Bình Dương đặt mục tiêu “bình thường mới” sau ngày 15/9

Nhiều người dân lo ngại rằng với số ca nhiễm tăng cao, có ngày vượt cả TP. Hồ Chí Minh thì liệu Bình Dương có đạt được mục tiêu đề ra là “bình thường mới” sau ngày 15/9? Tuy nhiên căn cứ vào tình hình thực tế và các giải pháp, chiến lược đề ra, Ban Chỉ đạo phòng chống COVID-19 tỉnh Bình Dương tự tin rằng mục tiêu đó là hoàn toàn khả thi.

Cuối tháng 8/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến kiểm tra công tác phòng chống COVID-19 tại Bình Dương đã đánh giá cao nỗ lực chống dịch của Bình Dương và đồng tình với mục tiêu chung của tỉnh là đến 15/9 kiểm soát được dịch bệnh.

Theo ông Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế Bình Dương, sở dĩ số lượng F0 tăng cao trong thời gian vừa qua là do tỉnh đang thực hiện xét nghiệm sàng lọc đối với 11 phường “đậm đặc” F0 ở TP.Thuận An và TX.Tân Uyên. Tuy tỷ lệ F0 ở các địa phương này chiếm từ 3-6% dân số của phường nhưng không đáng ngại vì đã nằm trong vùng bị “khóa chặt”, không lây lan ra bên ngoài. Trong một, hai ngày trở lại đây, số ca F0 đã giảm dần ở các vùng này. Mặt khác, Bình Dương cũng đã xây dựng kịch bản ứng phó khi số ca mắc có thể lên đến 150.000 người rất chi tiết, cụ thể, có sự phân công của từng cơ quan, đơn vị, địa phương với các giải pháp trọng tâm, trọng điểm.

Bình Dương đặt mục tiêu “bình thường mới” sau ngày 15/9 -0

Tổ chức tiêm vaccine cho người dân ở Bình Dương.

Năng lực thu dung điều trị các trường hợp F0 ban đầu của tỉnh hiện nay đáp ứng khoảng 50.000 bệnh nhân (BN). Tỉnh đang nghiên cứu nâng khả năng thu dung thêm 20.000 BN nữa để ứng phó với kịch bản trên. Lúc đầu các địa phương còn lúng túng trong việc thu dung những trường hợp F0 do quá nhiều ca mắc sau khi xét nghiệm diện rộng. Còn hiện tại, cơ bản đã ổn định, ngay sau khi test nhanh phát hiện dương tính, ngành y tế đã chuyển luôn các trường hợp này vào khu cách ly điều trị để tránh lây nhiễm cho cộng đồng”- Ông Nguyễn Hồng Chương cho biết thêm.

Còn theo ông Nguyễn Hoàng Thao - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương, để đạt được mục tiêu trên, chủ trương của tỉnh là thực hiện xét nghiệm diện rộng để tách F0 ra khỏi cộng đồng tại các “vùng đỏ”, nhất là các khu nhà trọ đông công nhân thay vì giãn dân do phương án giãn dân liên quan rất nhiều đến đời sống người dân. Tỉnh đã tập trung triển khai lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc diện rộng bằng test nhanh và PCR với hơn 3,9 triệu lượt người. Tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, quyết liệt đồng bộ các biện pháp để giảm mạnh “vùng đỏ”, “xanh hóa” địa bàn.

Để người dân an tâm ở nhà Bình Dương đã chi 1.390 tỷ đồng cho công tác an sinh xã hội, đưa vào hoạt động hơn 40 cơ sở cung cấp lương thực, thực phẩm để người dân dễ dàng tiếp cận được nguồn lương thực, thực phẩm thiết yếu, không để người dân nào bị đói.

Chiến lược quan trọng khác là tiêm vaccine, với hơn 2 triệu liều được Bộ Y tế phân bổ, Bình Dương đã tổ chức các hình thức tiêm vaccine tại các khu cách ly, phong tỏa với thời gian linh hoạt, đảm bảo kịp thời, an toàn, hiệu quả theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh ở những nơi đủ điều kiện theo nguyên tắc “an toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn”. Hiện có 1.319 doanh nghiệp đang thực hiện “3 tại chỗ”, “2 địa điểm 1 cung đường” với 146.682 lao động.

Tỉnh cũng đã xây dựng kế hoạch cho phép doanh nghiệp ở “vùng xanh” hoạt động trở lại với mô hình “3 xanh” (nhà máy, nhà trọ và công nhân) tại khu vực “vùng xanh” gồm: Thị xã Bến Cát, huyện Bàu Bàng, huyện Bắc Tân Uyên. Theo quy định các doanh nghiệp chỉ được tổ chức sản xuất kinh doanh khi đã xét nghiệm sàng lọc cho toàn bộ công nhân, người lao động và đáp ứng các điều kiện đề ra...

Thêm 13.197 người mắc COVID-19, TP.HCM tăng 595 ca, Bình Dương tăng 1.064 ca Thêm 13.197 người mắc COVID-19, TP.HCM tăng 595 ca, Bình Dương tăng 1.064 ca

Chiều 2/9, Bộ Y tế công bố thêm 13.197 ca COVID-19, trong đó TP.HCM và Bình Dương là hai địa phương dẫn đầu về số ...

/ cand.com.vn