Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về việc học sinh chưa thực sự coi trọng việc học nghề.
Sáng 6/6, tại phiên chất vấn Kỳ họp 5, Quốc hội khoá XV, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương (Phó đoàn Quảng Ngãi) đề nghị Bộ trưởng Lao động, Thương binh - Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết phương án phát triển giáo dục nghề nghiệp. "Đó là những chính sách gì, khi nào thực hiện, khi nào giáo dục nghề mới là bậc học của giáo dục quốc dân?", nữ đại biểu chất vấn.
Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương phát biểu chất vấn sáng 6/6.
Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Quốc hội đã thông qua Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục và Luật Dạy nghề. Quy mô tuyển sinh dạy nghề hiện nay khoảng 2 triệu học viên, trong khi 5 năm trước, bình quân mỗi năm tuyển 500.000 học viên. Trong 2 triệu học viên này, khoảng 25% là trung cấp, 26% cao đẳng (những năm trước đây cao đẳng chỉ 5-10%).
Tuy nhiên, giáo dục nghề nghiệp về quy mô chưa lớn, chất lượng cần cải thiện; hệ thống chính sách, pháp luật ưu đãi, khuyến khích học sinh vào trường nghề chưa nhiều. Đa số học viên trường nghề không hoặc khó có nhu cầu học lên cao; điều kiện gia đình khó khăn.
Hiện học viên dân tộc thiểu số được miễn phí học nghề, ưu tiên tìm việc; học viên tiên tiến được đào tạo chất lượng cao miễn phí; kết nối doanh nghiệp tìm kiếm việc làm.
"Bộ phận học sinh học nghề theo nguyện vọng chưa nhiều. Trong khi đó, phần đa học viên học nghề sau khi ra trường đều có việc làm ổn định, tỷ lệ tới 85%, đây là điều rất đáng mừng", ông Dung nói.
Bộ trưởng Lao động, Thương binh - Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội sáng 6/6.
Cũng liên quan tới vấn đề đào tạo nhân lực nghề nghiệp, đại biểu Nguyễn Thị Hà (đoàn Bắc Ninh) nêu thực trạng chất lượng lao động Việt Nam thấp so với các nước khu vực và thế giới.
"Bộ trưởng đánh giá thế nào về phát triển thị trường lao động và khi nào chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam mới tiệm cận các nước trong khu vực", bà Hà nêu câu hỏi.
Trả lời nội dung này, Bội trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, đến quý 1, số người tham gia thị trường lao động từ 15 tuổi là 51,4 triệu. Tuy nhiên, lao động kỹ năng còn thấp. Số qua đào tạo hơn 70%, nhưng số có bằng cấp, chứng chỉ chỉ 26,4%. Tỷ lệ này thấp so với các nước phát triển.
Theo ông Dung, khi nhà đầu tư đến Việt Nam thường hỏi về hạ tầng và nguồn nhân lực chất lượng cao. Hạ tầng là cả quá trình phát triển nhưng họ băn khoăn về nhân lực chất lượng cao, nhất là ngành nghề ưu tiên.
Vì vậy, Chính phủ đã ban hành nghị quyết 06 về phát triển thị trường lao động theo hướng hiện đại, linh hoạt, hiệu quả, bền vững để hội nhập với xu thế chung. Nghị quyết này nêu 9 nhóm giải pháp căn bản từ nhận thức, xây dựng chính sách, tổ chức thực hiện.