Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định sẽ công khai chi phí từng năm một để giải tỏa suy nghĩ là Bộ Giáo dục đang tiêu rất nhiều tiền.
Chiều 2/11, Quốc hội thảo luận về việc lùi thời điểm áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa theo đề xuất của Chính phủ.
Giải trình thắc mắc của các đại biểu Quốc hội về số tiền chi cho việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, đối với chương trình đến nay mới tiêu được 48,8 tỷ đồng (hơn 2 triệu USD). Còn đối với chương trình bồi dưỡng giáo viên mới tiêu được 2,3 tỷ đồng.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cam kết minh bạch chi phí làm chương trình giáo dục phổ thông |
"Như vậy mới tiêu được hơn 50 tỷ chứ chưa nhiều, còn lại mới đang trong kế hoạch", ông Nhạ nói.
Bộ trưởng Giáo dục nhấn mạnh, Bộ cam kết với Quốc hội, từng năm một sẽ công khai chi phí này để giải tỏa suy nghĩ của nhiều người là chi rất nhiều tiền. "Thực tế chương trình tổng thể thì mới có tiền chi cho các thầy làm chương trình. Còn đối với chương trình đào tạo giáo viên mới chỉ có tiền để xây dựng lớp bồi dưỡng chứ không phải nhiều tiền", Bộ trưởng Giáo dục nói.
Giải thích nguyên nhân không thực hiện đúng tiến độ đưa chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông vào năm học 2018-2019, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, khi đưa ra chương trình tổng thể để lấy ý kiến toàn xã hội, Bộ đã rất thận trọng lấy ý kiến 2 lần. Lần đầu tiên các thầy cô giáo được lấy ý kiến trực tiếp, vì thế rất mất thời gian.
"Cho đến nay chương trình tổng thể đã ổn, tuy nhiên vẫn tiếp tục hoàn thiện. Trong quá trình chuẩn bị để đến năm học 2019-2020 thực hiện, ngành giáo dục đã từng bước đổi mới, kể cả ở những vùng sâu, bảo đảm không có sự bỡ ngỡ", Bộ trưởng thông tin.
Theo Bộ trưởng, hiện nay chưa có chương trình môn học. Bộ cũng chưa công bố các tiêu chuẩn sách giáo khoa dù đã có Hội đồng quốc gia thẩm định vì còn phải hoàn thiện thêm. Nguyên tắc là bảo đảm huy động được trí tuệ xã hội tham gia viết sách giáo khoa nhưng cũng không có chuyện "trăm hoa đua nở".
Ngành giáo dục cũng nhận thức rõ, sách giáo khoa hay mà giáo viên không tốt cũng khó thành công. Vì vậy, nửa năm nay, ngành đã rà soát chuẩn nghề nghiệp đối với giáo viên, cán bộ quản lý, tổ chức các lớp bồi dưỡng tập trung.
Trước đó, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày Tờ trình về việc lùi thời điểm áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới theo Nghị quyết số 88 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Theo đó, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho phép lùi thời gian áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới ở cấp tiểu học chậm một năm, ở cấp THCS 2 năm và ở cấp THPT 3 năm.
Cụ thể, năm học 2019-2020 thực hiện chương trình mới với lớp 1; năm học 2020-2021 áp dụng với lớp 2 và 6; năm học 2021-2022 với lớp 3, 7 và 10; năm học 2022-2023 với lớp 4, 8 và 11; năm học 2023-2024 với lớp 5, 9 và 12.
Cấm dạy ngoài sách giáo khoa là phản giáo dục |
Tinh giản nội dung giáo dục - vừa mừng vừa lo |
"Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được thực nghiệm kỹ hơn" |
https://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/bo-truong-cam-ket-minh-bach-chi-phi-lam-chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-3664844.html