Bộ trưởng Tài chính thấy \'nhẹ nhàng hơn nhiều\' khi nói về nợ công

Quy mô nợ công tăng nhưng áp lực đã giảm so với cách đây 2-3 năm, theo đánh giá của Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng.

Ngày 24/10, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; kế hoạch, phương án phân bổ ngân sách năm 2018.

Dành hơn 30 phút phân tích về loạt vấn đề nóng trong quản lý, điều hành tài chính ngân sách, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho hay, một số chỉ tiêu như nợ công, bội chi ngân sách Nhà nước trước đây khiến dư luận, nhà điều hành lo lắng, giờ đã khả quan hơn.

Theo ông Dũng, năm 2017 Quốc hội quyết dự toán bội chi ngân sách 178.300 tỷ bằng 3,5% GDP, trong đó huy động trái phiếu Chính phủ 50.000 tỷ đồng, vay ODA 60.000 tỷ đồng. Việc đưa trái phiếu Chính phủ, ODA vào tính bội chi (trước năm 2016 các khoản này nằm ngoài bội chi), theo ông Dũng, giúp quản lý tập trung hơn, tốt hơn. "Đến thời điểm này có thể tự tin báo cáo năm 2017, lần đầu tiên trong 10 năm trở lại đây chúng ta quản lý được bội chi ngân sách cả ở con số tuyệt đối và tương đối", Bộ trưởng Tài chính nhấn mạnh. Về con số tuyệt đối không vượt 178.300 tỷ đồng, không vượt 3,5% GDP.

Đề cập tới nợ công, lãnh đạo Bộ Tài chính nói, "thời điểm này chúng tôi thấy nhẹ nhàng hơn nhiều so với 2-3 năm trước, dù quy mô tăng nhưng áp lực giảm".

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho hay, thời điểm này ông thấy nhẹ nhàng hơn nhiều khi nói về nợ công

Báo cáo của Chính phủ, đến cuối năm nay nợ công, nợ Chính phủ vẫn trong giới hạn, nợ công khoảng 62,6% GDP không quá trần 65%, cơ cấu chuyển biến rất tích cực, nợ Chính phủ tích cực.

Dự kiến năm 2018 nợ công ở mức khoảng 63,9% GDP, trong đó nợ Chính phủ 52,5% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia 47,6% GDP, đều nằm trong giới hạn cho phép.

Phân tích kỹ hơn, Bộ trưởng cho hay, cách đây 6 năm (năm 2011) nợ nước ngoài trong nợ Chính phủ là 60%, nợ trong nước 39%, thì hiện 2 chỉ tiêu này lại đang đảo ngược, khi nợ nước ngoài 39%, còn trong nước 60%. "Việc cơ cấu lại nợ công đang đi đúng hướng là giảm nợ nước ngoài tăng nợ trong nước. Xu thế của các nước là tăng tỷ lệ nợ trong nước như Nhật Bản nợ công 200% và toàn bộ là nợ trong nước", người đứng đầu ngành tài chính đánh giá.

Mặt khác kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ tăng từ mức bình quân 1,84 năm lên mức 8,7 năm vào cuối năm 2016. Tính bình quân năm 2017, kỳ hạn bình quân trái phiếu Chính phủ đã tăng gấp rưỡi, lên mức 14,1 năm, trong khi lãi suất giảm xuống còn 6-6,1%.

"Kỳ hạn kéo dài gấp 3-4 lần, trong khi lãi suất giảm một nửa đã giúp nghĩa vụ trả nợ giảm. Hướng cơ cấu lại nợ công rất quan trọng", ông Dũng nói.

Tuy nhiên, thảo luận tại tổ nhiều ý kiến đại biểu vẫn bày tỏ băn khoăn về cân đối thu chi ngân sách hiện nay.

Ông Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) quan ngại trước không gian tài khoá, cân đối thu - chi không còn nhiều. Trong đó, chi thường xuyên tăng lên mức trên 70% năm 2010, gấp rưỡi cách đây 7 năm (51%). "Chi thường xuyên đang "ăn mòn" ngân sách. Chúng ta chi hết, ăn hết thì lấy nguồn đâu cho đầu tư phát triển", ông nói và đề nghị Chính phủ cần có giải pháp để giảm số này về mức 60%.

Cũng cho rằng ngân sách đang "nặng gánh" chi, ông Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) nói, "về chi tiêu thì thực sự không biết dùng từ gì để miêu tả vì thấy lãng phí vô cùng".

Dẫn chứng lần đi giám sát thực hiện Luật tổ chức chính quyền địa phương, vị đại biểu Ninh Thuận cho biết, lãnh đạo địa phương "than" có tháng phải tiếp tới 30 đoàn từ Trung ương về. "Chi tiêu ăn uống, tiếp khách vô cùng lãng phí. Có cần thiết phải uống chai rượu bằng giá trị con trâu hay không? Nếu giảm bớt được thì rất tốt", ông đề cập.

Thực tế theo ông Nguyễn Sỹ Cương, có địa phương lo "nếu không giải ngân hết thì năm sau xin ngân sách sẽ khó".

"Nhiều người Việt chẳng biết nợ công đang là bao nhiêu?"

Cơ cấu và cách quy định nợ công khiến người Việt chẳng biết nợ công đang là bao nhiêu hay nợ công là gì.

Nợ công cao sẽ tác động từng người dân thế nào?

Các chuyên gia cảnh báo về nợ công Việt Nam hiện nay, tại Hội thảo Quản lý nợ công ở Việt Nam, do tổ chức ...

Việt Nam nguy cơ rơi vào tình trạng chưa giàu đã già và nhiều nợ nần

Thông thường, các nước lúc “trẻ” sẽ vay nợ ít, dần dần mới tăng lên nhưng với Việt Nam, xu hướng lại ngược lại, tức ...

Nợ công/GDP Việt Nam tăng nhanh: Vì sao?

TS Lưu Bích Hồ chỉ ra nguyên nhân khiến tỷ lệ nợ công/GDP tăng nhanh và cảnh báo đừng để vòng xoáy của những năm ...

(https://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/vi-mo/bo-truong-tai-chinh-thay-nhe-nhang-hon-nhieu-khi-noi-ve-no-cong-3660343.html?vn_source=box-Topstory&vn_medium=fo-KinhDoanh&vn_campaign=vn)

/ Theo Anh Minh/VnExpress.net