Theo đại diện Bộ GD&ĐT, 12 thí sinh gian lận thi hiện chưa bị xử lý cho đến khi có kết luận cuối cùng của cơ quan điều tra.
Danh tính các phụ huynh có con được nâng điểm tại Hòa Bình, Sơn La đang dần lộ diện, khiến dư luận vô cùng phẫn nộ. Trong đó, có các lãnh đạo, cán bộ công an hoặc công tác trong ngành giáo dục. 108 thí sinh ở hai tỉnh này liên quan đến gian lận điểm thi cũng đã và đang bị xử lý. Có thí sinh tại Sơn La được nâng “khống” tới 25 điểm/3 môn.
Cùng với những ý kiến cần truy tố trách nhiệm hình sự của các phụ huynh “chạy” điểm cho con, rất nhiều ý kiến cho rằng, Bộ GD-ĐT cần đưa ra câu trả lời và trả lại công bằng, trả lại ước mơ cho 108 thí sinh bị trượt oan.
Xung quanh vấn đề này, phóng viên đã phỏng vấn bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT.
Bắt giữ các đối tượng liên quan vụ gian lận điểm thi ở Sơn La.
- Thưa bà, 108 thí sinh từ hai tỉnh Hòa Bình và Sơn La được xác định liên quan gian lận điểm thi đã và đang bị xử lý. Điều mà dư luận quan tâm nhất lúc này là làm thế nào đảm bảo quyền lợi cho những thí sinh trượt oan. Liệu có thể giải quyết đến cùng việc này, ví dụ như là sau khi các trường đại học xử lý thí sinh liên quan gian lận điểm thi, liệu có thể yêu cầu các trường đại học xét tuyển bổ sung, thay thế những thí sinh này?
Chúng tôi cũng cho rằng là đây là một vụ việc vi phạm rất nghiêm trọng vì nó liên quan đến nhiều người và tất nhiên những sự việc như vậy có mối liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp trong một chuỗi các sự việc, hiện tượng, cho nên rất khó có điểm kết thúc. Nếu chúng ta đặt ra là giải quyết đến cùng sự việc thì không khả thi.
Ví dụ bây giờ chúng ta đặt ra là yêu cầu các trường tuyển bổ sung ở vòng liên quan thứ nhất thì các em này có thể hầu hết các em này đã học ở các trường ở nguyện vọng thấp hơn. Vậy thì chúng ta có nên đặt ra ở các vòng tiếp theo không. Bởi vì theo quy trình xét tuyển thì theo thứ tự nguyện vọng ưu tiên của các thí sinh, mà có các thí sinh đăng ký gần 50 nguyện vọng.
Nếu như theo tư duy tiếp tục đặt ra là các trường khác tiếp tục gọi các em ở vòng liên quan thứ 2 để thay thế các em ở vòng liên quan thứ nhất đã được gọi lên học để lấp vào số các em vi phạm thì chúng ta giải quyết đến vòng nào? Có giải quyết đến vòng n hay không? Chúng tôi cho rằng nếu giải quyết như vậy thì sẽ không khả thi và không hợp lý ở hai điểm như thế này.
Thứ nhất là nguyên tắc giải quyết hậu quả của vi phạm thì nó chỉ đặt ra giải quyết những sự việc có mối liên hệ nhân quả trực tiếp có tính nội tại tất yếu với hành vi vi phạm, còn những hậu quả gián tiếp thì có nhiều nguyên nhân. Tôi có thể lấy ví dụ ở thực tế tuyển sinh, rất nhiều thí sinh bị loại khỏi những nguyện vọng cao hơn là do những nguyên nhân khác, ví dụ có nhiều trường đã gọi hơn 100% chỉ tiêu nhưng mà khi thí sinh nhập học thì không nhập học đến 100% chỉ tiêu.
Cả hệ thống cũng chỉ nhập học khoảng hơn 80% chỉ tiêu thôi. Cho nên chúng ta không thể đặt ra là những em mà có trong danh sách trúng tuyển mà không nhập học làm cho các thí sinh khác bị trượt oan. Tương tự như những trường hợp này, có đặt ra để giải quyết đến cùng không.
