Ngày 5/3, lãnh đạo Văn phòng cơ quan Cảnh sát điều tra bộ Công an đã tổ chức buổi công khai xin lỗi đối với ông Bùi Mạnh Lân (63 tuổi, cựu Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT công ty CP TM-SX-XD Hưng Thịnh) và ông Phạm Văn Hướng (66 tuổi, cựu Phó Giám đốc công ty) về việc bị khởi tố, bắt tạm giam trái pháp luật.
Sáng nay 5/3, ông Bùi Mạnh Lân (64 tuổi, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty CP sản xuất - thương mại xây dựng Hưng Thịnh) và ông Phạm Văn Hướng (66 tuổi, Phó tổng giám đốc) được Bộ Công an chính thức xin lỗi sau 17 năm bị bắt oan.
Ông Hướng và ông Lân |
Ông Bùi Mạnh Lân hiện là Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc công ty Hưng Thịnh (thành lập năm 1994).
Công ty Hưng Thịnh là chủ đầu tư KCN Đồng An 1 (thành lập năm 1997, P.Bình Hoà, TP.Thuận An, Bình Dương) và KCN Đồng An 2 (thành lập năm 2007, P.Hòa Phú, TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương). Ngoài việc đầu tư, xây dựng, phát triển hạ tầng các KCN, Công ty Hưng Thịnh còn đầu tư trong lĩnh vực giáo dục, đó là Trường Cao đẳng nghề Đồng An được thành lập năm 2008.
Ông Lân được nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhì năm 2007. Năm 2009, ông Lân được Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam khen tặng là Doanh nhân tiêu biểu năm 2009.
Ông Lân đã bị tạm giam không có lệnh hợp pháp (lần 1) từ ngày 7/5 – 11/6/2003 và (lần 2) từ ngày 27/8 – 1/9/2003, tổng cộng là 41 ngày. Ông Hướng bị tạm giam không có lệnh hợp pháp từ ngày 7/7/2003, tổng cộng là 63 ngày.
Trước đó, ngày 29/4/2003, tại trụ sở Công ty Hưng Thịnh, Cơ quan CSĐT Bộ Công an và Công an tỉnh Tiền Giang đã thực hiện lệnh bắt khẩn cấp ông Bùi Mạnh Lân và ông Phạm Văn Hướng (khi đó là Giám đốc và Phó giám đốc Công ty Hưng Thịnh) vì cho rằng có liên quan đến vụ án Năm Cam và đồng bọn.
Ông Lân và ông Hướng nhiều năm liền gửi đơn yêu cầu làm rõ hành vi của các điều tra viên |
Cụ thể, năm 2002, ông Nguyễn Văn Nên, nguyên Phó thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Tiền Giang và ông Nguyễn Tuyến Dũng (điều tra viên) trực tiếp tham gia chuyên án Z.501 điều tra băng nhóm tội phạm do Trương Văn Cam (tức Năm Cam) cầm đầu. Sau khi chuyên án kết thúc, ông Nên và Dũng được lệnh tiếp tục điều tra một số vụ án có dấu hiệu liên quan đến các băng nhóm tội phạm có tổ chức.
Ngày 3/4/2003, vụ án “gây rối trật tự công cộng” xảy ra tại Công ty Gas Bình Dương (có trụ sở tại KCN Đồng An, do Công ty Hưng Thịnh làm chủ đầu tư) được khởi tố. Ngày 29/4/2003, ông Nên ký lệnh bắt khẩn cấp đối với ông Lân và ông Hướng về hành vi “gây rối trật tự công cộng”.
Tuy nhiên, vụ án gây rối trật tự công cộng tại Công ty CP Gas Bình Dương đã được TAND tỉnh Bình Dương xét xử từ năm 2000. Sau đó, ông Lân và ông Hướng kêu oan và cho rằng ông Nên và Dũng đã cấu kết để “hình sự hóa một vụ tranh chấp dân sự” giữa bà Huỳnh Thị Thu, ông Nguyễn Văn Cư với Công ty Hưng Thịnh. Vụ án này đang được TAND Huyện Dĩ An (Bình Dương) thụ lý giải quyết, không liên quan đến vụ án “gây rối trật tự công cộng”.
