Bộ GD&ĐT nói gì về kiến nghị để địa phương tự tổ chức thi tốt nghiệp THPT?

Cử tri TP.Hồ Chí Minh kiến nghị về việc nghiên cứu cải tiến kỳ thi tốt nghiệp THPT, tạo điều kiện chuyển về cho các địa phương tổ chức thi.

Trước băn khoăn của cử tri, hiện nay bằng tốt nghiệp phổ biến nhưng không có nhiều ý nghĩa. Hàng năm cả nước vẫn phải tốn rất nhiều tiền để tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT, nên tạo điều kiện chuyển về cho các địa phương tổ chức kỳ thi.

Thông tin về vấn đề này, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, ở bậc phổ thông nước ta hiện nay chưa có kỳ thi kết thúc bậc học tiểu học và THCS, chỉ khi hết lớp 12 thì mới thi để lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT.

ky-thi-tot-nghiep-thpt-co-the-dien-ra-tu-6-87

Vì vậy, việc tổ chức kỳ thi này là cần thiết nhằm đánh giá mức độ đáp ứng chuẩn đầu ra của chương trình giáo dục phổ thông.

Nếu thí sinh đáp ứng chuẩn đầu ra thì sẽ được công nhận tốt nghiệp THPT và tỷ lệ này có thể cao tùy theo chất lượng, mức độ đáp ứng chuẩn đầu ra của học sinh các địa phương, các nhà trường, tương ứng với điều kiện kinh tế xã hội và điều kiện giáo dục của từng vùng miền.

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo cũng cho biết thêm, việc phân hóa này có ý nghĩa cho công tác quản lý giáo dục, tạo động lực để chất lượng giáo dục được duy trì ổn định và không ngừng nâng cao. Nếu không tổ chức thi tốt nghiệp, sẽ không tạo động lực học tập tích cực, nhất là học sinh các lớp THPT không học.

Từ năm 2015 đến năm 2020, kết quả của kỳ thi THPT quốc gia phục vụ mục đích đánh giá học tập, xét công nhận tốt nghiệp THPT, giúp các trường đại học xét tuyển đầu vào.

Sau năm 2020, do ảnh hưởng dịch COVID-19, Thủ tướng đồng ý đề xuất của Bộ GD&ĐT tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT thay cho kỳ thi THPT quốc gia.

Qua 3 năm tổ chức (2020, 2021, 2022) kỳ thi đáp ứng tiêu kép vừa bảo đảm nghiêm túc, khách quan vừa an toàn, đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch.

Kỳ thi được tổ chức tại các địa phương, Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm chỉ đạo chung và ra đề thi cho kỳ thi, còn các địa phương chịu trách nhiệm toàn diện từ khâu đăng ký dự thi, in sao đề thi, coi thi, chấm thi, thanh tra, kiểm tra, công bố kết quả thi, phúc khảo bài thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2023, 2024 theo hướng giữ ổn định như năm 2022.

Như vậy trong 2 năm tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn đóng vai trò chủ chốt chịu trách nhiệm ra đề thi, giao cho địa địa phương tổ chức coi thi, chấm thi.

Bộ cũng đang xây dựng phương án thi tốt nghiệp THPT mới từ năm 2025 theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Kết quả thi vẫn sẽ được dùng để xét công nhận tốt nghiệp THPT, là một trong các cơ sở để đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông, công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục.

Các bên liên quan tiếp tục có thể tham khảo, sử dụng kết quả thi cho các mục đích khác nhau phù hợp với quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

 
Ngọc Linh / Báo Công Thương