Bộ Công Thương thông tin về tình hình cấp điện mùa nắng nóng 2023

Chiều 7/6 tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã gặp mặt các cơ quan báo chí để cung cấp thông tin tình hình sản xuất, cung ứng điện trong điều kiện thời tiết nắng nóng.

Thiếu nước cho thủy điện, miền Bắc công suất giảm

Thông tin tình hình về sản xuất điện, ông Trần Việt Hòa- Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cho biết: Do tác động của hiện tượng Eli NiNo, nắng nóng gay gắt đã xảy ra tại nhiều địa phương trên cả nước, làm tăng nhu cầu điện sinh hoạt của nhân dân kết hợp với tình trạng nước về các hồ thủy điện rất thấp, gây ảnh hưởng rất lớn đến việc cung ứng điện mùa khô năm 2023. Việc cung ứng điện cho miền Nam, miền Trung trong thời gian qua đã có nhiều nỗ lực, đã được đảm bảo được nguồn, do hiện nay khu vực Nam Bộ đã bước vào mùa mưa phụ tải đã giảm, nguồn nước về các hồ thủy điện được cải thiện.

7620230607170302
Bộ Công Thương đã gặp gỡ các cơ quan báo chí để thông tin về tình hình sản xuất và cung ứng điện trong thời gian qua

Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và các Bộ, cơ quan có liên quan đã nỗ lực thực hiện một số giải pháp cấp bách, nhưng đến nay đã xuất hiện những yếu tố ảnh hưởng tiêu cực đến việc cung ứng điện trong thời gian tới, đặc biệt miền Bắc với đặc trưng nguồn thủy điện chiếm tỷ trọng lớn 43,6%, bao gồm cả thủy điện lớn và thủy điện nhỏ.

Cụ thể, về nguồn thủy điện tính đến ngày 6/6/2023, hầu hết các hồ thủy điện ở miền Bắc đã về mực nước chết gồm: Lai Châu, Sơn La, Tuyên Quang, Bản Chát , Hủa Na, Thác Bà. Riêng hai hồ thủy điện Lai Châu và Sơn La đã phải chạy xuống dưới mực nước chết.

"Duy nhất hồ thủy điện Hòa Bình còn nước trong hồ và có thể duy trì phát điện đến khoảng ngày 12-13/06. Tổng công suất không huy động được của các nguồn thủy điện miền Bắc nêu trên sẽ ở mức 5.000 MW và có thể lên đến 7.000MW khi hồ thủy điện Hòa Bình về mực nước chết. Như vậy, tính đến ngày 06/6/2023, công suất khả dụng của thuỷ điện là 3.110 MW chỉ đạt 23,7% công suất lắp"- ông Trần Việt Hòa cho biết.

Với sự nỗ lực của các đơn vị có liên quan, việc cung ứng than cho các nhà máy nhiệt điện đã được đảm bảo. Các nhà máy nhiệt điện than đã đủ nhiên liệu vận hành với công suất huy động cao. "Tuy nhiên, do thời tiết nắng nóng, nhiệt độ tăng cao, các tổ máy hoạt động tối đa công suất trong thời gian dài dẫn đến những sự cố về thiết bị (chủ yếu là xì ống sinh hơi, xì bộ hâm, bộ quá nhiệt, máy nghiền than, bơm cấp, v.v...). Ngoài ra, nhiều tổ máy nhiệt điện than bị sự cố dài ngày (Vũng Áng 1 tổ, Phả Lại 1 tổ, Cẩm Phả 1 tổ, Nghi Sơn 2 1 tổ). Điển hình như ngày như 01/6, tổng công suất không huy động được từ các nhà máy nhiệt điện than miền Bắc bị sự cố và suy giảm công suất lên đến 1.030 MW"- ông Trần Việt Hòa nói.

Như vậy, mặc dù nguồn nhiên liệu than cho phát điện đã được cấp tương đối đảm bảo nhưng cập nhật đến ngày 06/6/2023, nguồn nhiệt điện than miền Bắc chỉ huy động được 11.934MW chiếm 76,6% công suất lắp.

Liên quan đến khả năng truyền tải, cũng theo đại diện Cục Điều tiết Điện lực, khả năng truyền tải điện từ miền Trung ra miền Bắc qua đường dây 500 kV Bắc -Trung luôn ở ngưỡng giới hạn cao (giới hạn tối đa từ 2.500 MW đến 2.700 MW) dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ sự cố.

