Bỏ ban đại diện phụ huynh, lấy đâu nguồn thu cho những khoản "khó nói"?

Là thành viên Ban đại diện cha mẹ học sinh, tôi khẳng định không thể bỏ ban này, nếu bỏ thì lấy đâu nguồn thu cho các khoản chi vô lý như sửa sang, trang trí lớp...

Câu chuyện người mẹ có con học lớp 10 Trường THPT Trương Định (Hà Nội) bị các phụ huynh khác lăng mạ, mỉa mai vì từ chối đóng tiền tự nguyện 700.000 đồng đang bây bức xúc trong dư luận. Từ đó có ý kiến cho rằng, nên bỏ Ban đại diện cha mẹ học sinh đi.

Tuy nhiên, là người có con học lớp 3 và đang ở trong ban đại diện cha mẹ học sinh, tôi khẳng định không thể bỏ ban này.

Mục đích ban đầu của việc lập Ban đại diện cha mẹ học sinh là để đại diện cho các phụ huynh khác, phố hợp với nhà trường để thực hiện và bảo vệ quyền lợi học sinh. Tuy nhiên trong thực tế, ban gần như chỉ có nhiệm vụ đứng ra kêu gọi sự đóng góp tiền bạc của phụ huynh rồi chi tiêu cho hoạt động của các con ở trường. Chính vì thế, nhiều ý kiến gay gắt cho rằng, Ban đại diện cha mẹ học sinh thực chất chỉ là "cánh tay nối dài" của ban giám hiệu nhà trường.

Bỏ ban đại diện phụ huynh, lấy đâu nguồn thu cho những khoản 'khó nói'? - 1
(Ảnh minh họa: H.C)

Mới đây, khi khẳng định không thể bỏ ban đại diện cha mẹ học sinh, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo nói rõ, các khoản kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh hoàn toàn trên tinh thần tự nguyện ủng hộ, không được phép tính bình quân chia đầu người để thu tiền. Ban tuyệt đối không được thu các khoản tiền không phục vụ cho hoạt động của hội phụ huynh; thậm chí việc thu tiền ủng hộ để mua một bó hoa tặng thầy cô cũng là sai quy định.

Ông này cũng nói rõ, các khoản mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp, hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học, sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của trường... đều không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của ban.

Nhưng đó là quy định, còn thực tế thì sao? Luật bất thành văn là cứ đầu năm, sau buổi họp phụ huynh sẽ có thông báo đóng quỹ lớp. Số tiền này sẽ được chốt tùy vào từng trường, từng lớp. Phụ huynh nào có lòng ủng hộ thêm thì được hoan nghênh, nhưng không bao giờ có chuyện phụ huynh được từ chối đóng quỹ lớp. Lý do vì sao thì chắc mọi người cũng hiểu. Họ sợ nếu không đóng, hoạt động học tập của con mình ở trường sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng.

Vậy số tiền quỹ lớp đó được chi vào những cái gì? Đó là tiền cảm ơn các thầy cô giáo vào những ngày lễ như 20/10, 20/11 hay trước mỗi kỳ thi học kỳ. Các dịp Tết Trung thu, Noel, kết thúc năm học, ban phụ huynh đều phải đứng ra tổ chức các bữa tiệc nhỏ cho các con. Rồi đi thăm nom các học sinh ốm đau, bệnh tật, hay tổ chức các buổi dã ngoại cho trẻ.

Khoản chi vô lý nhất là trước mỗi năm học, ban phụ huynh sẽ phải trích ra số tiền không nhỏ sửa sang lại phòng học cho các con. Lớp nào nhiều tiền thì thuê người vẽ lên tường, lớp nào ít tiền cũng phải tìm ít giấy dán tượng để che đi những chỗ bong tróc, lem luốc, rồi sắm bình hoa, khăn trải bàn cho giáo viên chủ nhiệm...

Việc sửa sang trường học lẽ ra là trách nhiệm của nhà trường, đằng này ban đại diện phụ huynh phải gánh. Lớp nào không chịu sửa sang lớp học sẽ phải chấp nhận để các con học tập trong môi trường xấu xí, thậm chí không đủ điều kiện để học tập tốt. Thôi thì tất cả vì tương lai các con, phụ huynh đành nhắm mắt làm ngơ.

Đầu năm học 2020, tại Trường THCS-THPT Trần Văn Lắm (Bạc Liêu) giáo viên chủ nhiệm và hội đại diện cha mẹ học sinh thu mỗi phụ huynh 2,5 triệu đồng để mua nước sơn, màn che nắng cho một số phòng học. Dĩ nhiên, khoản thu này không có trong phiếu thu. Sau khi bi phát hiện, bà Lâm Thị Sang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Giám đốc Sở Giáo dục - Khoa học và Công nghệ tỉnh Bạc Liêu cho biết đã yêu cầu trường dừng khoản thu trên.

Tuy nhiên, tôi chắc rằng những vụ thu thêm tiền của phụ huynh để sửa sang lớp học tương tự vẫn đang tồn tại và sẽ vẫn tiếp tục xảy ra. Phụ huynh dù không muốn thì cũng phải "tự nguyện" chấp nhận.

Thêm vào đó, ở nơi con tôi học, năm nào nhà trường cũng phát động phong trào thi đua giữa các lớp xem lớp nào trang trí đẹp nhất. Dĩ nhiên, chi phí cho việc trang trí này lấy từ số tiền mà phụ huynh đóng góp cho ban đại diện. Có phụ huynh tức giận ví von rằng, nhà trường đang cố tình mượn cớ thi đua để không phải bỏ tiền sửa sang lớp học cho các con, đẩy trách nhiệm này về cho gia đình.

Vậy nên, dù muốn bỏ Ban đại diện cha mẹ học sinh lắm, tôi vẫn biết là không thể, trừ khi chúng ta dẹp hết được những khoản thu và chi không có trong thông báo. Chứ như hiện nay, bỏ ban này thì lấy đâu nguồn thu cho những khoản khó nói như tôi đã kể trên?

Những khoản tiền nào Ban đại diện cha mẹ học sinh không được phép thu? Những khoản tiền nào Ban đại diện cha mẹ học sinh không được phép thu?
Phụ huynh đòi bỏ Ban đại diện cha mẹ học sinh, Bộ GD&ĐT nói không thể Phụ huynh đòi bỏ Ban đại diện cha mẹ học sinh, Bộ GD&ĐT nói không thể

/ vtc.vn