứu đề xuất các gói bảo hiểm y tế bổ sung như gói bảo hiểm bổ sung không phải đồng chi trả, gói bảo hiểm bổ sung để thanh toán các chi phí KCB mà BHYT không thanh toán, gói bảo hiểm toàn diện, bao gồm cả khám, sàng lọc sớm, sử dụng các dịch vụ chất lượng cao”, ông Liên nói.

bo y te khong phai loai giuong benh nao cung thu 4 trieu Giá giường bệnh dịch vụ 4 triệu đồng/ngày có hợp lý?
bo y te khong phai loai giuong benh nao cung thu 4 trieu Cô gái Trung Quốc bảo vệ luận án thạc sĩ trên giường bệnh
bo y te khong phai loai giuong benh nao cung thu 4 trieu Bệnh viện 2.700 tỉ đồng bị bỏ hoang, 1.000 giường bệnh vẫn nằm trên giấy
/ laodong.vn