Theo Bộ Nội vụ, cần cân nhắc đơn giản quy trình bổ nhiệm với lãnh đạo cấp vụ, sở, phòng... nhằm thu hút, trọng dụng nhân tài, nâng cao chất lượng công chức lãnh đạo.
Sau khi tham khảo kinh nghiệm của nhiều quốc gia, Bộ Nội vụ đưa ra một số đề xuất mới để đưa vào Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi). Trong đó có nội dung đổi mới quy trình bổ nhiệm nhằm thu hút, trọng dụng và đãi ngộ nhân tài cũng như nâng cao chất lượng đội ngũ công chức lãnh đạo, quản lý.

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà.
Bộ Nội vụ cho biết, đa số các quốc gia trên thế giới sử dụng cơ chế thăng tiến dựa trên thành tích, năng lực làm việc, đánh giá hiệu suất làm việc và thường không thực hiện quy hoạch.
Thay vào đó, các nước thực hiện quy trình thăng tiến khá đơn giản trên cơ sở phân cấp cho người đứng đầu cơ quan có quyền đề xuất hay quyết định bổ nhiệm.
Đối với một vị trí lãnh đạo khuyết, bộ phận nhân sự sẽ chuẩn bị danh sách những công chức tiềm năng theo thứ tự thành tích, năng lực đề nghị với người đứng đầu xem xét, bổ nhiệm.
"Đây cũng là kinh nghiệm mà Việt Nam có thể cân nhắc xem xét nhằm đổi mới quy trình bổ nhiệm cán bộ, có như vậy mới thu hút, trọng dụng và đãi ngộ nhân tài cũng như nâng cao chất lượng đội ngũ công chức lãnh đạo, quản lý; đơn giản hóa quy trình bổ nhiệm đối với lãnh đạo cấp vụ, cấp sở, cấp phòng", Bộ Nội vụ nêu quan điểm.
Lý giải cho đề xuất này, Bộ Nội vụ nêu thực tế, hiện nay, công chức trẻ có tài năng nhưng lại thiếu tiêu chuẩn về ngạch công chức là chuyên viên chính (chuyên viên chính phải có 9 năm công tác), tiêu chuẩn quy hoạch thì phải là đảng viên, phải được quy hoạch.
Hơn nữa, cơ quan này cũng nhận định, với công chức năng động, tài năng sẽ va chạm và gặp khó khăn khi lấy phiếu tín nhiệm…
Bộ Nội vụ cũng đề xuất định hướng bỏ thi nâng ngạch thay bằng xét nâng ngạch công chức trên cơ sở khả năng làm việc, thành tích ở ngạch cũ.
Hiện nay các quốc gia thực hiện việc nâng ngạch đảm bảo thăng tiến cho công chức giữ ngạch, với cơ cấu ngạch sơ cấp và cao cấp theo tỷ lệ nhất định trong từng cơ quan và khi xét nâng ngạch chú trọng tới kết quả làm việc, thành tích và phân cấp cho người đứng đầu cơ quan xét trên cơ sở đánh giá hiệu suất làm việc.
Trong khi đó, theo Bộ Nội vụ, việc tổ chức thi nâng ngạch ở Việt Nam có một số bất cập.
Một là chưa thực sự đánh giá được năng lực của ứng viên, môn kiến thức chung còn nặng về kiến thức học thuộc, chưa phản ánh về hiểu biết và năng lực của công chức.
Hai là công chức đi học chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số để được miễn thi môn ngoại ngữ, tuy nhiên, vị trí việc làm không cần sử dụng ngoại ngữ hay tiếng dân tộc thiểu số.
Ba là tỷ lệ cạnh tranh và trượt trong kỳ thi nâng ngạch là rất thấp.
Bốn là tổ chức thi nâng ngạch tốn kém chi phí hoàn thiện các loại chứng chỉ tin học, ngoại ngữ, tiếng dân tộc, bồi dưỡng theo ngạch, thời gian và công sức, dễ nảy sinh tiêu cực.
Năm là công chức dự thi nâng ngạch mục đích chính là tăng lương chưa chú trọng đến đáp ứng yêu cầu công việc của ngạch cao hơn.
Sáu là việc xét nâng ngạch trên cơ sở "có thành tích xuất sắc trong hoạt động công vụ trong thời gian giữ ngạch công chức hiện giữ, được cấp có thẩm quyền công nhận" là chưa phù hợp với các quy định liên quan đến công tác luân chuyển cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo quản lý và công tác chuyển đổi vị trí việc làm.
Việc luân chuyển, chuyển đổi vị trí việc làm, điều động công chức ảnh hưởng đến chuyển đổi ngạch công chức (ngạch chuyên viên sang thanh tra viên, chấp hành viên, điều tra viên…) trong khi các thành tích đạt được trong thời gian giữ ngạch trước khi chuyển đổi mặc dù vẫn có giá trị tương đương nhưng không phải ngạch công chức hiện giữ…
"Chính vì vậy có thể cân nhắc bỏ thi nâng ngạch thay bằng xét nâng ngạch công chức trên cơ sở khả năng làm việc, thành tích ở ngạch cũ", Bộ Nội vụ nêu.