Thăm và làm việc tại Nhà máy Đạm Ninh Bình ngày đầu năm, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định bộ sẽ vực dậy nhà máy bị nêu tên là một trong 12 dự án yếu kém này.
Người đứng đầu Bộ Công Thương cho rằng, vì nhiều lý do khác nhau khiến quá trình vận hành hệ thống nhà máy đạm Ninh Bình chưa hiệu quả, tồn đọng và bất cập. Chính những vướng mắc tích tụ qua nhiều giai đoạn khác nhau đó dẫn đến các vấn đề tưởng chừng đang đặt ra sự tồn tại hay không của nhà máy đạm Ninh Bình.
Nhưng chưa bao giờ Bộ hay Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đặt vấn đề tồn tại hay không nhà máy Đạm Ninh Bình, mà cần nói đến nhà máy đạm Ninh Bình hoạt động như thế nào để hiệu quả, khẳng định vai trò ra sao trong cơ chế thị trường.
"Chúng ta không nói đến chuyện xóa sổ nhà máy đạm Ninh Bình. Nói điều đó là làm tổn thương đến truyền thống tự hào của cán bộ, công nhân viên công tác trong ngành công nghiệp hóa chất, làm tổn thương những người làm trong ngành Công Thương, tổn thương đến cả tình cảm người dân, các lãnh đạo tỉnh Ninh Bình", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng cho hay, trong giải pháp tổng thể đối với nhà máy đạm Ninh Bình và 12 dự án đang tồn đọng, Bộ Công Thương đã lập ra ban chỉ đạo xử lý những tồn đọng với tất cả giải pháp ngắn hạn và lâu dài, để có bước xử lý. Những giải pháp này không nằm ngoài nguyên tắc cơ bản mà Chính phủ đã khẳng định, và phải vận hành đúng những giải pháp đó, dựa trên nền tảng của luật pháp, quy luật kinh tế thị trường.
Bộ Công Thương, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam sẽ đồng hành cùng nhà máy đạm Ninh Bình trong những buổi làm việc tiếp theo trong năm 2018, giải quyết những vướng mắc, khó khăn.
Từ câu chuyện của nhà máy đạm Ninh Bình, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đặt ra bài học kinh nghiệm: "Nếu ngừng máy, chúng ta sẽ chết. Bởi “nhân chứng sống” vẫn còn đó, đó là Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ (PVTex, Hải Phòng).
Sai lầm của chúng ta là không vận hành nữa, vì cho rằng thuế, phí vượt quá giá tiêu thụ trên thị trường. Tư duy này đã triệt tiêu con đường cứu vớt nhà máy PVTex.
Chúng ta còn nhiều việc phải làm, phải rút kinh nghiệm ngay từ sự cố đóng máy kỹ thuật trước Tết, bằng mọi giá phải ưu tiên việc làm chủ công nghệ, vận hành an toàn của nhà máy, tránh để xảy ra những sự cố kỹ thuật.
Bằng mọi giá phải quan tâm đến người lao động, coi đó là nguồn lực giúp nhà máy vượt qua khủng hoảng, để ổn định về mặt chất lượng, sản lượng".
Bộ trưởng cho hay, năm 2017, nhà máy vận hành được 138 ngày, cũng đã có những bước khởi đầu đáng khích lệ, đảm bảo thanh toán 1 phần lãi ngân hàng. Thời gian tới phải hướng tới phụ tải công suất lớn hơn 80%. Đó là những nhiệm vụ mang tính pháp lệnh, bắt buộc phải đạt được.
"Trước khi trời cứu, đạm Ninh Bình phải tự cứu mình. Chúng ta không buông xuôi, chúng ta phải nắm tay nhau, quyết liệt đi tới, bằng những hành động cụ thể hơn nữa. Không ai muốn một gia sản lớn như thế này bị mai một hoặc chết đi", Bộ trường nói.
Bộ trưởng chỉ đạo, Vinachem nỗ lực hơn nữa trong công tác chỉ đạo, đôn đốc, đánh giá. Cùng Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình có những đánh giá về khía cạnh công nghệ, thương mại, có đề án báo cáo Bộ Công Thương những giải pháp cụ thể, hỗ trợ cho Đạm Ninh Bình về vốn lưu động, thuế, khoản nợ, lãi suất ngân hàng...
Công ty đạm Ninh Bình chủ động xây dựng phương án phát triển thị trường, gắn với hệ thống phân phối, đủ hiệu quả giúp công ty không những giữ được thị phần của mình mà còn phát triển được thương hiệu.
Bên cạnh đó, công ty phải làm tốt công tác truyền thông, làm sao để người dân hiểu đúng bản chất vấn đề Đạm Ninh Bình đang gặp phải. Những gì tồn đọng, những gì là quá khứ phải dũng cảm đối mặt để giải quyết sự việc tốt hơn.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Không buông xuôi ở nhà máy Đạm Ninh Bình
Thăm và làm việc tại Nhà máy Đạm Ninh Bình ngày đầu năm, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định Bộ sẽ vực dậy nhà ... |