Bộ trưởng Quốc phòng Nga: Mỹ và đồng minh làm xói mòn cấu trúc an ninh toàn cầu

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu nói rằng những hành động của Mỹ và đồng minh làm xói mòn cấu trúc an ninh toàn cầu.

Trong nỗ lực duy trì sự thống trị thế giới của mình, Mỹ và đồng minh làm xói mòn nghiêm trọng cấu trúc an ninh toàn cầu. Đó là việc phá bỏ các thỏa thuận quan trọng về kiểm soát vũ khí", Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu nói tại cuộc họp bộ trưởng quốc phòng thường kỳ của các quốc gia thành viên Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) diễn ra ở New Delhi (Ấn Độ).

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Nga, Washington đơn phương chấm dứt Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo (ABM), từ chối phê chuẩn Hiệp ước lực lượng vũ trang thông thường châu Âu (CFE), sau đó rút khỏi Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) và Hiệp ước bầu trời mở.

nga-02542024
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu. (Ảnh: TASS)

Bộ trưởng Sergei Shoigu cho rằng, môi trường quốc tế hiện nay "cực kỳ bất ổn", nhấn mạnh sự hình thành thế giới đa cực mới đang diễn ra mạnh mẽ và không thể đảo ngược.

Theo người đứng đầu Bộ Quốc phòng Nga, Mỹ đang tìm cách định dạng lại hệ thống quan hệ giữa các quốc gia bằng cách tạo ra các liên minh khu vực. Ông Shoigu nói rằng Mỹ đã khởi xướng việc phá vỡ hệ thống hợp tác khu vực bằng việc lập ra các khối chính trị - quân sự như nhóm "Bộ tứ" - QUAD (Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ) và thoả thuận AUKUS (Mỹ, Anh và Australia).

Ông Shoigu cho hay, Nga đang tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu cho các căn cứ ở Kyrgyzstan và Tajikistan trong bối cảnh Mỹ và các đồng minh nỗ lực khôi phục sự hiện diện quân sự ở Trung Á.

Bộ trưởng Shoigu nói thêm rằng, với lý do hỗ trợ cuộc chiến chống khủng bố, Mỹ và các đồng minh đang cố gắng khôi phục sự hiện diện quân sự ở Trung Á. Nga coi yêu cầu triển khai cơ sở hạ tầng quân sự của Mỹ và đồng minh đối với các quốc gia trong khu vực là "mối đe dọa trực tiếp đến sự ổn định trong không gian của SCO". 

SCO là tổ chức quốc tế do Trung Quốc, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Nga và Uzbekistan thành lập năm 2001. Năm 2017, Ấn Độ và Pakistan được kết nạp vào tổ chức này. Afghanistan, Belarus, Iran và Mông Cổ hiện là các quan sát viên, trong khi Armenia, Azerbaijan, Campuchia, Nepal, Sri Lanka, Qatar, Ả Rập Xê-út, Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ là các quốc gia đối tác. Tháng 7/2022, Belarus nộp đơn xin gia nhập SCO.

Kông Anh / VTC News