Tiếp đó, ông Lân và ông Hướng đã gửi đơn tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động điều tra vụ án của một số cán bộ Công an tỉnh Tiền Giang, đơn được gửi đến các cơ quan tố tụng Trung ương.
Ngày 7/6/2011, Cục điều tra hình sự Viện KSND tối cao khởi tố bị can đối với 3 cán bộ Công an tỉnh Tiền Giang tham gia giải quyết vụ gây rối, vì có nhiều sai phạm nghiêm trọng trong hoạt động tố tụng dẫn đến việc bắt, giam giữ ông Lân, ông Hưởng.
Sau đó, 3 cán bộ này là Ngô Thanh Phong (nguyên Trưởng phòng cảnh sát điều tra Công an tỉnh Tiền Giang) bị phạt 3 năm tù giam, Phạm Văn Út (nguyên Thủ quỹ, thủ kho tang vật Công an tỉnh Tiền Giang) 1 năm tù giam về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ.
Quá trình điều tra vụ án trên, cơ quan điều tra phát hiện ông Nên và ông Dũng (nguyên điều tra viên cao cấp, cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Tiền Giang) đã có những hành vi tự ý can thiệp vào một tranh chấp dân sự đang được tòa án thụ lý giải quyết. Ngoài ra, ông Dũng còn bị cáo buộc đã chiếm dụng số tiền người liên quan nộp với mục đích trả lại công ty cổ phần Hưng Thịnh để sử dụng gửi tiết kiệm, hưởng lợi bất chính 1,2 tỷ đồng.
Ngày 9/5/2017, TAND tỉnh Tiền Giang đã đưa vụ án “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ” ra xét xử, tuyên phạt Nguyễn Tuyến Dũng (nguyên điều tra viên cao cấp, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Tiềng Giang) 5 năm tù. Riêng bị cáo Nguyễn Văn Nên có chứng nhận mắc bệnh tâm thần phân liệt thể hoang tưởng nên được tạm đình chỉ xét xử. Tuy nhiên, việc xét xử bị cáo Nên và bị cáo Dũng là vụ việc liên quan đến việc trục lợi từ số tiền thu giữ tang vật trong 1 vụ án dân sự được hình sự hóa.
Liên quan đến việc bắt giam ông Lân và ông Hướng, tháng 8/2003, Viện KSND tối cao đã kết luận không có cơ sở xác định ông Lân và ông Hướng là “đệ tử” của Năm Cam và đã ra quyết định trả tự do.
Sau khi được thả tự do, ông Lân và ông Hưởng liên tục gửi đơn kêu cứu tới các cơ quan chức năng. Trong đó, có gửi đơn tới Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình.
Theo Văn phòng cơ quan cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình và ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Công an về việc kiểm tra xác minh đơn của ông Bùi Mạnh Lân và ông Phạm Văn Hưởng yêu cầu Công an tỉnh Tiền Giang xin lỗi công khai, bồi thường thiệt hại về việc khởi tố bắt tạm giam ông Bùi Mạnh Lân, ông Phạm Văn Hưởng trái pháp luật, trong vụ án gây rối trật tự công cộng xảy ra tại công ty gas Bình Dương, đã được cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố ngày 3/4/2003.
Lãnh đạo Văn phòng cơ quan Cảnh sát điều tra bộ Công an xin lỗi ông Lân |
Công an tỉnh Tiền Giang điều tra, kết quả xác minh, xác định vụ án nêu trên ông Bùi Mạnh Lân đã bị tạm giam không có lệnh tạm giam hợp pháp 41 ngày. Ông Phạm Văn Hưởng bị tạm giam không có lệnh giam hợp pháp từ 63 ngày.
Cũng theo cơ quan cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an, ông Bùi Mạnh Lân và Phạm Văn Hưởng thuộc trường hợp được xem xét, giải quyết theo quy định của Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước năm 2017. Bộ Công an thay mặt cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an tổ chức buổi công khai xin lỗi đối với ông Lân và ông Hưởng về việc ông Lâm và ông Hưởng bị tạm giữ không có lệnh hợp pháp.
Phóng viên (t/h)
Theo Nghề nghiệp & Cuộc sống