"Tổng công suất khả dụng của hệ thống điện miền Bắc (bao gồm cả điện nhập khẩu) có thể huy động để đáp ứng nhu cầu phụ tải điện chỉ đạt mức 17.500-17.900MW (khoảng 59,2% công suất lắp đặt). Công suất này đã bao gồm khoảng từ 2.500 đến 2.700 MW truyền tải từ miền Nam và miền Trung ra Bắc (cung đoạn đường dây 500kV Nho Quan - Hà Tĩnh)"- ông Hòa cho hay.

Yêu cầu tăng cường tiết kiệm điện

Theo tính toán, nhu cầu sử dụng điện ở khu vực miền Bắc có thể lên mức 23.500-24.000 MW trong những ngày nắng nóng sắp tới. Như vậy, hệ thống điện miền Bắc sẽ thiếu hụt khoảng 4.350 MW với sản lượng không đáp ứng được trung bình ngày khoảng là 30,9 triệu kWh (ngày cao nhất có thể lên tới 50,8 triệu kWh). Hệ thống điện miền Bắc đối mặt với nguy cơ thiếu công suất tại hầu hết các giờ trong ngày.

Trước tình hình có khả năng ảnh hưởng đến an toàn vận hành hệ thống điện, trong những ngày vừa qua EVN đã phải tiến hành điều tiết giảm phụ tải tại miền Bắc, ngày 5/6 tổng công suất phụ tải tiết giảm là 3.609 MW lúc 16h30, trong đó tiết giảm phụ tải công nghiệp lớn nhất khoảng 1.423MW, tiết giảm phụ tải sinh hoạt lớn nhất là 1.264MW.

Trong ngắn hạn, Bộ Công Thương đã đưa ra một số giải pháp, trong đó yêu cầu EVN tập trung huy động hiệu quả mọi nguồn lực, trong chỉ đạo điều hành thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm cung ứng điện với các giải pháp cụ thể như:

Đối với các giải pháp kỹ thuật, truyền thống, duy trì độ sẵn sàng các nhà máy/tổ máy nhiệt điện, đẩy nhanh thời gian khắc phục sự cố nhanh nhất có thể; vận hành hệ thống điện hợp lý, cố gắng tăng huy động nhiệt điện để ngăn chặn suy giảm mực nước thuỷ điện; đẩy mực nước các hồ thủy điện lớn lên khỏi mực nước chết càng sớm càng tốt; chủ động xây dựng các kịch bản linh hoạt ứng phó với những khó khăn về cung ứng điện nhằm giảm thiểu thiệt hại cho người dân và doanh nghiệp; tăng cường huy động các nhà máy năng lượng tái tạo, đẩy nhanh tiến độ đưa các nhà máy năng lượng tái tạo chuyển tiếp vào vận hành. Đến nay đã huy động 18 nhà máy năng lượng tái tạo chuyển tiếp với công suất 1.115,62 MW (bao gồm các nhà máy vận hành thử nghiệm và vận hành thương mại).

Đồng thời, tập trung cao độ thực hiện hiệu quả các giải pháp về tăng cường tiết kiệm điện, đặc biệt trong tháng 6 năm 2023.

Chia sẻ tại cuộc họp, ông Trần Đình Nhân - Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết: Từ giữa tháng 4 đến nay EVN đã gặp nhiều khó khăn trong việc đảm bảo cung cấp điện cho khách hàng. Về vấn đề này, EVN đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ đạo sát sao và kịp thời.

tgd-tran-dinh-nhan20230607171109
Ông Trần Đình Nhân - Tổng giám đốc EVN

Theo đó, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã có nhiều nỗ lực đảm bảo cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện than. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cũng cung cấp khí cho các nhà máy điện khí tại khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ.

Cũng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công Thương, EVN cũng đã phối hợp với các tỉnh thành trong cả nước về đẩy mạnh tiết kiệm điện. Đến nay cả 63 tỉnh thành trên cả nước đều đã có chỉ đạo về tiết kiện điện. EVN đã cùng với Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, Tổng Công ty Điện lực Hà Nội và điện lực các địa phương phối hợp để tiết giảm điện trong tình huống thiếu nguồn sao cho phù hợp nhất với tình hình các địa phương.

"Hiện nay, ở phía Nam và miền Trung đều đảm bảo cung cấp điện, tuy nhiên phía Bắc còn nhiều khó khăn" - ông Nhân nhấn mạnh.