Vì vậy chúng tôi cho rằng không có căn cứ để giải quyết tất cả những vấn đề mà không phải là hậu quả tất yếu của sự vi phạm. Cho nên chúng tôi cũng mong dư luận không nên đặt ra. Nếu đặt ra bây giờ chỉ gây tâm lý xã hội hoang mang hơn và cũng không giải quyết được, mà nếu có giải quyết như những ví dụ tôi vừa nêu thì nó sẽ không hợp lý.
Không có việc Bộ GD-ĐT giấu tên các thí sinh được nâng điểm. Vì đang trong giai đoạn điều tra và chưa có kết luận nên chúng tôi chưa thông tin rộng rãi.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT
- Điểm là do Bộ GD-ĐT quản lý, còn việc tuyển sinh là do các trường khi mà hiện nay các trường ĐH được phép tự chủ tuyển sinh với những đề án tuyển sinh khác nhau. Thưa bà, có nên thống nhất trong các trường phương án xử lý sinh viên liên quan đến gian lận điểm thi?
Phương án xử lý vi phạm thì cũng đã được thống nhất và Bộ cũng đã hướng dẫn các trường là phải căn cứ vào quy chế tuyển sinh, các quy định của pháp luật khác hoặc của các bộ ngành địa phương, đặc biệt là đề án tuyển sinh của mình để mà rà soát kết quả trúng tuyển liên quan đến các em bị hạ điểm thi do chấm thẩm định. Đó là nguyên tắc nhất quán và chắc chắn rằng nếu các em nào không đủ điểm trúng tuyển thì đã bị hủy kết quả trúng tuyển.
Trong 2 tỉnh đó thì còn có 12 thí sinh liên quan đến danh sách chấm thẩm định bị hạ điểm nhưng họ lại đăng ký xét tuyển bằng các hình thức khác như bằng học bạ hoặc bằng những tổ hợp xét tuyển không liên quan đến điểm thẩm định đó. Hoặc cũng có em liên quan đến điểm thẩm định mà khi hạ điểm vẫn đủ điểm trúng tuyển trúng tuyển cho nên tạm thời chưa xử lý cho đến khi có kết luận điều tra.
Phương án nhất quán hiện nay là như vậy. Còn kết quả thì có thể có sự không giống nhau ở các trường, ví dụ như ngành công an họ đã có cam kết của các thí sinh ngay từ khi sơ tuyển thì dù có đủ điểm thì họ vẫn hủy kết quả trúng tuyển. Những trường khác trong đề án hoặc trong quy định không có những quy định riêng cho nên tạm thời chưa có căn cứ để xử lý bây giờ và chờ kết quả của cơ quan điều tra.
Chúng tôi cho rằng nguyên tắc xử lý là nhất quán còn khi các trường tự chủ tuyển sinh thì đề án tuyển sinh của các trường khác nhau, cam kết của thí sinh thì có thể có trường đặt ra, có trường không. Cho nên kết quả có thể không hoàn toàn giống nhau nhưng nguyên tắc xử lý thì nhất quán.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT.
- Đến thời điểm này, cơ quan chức năng đã công bố thông tin về xử lý sai phạm trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, nhưng danh tính các thí sinh đã được can thiệp nâng điểm vẫn được giữ kín, không công bố trước công luận. Cũng có ý kiến cho rằng, chính Bộ GD-ĐT cũng đang giấu danh sách các thí sinh vi phạm. Bà lý giải ra sao?
Không có việc Bộ GD-ĐT giấu tên các thí sinh được nâng điểm. Danh sách này hiện nay đã được gửi cho các địa phương để xét tốt nghiệp và đã được gửi cho các trường để rà soát lại kết quả tuyển sinh và tất cả những người có trách nhiệm xử lý đều rất rõ thông tin này. Chỉ có điều đang trong giai đoạn điều tra, chưa có kết luận cho nên chúng tôi chưa thông tin rộng rãi. Còn sau khi có kết luận thì tất cả những vấn đề liên quan đến vi phạm thì sẽ phải rất minh bạch để xã hội giám sát và phòng ngừa chung.
- Hiện nay danh tính của các phụ huynh có con nâng điểm ở Hòa Bình, Sơn La dần hé lộ. Nhiều ý kiến cho rằng cần truy tố trách nhiệm hình sự của các phụ huynh “chạy” điểm cho con. Còn danh sách thí sinh được nâng điểm thì không nên công khai để thể hiện tính nhân văn. Sau khi có kết luận điều tra, theo bà nên xử lý vi phạm ra sao?
