Bộ Công thương đang lấy ý kiến dự thảo Chiến lược về sản xuất năng lượng hydrogen đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Hydrogen có thể thay thế than cốc, xăng dầu để giảm phát thải CO2
Theo Bộ Công thương, hiện nay, năng lượng hydrogen chưa được sử dụng cho mục đích năng lượng, chủ yếu được sử dụng với mục đích nguyên liệu phi năng lượng trong các ngành lọc dầu, phân bón, hóa chất.
Do đó, năng lượng hydrogen chưa đóng vai trò trong cân bằng cung cầu năng lượng quốc gia.
"Với việc sử dụng năng lượng hydrogen, than cốc, xăng dầu có thể được thay thế để giảm phát thải CO2", dự thảo đánh giá.
Hydrogen đang được xem là nguồn năng lượng ưu tiên phát triển nhằm thay thế cho các nguồn nhiên liệu hóa thạch.
Hydrogen đóng vai trò quan trọng trong khử carbon ở ngành luyện kim, nguyên liệu hóa chất (phân bón), lọc dầu, giao thông vận tải (pin nhiên liệu, hydrogen, amoniac, nhiên liệu tổng hợp).
Hydrogen đang được xem là nguồn năng lượng ưu tiên phát triển nhằm thay thế cho các nguồn nhiên liệu hóa thạch.
Cần xây dựng Chiến lược sản xuất năng lượng hydrogen
Với những điểm nổi bật trên, theo Bộ Công thương, việc nghiên cứu xây dựng Chiến lược sản xuất năng lượng hydrogen là cần thiết.
Việc này nhằm đưa ra định hướng, lộ trình phát triển năng lượng hydrogen trong tương lai, đảm bảo phù hợp với lộ trình phát triển năng lượng quốc gia và điều kiện kinh tế - xã hội tại Việt Nam.
Ở Việt Nam, hydrogen hiện đang được sản xuất chủ yếu là từ quá trình lọc hóa dầu và sản xuất phân đạm để phục vụ cho chính hoạt động của các ngành công nghiệp này nhằm loại bỏ lưu huỳnh và các tạp chất N, O, kim loại… ra khỏi các dòng nguyên liệu hoặc bán thành phẩm, khử xúc tác các oxide kim loại hoạt động, hoặc no hóa các hợp chất chưa bão hòa (hydrogen hóa).
Hydrogen này được gọi là hydrogen xám và hydrogen nâu với tổng sản lượng sản xuất đạt khoảng 500 nghìn tấn/năm, giá khoảng từ 1-2,5 USD/kg.
Trong đó, nhu cầu hydrogen của Việt Nam, thông qua nhu cầu hydrogen của Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) năm 2020 cung cấp cho các nhà máy sản xuất phân đạm, khoảng 316.000 tấn hydrogen, các nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn tiêu thụ lần lượt là 39.000 tấn và 139.000 tấn/năm
Tổng nhu cầu hydrogen dự kiến sẽ tăng lên khoảng 4.000 tấn/năm vào năm 2050.
Theo dự thảo, hiện nay, hydrogen chưa được sử dụng cho mục đích năng lượng, hydrogen hiện tại chủ yếu được sản xuất từ nguồn nhiên liệu hóa thạch.
Bộ Công thương cho rằng, chuỗi giá trị hydrogen hoàn chỉnh chưa được hình thành tại thị trường Việt Nam trong giai đoạn này.
Vì vậy, khi đưa hydrogen xanh vào sản xuất, việc phát triển và hoàn thiện cơ sở hạ tầng và chuỗi giá trị hydrogen là vấn đề cần được quan tâm.
Thời gian gần đây, một vài doanh nghiệp đã bắt đầu quan tâm nghiên cứu tiềm năng sản xuất hydrogen xanh và ammonia xanh để xuất khẩu.
Một số dự án sản xuất hydrogen xanh đã được đề xuất khác như: Dự án đầu tư Thăng Long Wind 2 (TLW2) sản xuất hydrogen từ điện phân nước biển; Dự án Nhà máy sản xuất khí hydrogen xanh Trà Vinh tại xã Đông Hải, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh theo công nghệ điện phân kiềm; Dự án Nhà máy sản xuất hydrogen xanh Bến Tre – Công ty TNHH TGS Green Hydro (Thành viên Tập đoàn The Green Solutions) làm chủ đầu tư.
Một số tập đoàn khác cũng đang bắt đầu có những trao đổi bước đầu trong nghiên cứu, đầu tư dự án Hydrogen như TTVN Group, tập đoàn SK.