Ông Trần Đình Nhân cho hay, từ nay đến khi nước về các hồ thủy điện, EVN sẽ cố gắng đảm bảo tốt nhất duy trì vận hành điện an toàn. Trong bối cảnh nhu cầu phụ tải nắng nóng tiếp tục tăng cao, không đáp ứng đủ nên một số thời điểm chúng ta đã phải tiết giảm điện, EVN mong người dân thông cảm cho khó khăn này.

Tiết giảm từ 6-10% sản lượng điện theo nhu cầu

Liên quan đến câu hỏi của báo chí về vấn đề phát triển nguồn và lĩnh vực ưu tiên cấp điện trong bối cảnh miền Bắc phải tiết giảm điện ở các địa phương.

Đại diện EVN, Phó Tổng giám đốc Ngô Sơn Hải cho biết, theo thông báo của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0), hiện nay công suất khả dụng của hệ thống chỉ đạt 17.000 MW thì những ngày nắng nóng phụ tải tại thời điểm cao nhất có thể lên đến 20.000 MW , lượng công suất tiết giảm ở thời điểm cao nhất khoảng 30% công suất sử dụng. Đây là công suất ở thời điểm cao nhất, còn sản lượng trung bình cho cả ngày ở mức xấp xỉ từ 6-10%, tùy thuộc vào ngày trời mát hay trời nóng, như hôm qua 6/6 trời mát công suất tiết giảm chỉ vào 6% sản lượng.

ngo-son-hai20230607171329
Ông Ngô Sơn Hải - Phó Tổng giám đốc EVN

"Với mức công suất cao nhất như vậy thì A0 đã căn cứ vào Thông tư 34 của Bộ Công Thương hướng dẫn để phân bổ công suất sử dụng đó cho 2 tổng công ty: Tổng Công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) và Tổng Công ty Điện lực Hà Nội (EVNHANOI). Căn cứ vào Thông tư 34 của Bộ Công Thương về phân bổ nguồn khi thiếu điện, EVNHANOI và EVNNPC sẽ phân bổ sản lượng cho các công ty điện lực tại các địa phương. Sau khi Công ty Điện lực tỉnh/ thành có công suất phân bổ, các công ty điện lực địa phương sẽ có kế hoạch phân bổ dựa trên hướng dẫn của EVN về thứ tự ưu tiên. Trên nguyên tắc như vậy các công ty điện lực sẽ báo cáo và thông qua UBND các tỉnh về các phương án tiết giảm"- ông Ngô Sơn Hải cho biết.

Trao đổi thêm về đối tượng ưu tiên cấp điện trong trường hợp công suất phân bổ về các địa phương bị tiết giảm, ông Nguyễn Quốc Dũng -Trưởng ban Kinh doanh - Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết: Tổng Công ty Điện lực miền Bắc và Tổng Công ty Điện lực Hà Nội đã lên phương án tính toán theo hướng ưu tiên cho khách hàng sử dụng điện quan trọng đã được tỉnh và thành phố phê duyệt; các dự kiện chính trị xã hội quan trọng. Thứ hai là ưu tiên cho các khách hàng căn cứ vào thực tế của các địa phương như các đơn vị sản xuất các mặt hàng thiết yếu như sản xuất nước sạch, thực phẩm....; các cơ sở sản xuất sử dụng nhiều lao động...

ong-dung-tbkd-evn20230607171427
Ông Nguyễn Quốc Dũng - Trưởng Ban kinh doanh EVN

"Về kế hoạch này, tất cả các đơn vị sử dụng điện đều báo cáo với Sở Công Thương các tỉnh để giám sát và thực hiện, hỗ trợ, tăng cường chỉ đạo các biện pháp tiết kiệm điện. Bên cạnh đó, hệ thống điện lực các tỉnh cũng làm việc với Ban quản lý các khu công nghiệp để tiết giảm sao cho không ảnh hưởng đến sản xuất của doanh nghiệp"- ông Dũng cho biết thêm.

Sẵn sàng công khai số điện thoại "nóng" để tiếp nhận phản ánh của doanh nghiệp

Ông Nguyễn Danh Sơn - Giám đốc Công ty Mua bán điện (EPTC) thông tin thêm về các dự án điện mặt trời chuyển tiếp. Theo đó, cập nhật đến ngày 7/6/2023, đã có 66/85 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp với tổng công suất 3.691,861MW gửi hồ sơ cho Công ty Mua bán điện để đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện; trong đó có 56 dự án (tổng công suất 3.087,661MW) đã đề nghị giá tạm bằng 50% giá trần của khung giá (theo Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 07/01/2023 của Bộ Công Thương). EVN và chủ đầu tư đã hoàn thành đàm phán giá và ký tắt hợp đồng PPA với 51/56 dự án; trong đó Bộ Công Thương đã phê duyệt giá tạm cho 40 dự án .