Chúng tôi cho rằng, sau khi có kết luận điều tra thì phải xử lý nghiêm tất cả các đối tượng mà bị kết luận có vi phạm pháp luật, không kể đó là quan chức, người trong ngành giáo dục, hay là phụ huynh, thí sinh. Bất cứ ai có vi phạm đề bị xử lý nghiêm theo đúng pháp luật. Đặc biệt, vụ chạy điểm này không chỉ ảnh hưởng đến một kỳ thi mà nó còn ảnh hưởng rất lớn đến ngành giáo dục, ảnh hưởng đến niềm tin của xã hội. Cho nên cần xử lý thật nghiêm để đảm bảo công bằng. Việc xử lý cũng cần có tác dụng răn đe và phòng ngừa vi phạm chung.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng bày tỏ rõ quan điểm là không chấp nhận những cán bộ trong ngành giáo dục có vi phạm đứng trong hàng ngũ của ngành. Chúng tôi cũng mong các cơ quan công an, các cơ quan khác mà có phụ huynh vi phạm đang làm việc hoặc chính quyền địa phương sẽ phải xử lý triệt để nghiêm túc tất cả những người vi phạm, chứ không riêng gì phụ huynh.
- Vậy Bộ GD-ĐT rút kinh nghiệm gì từ những sai phạm gian lận thi cử năm 2018, để tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia và xét tuyển ĐH-CĐ năm 2019 cũng như những năm tiếp theo thực sự nghiêm túc, an toàn, công bằng và chính xác, đặc biệt là đảm bảo quyền lợi cho các thí sinh?
Trước hết chúng tôi rà soát lại toàn bộ quy chế, quy định để có những quy định và chế tài tốt hơn để mà vừa là mang tính phòng ngừa vi phạm, vừa là để nếu có những vi phạm còn xảy ra thì có căn cứ giải quyết và quy trách nhiệm cá nhân, xử lý thật nghiêm các đối tượng vi phạm.
Thứ hai là những lỗ hổng về quy trình, về kỹ thuật thì chúng tôi cũng đã khắc phục, ví dụ tăng cường CNTT, sử dụng các biện pháp kỹ thuật đảm bảo an toàn, an ninh, nâng cấp các phần mềm để phòng ngừa và ngăn chặn gian lận... Đó là các biện pháp kỹ thuật mà chúng tôi đã làm.
Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng về mặt thể chế hay kỹ thuật thì cuối cùng cũng phải là con người thưc hiện, thực thi pháp luật và sử dụng các công cụ đó. Vì vậy điểm mấu chốt là con người.
Trong ngành giáo dục và chúng tôi cũng mong là các địa phương, các cơ quan khác tham gia tổ chức kỳ thi từ khâu công an, bảo vệ, cho đến giám sát của các bộ ngành thì làm sao lựa chọn được những người có nghiêm túc, có trách nhiệm xã hội, có trình độ chuyên môn tốt, đặc biệt là có phẩm chất tốt để tham gia vào kỳ thi và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những nhiệm vụ được phân công.
Như vậy, chúng tôi cho rằng 3 khâu: quy chế, kỹ thuật, con người đều phải được giải quyết đồng bộ. Đặc biệt về mặt con người. Chúng tôi cũng mong muốn các bộ ngành, các địa phương, nhân dân cũng đồng hành, hỗ trợ và giám sát để kỳ thi năm 2019 và những năm sau tốt hơn, kết quả nghiêm túc, công bằng và chính xác hơn.
Xin cảm ơn bà.
Lý do họ chạy điểm
Vụ gian lận điểm thi ở kỳ thi THPT quốc gia khiến tôi nảy sinh một câu hỏi cắc cớ: Vì sao có người lại ... |
Thí sinh đủ điểm chuẩn vẫn trượt trường quân đội: Kỳ thi quá bất công
Đinh Văn Cầu được 25,75 điểm, trượt trường Sĩ quan Chính trị vì kém tiêu chí phụ. Nam sinh thấy quá bất công khi nhiều ... |
Lãnh đạo bức xúc khi con được nâng điểm: Có "gắp điểm" bỏ tay người?
Nhiều độc giả thể hiện sự bức xúc khi những lãnh đạo có con được nâng điểm đều khẳng định "không biết" và "con tôi ... |