Có 10 dự án gửi hồ sơ công nhận ngày vận hành thương mại (COD), trong đó có 9 dự án/phần dự án với tổng công suất 472,62MW đã hoàn thành thủ tục COD, chính thức được phát điện thương mại lên lưới.

19 dự án đã được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền nghiệm thu công trình/một phần công trình; 27 dự án đã được cấp giấy phép hoạt động điện lực toàn nhà máy/một phần nhà máy; 25 dự án đã có quyết định gia hạn chủ trương đầu tư. Như vậy, hiện vẫn còn 19 dự án với tổng công suất 1.042,7MW chưa gửi hồ sơ đàm phán.

Liên quan đến câu hỏi của báo chí phản ánh của doanh nghiệp cho rằng có tình trạng gây khó khăn trong quá trình đàm phán giá điện các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp, ông Phạm Nguyên Hùng - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo khẳng định: Sẵn sàng công khai số điện thoại “nóng” để tiếp nhận phản ánh của doanh nghiệp.

Cũng liên quan đến thủ tục đưa các dự án điện năng lượng tái tạo vào vận hành thương mai, ông Hùng cho biết, một dự án điện năng lượng tái tạo được nói riêng hay một dự án điện nói chung được đưa vào vận hành đều phải tuân thủ đầy đủ quy định pháp luật liên quan như quy định về sử dụng đất, phòng cháy chữa cháy... Đối với các dự án điện công suất trên 50MW thuộc thẩm quyền phê duyệt của Bộ Công Thương, các dự án dưới 50MW sẽ do các địa phương. Do đó, để các dự án sớm đưa vào vận hành thương mại theo quy định cần sự vào cuộc của các bộ, ngành, các địa phương và cả chủ đầu tư

Trong quá trình kiểm tra các dự án điện, chúng tôi nhận thấy mỗi dự án đều có những vướng mắc khác nhau về đất đai, phòng cháy chữa cháy, thỏa thuận đấu nối... và các chủ đầu tư phải hoàn hiện.

nang-luong-mat-troi-giup-fenikka-tiet-giam-su-dung-dien-luoi20230606191738
Các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp phải đảm bảo đầy đủ thủ tục pháp lý điều này cần các địa phương, bộ ngành liên quan chung tay hỗ trợ

"Một dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp phải thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật mới có thể được nghiệm thu. Với chức năng của mình, chúng tôi cam kết thực hiện đầy đủ các trách nhiệm đối với các dự án điện. Với một số thông tin về việc cán bộ điện lực còn nhũng nhiễu, gây khó dễ đối với việc kiểm tra các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp, tôi sẵn sàng công khai số điện thoại để tất cả mọi người có thể kiến nghị, phản ánh trực tiếp"- ông Phạm Nguyên Hùng khẳng định.

Tại buổi cung cấp thông tin, đại diện Văn phòng Ban Cán sự Đảng ( Bộ Công Thương) cũng mong muốn nhận được chia sẻ từ nhân dân trong bối cảnh ngành điện đang gặp khó khăn. Đồng thời mong rằng các cơ quan báo chí tiếp tục đồng hành, phản ánh những thông tin chính xác, khách quan về những cố gắng, nỗ lực của các cơ quan quản lý nhà nước, ngành điện trong việc tìm giải pháp đảm bảo cấp điện cho đất nước.

Không chỉ ở Việt Nam, nhiều quốc gia châu Á cũng đang thiếu điện trong nắng nóng kỷ lục. Điển hình như Ấn Độ, Thái Lan, Bangladesh, thậm chí cả Trung Quốc cũng đang phải chủ động cắt điện luân phiên hoặc giới hạn cung ứng điện cho sản xuất để đảm bảo nguồn cung. Ở Vân Nam Trung Quốc (là tỉnh có nguồn thuỷ điện chiếm tỷ trọng 72% tổng công suất), nắng nóng khô hạn đã dẫn đến thiếu nguồn và phải áp dụng chế độ phân bổ điện cho các cơ sở sản xuất công nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm cũng như áp dụng các biện pháp chặt chẽ để kiểm soát điện năng tiêu thụ./.

Theo Báo Công Thương