Nhiều ngày qua, hàng loạt tàu cá của ngư dân tỉnh Bình Định phải nằm bờ do giá dầu liên tục biến động, tiền hỗ trợ nhiên liệu về chậm cộng thêm mùa mưa bão cận kề.
Những ngày này Cảng cá Quy Nhơn đang mất đi vẻ sôi động trước kia. Những con tàu cá nằm chen nhau trên bến. Trên bến dưới tàu vắng bặt bóng người. Đâu đó chỉ có âm thanh của gió, của sóng...
Nỗi buồn cảng cá
Sớm tinh mơ tại Cảng cá Quy Nhơn, anh Nguyễn Văn Trung (TP Quy Nhơn) trầm ngâm bên điếu thuốc cùng ly cà phê đã vơi quá nửa. Đã lâu lắm rồi những người bám biển như anh không được thấy cảnh trên bến dưới thuyền tất bật, hối hả. Cảng cá giờ đâu đâu cũng thấy những con thuyền “nằm dài nghe năm tháng dần qua”.
“Trước đây, từ sáng sớm, xe chở thức ăn, nước uống, đá, vật dụng… của các đầu mối liên tục ra - vào cảng. Thợ thuyền vừa luôn tay chuyển nhu yếu phẩm xuống khoang vừa nói chuyện cười đùa, tàu cá nối đuôi nhau chuẩn bị vươn khơi. Giờ nhiên liệu lại tăng khiến chi phí cho mỗi chuyến ra khơi tốn gần gấp đôi” - Anh Trung cho biết.
Cũng theo anh Trung, mỗi chuyến ra khơi (hơn 20 ngày) tốn gần 5.000 lít dầu. Nếu trước đây chi phí khoảng 60 triệu đồng thì nay mất gần 130 triệu đồng tiền dầu, cộng thêm tiền ứng trước cho thuyền viên, tiền mua đá, nước uống, lương thực, vật dụng,… tổng số tiền ứng trước khoảng trên 200 triệu đồng cho mỗi chuyến đánh bắt.
Muốn đủ chi phí thì mỗi chuyến biển phải đánh bắt được từ 2 tấn hải sản trở lên. Tuy nhiên, lượng hải sản ngày càng cạn kiệt, khó đánh bắt nên mỗi chuyến ra khơi anh Trung và các bạn thuyền luôn thấp thỏm nỗi lo thua lỗ.
Vì vậy, tình trạng chủ thuyền phải giảm bớt lượng tàu ra khơi hoặc hoạt động cầm chừng đã không còn là chuyện hiếm. Như nhà anh, 2 chiếc tàu nhưng hiện chỉ 1 chiếc hoạt động, chiếc còn lại “ngủ đông” trên cảng.
Chủ thuyền Phạm Văn Tú (ngụ thị xã Hoài Nhơn) cho biết, do ảnh hưởng của giá xăng dầu tăng cao nên đội thuyền 4 chiếc nhà anh hiện cũng chỉ ra khơi đánh bắt 2 chiếc, còn 2 chiếc nằm bờ 4 - 5 tháng nay.
Anh Tú nói thêm, đã hơn 20 năm bám biển nhưng chưa bao giờ anh lâm vào hoàn cảnh khó khăn như hiện nay. Nếu trước kia khi giá dầu ở mức 16.000 đồng/lít, tiền dầu cho tàu lưới vây trong 20 ngày đánh bắt khoảng 100 triệu đồng thì nay đã tốn gần gấp đôi.
Vị chi mỗi tháng trước kia tiền dầu cho đội tàu của anh Tú chỉ khoảng 300 triệu đồng thì giờ phải mất trên nửa tỷ. Trong khi đó, sản lượng khai thác ở các ngư trường giảm hẳn, giá bán thủy sản lại không tăng nên ngư dân gặp muôn vàn khó khăn.
“Cùng kỳ này năm ngoái, nhiều tàu cá chỉ một con trăng đã thu về bạc tỷ, nhưng mùa biển năm nay nhiều chủ tàu vì thua lỗ nên cho tàu nằm bờ. Tiền bỏ ra cho mỗi chuyến đi biển tụi tui đều phải xin trả chậm, đến khi về sẽ bán cá để trả" - Anh Tú chia sẻ.
Trong bối cảnh giá xăng dầu tăng cao, đầu mối không cho nợ, muốn có tiền bơm dầu và chi phí khác để đi biển, các chủ tàu như tui đã phải vay nóng bên ngoài với lãi suất cao. Nếu may mắn chuyến đi trúng được luồng cá thì chuyến biển còn được vài đồng, không thì lỗ, chủ tàu chịu thiệt, nợ lại chồng nợ” - Anh Tú buồn bã nói.
Nhiều chủ tàu cho biết, tiền nhiên liệu cho mỗi chuyến đi biển chiếm đến 60% chi phí nên mỗi lần dầu tăng giá ngư dân lại phải xoay sở “mất ăn mất ngủ”.
Mỏi mắt chờ trông
Được biết, năm 2010, Thủ tướng ban hành Quyết định 48 nhằm hỗ trợ, khuyến khích hoạt động khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa. Mỗi tàu cá tham gia đánh bắt xa bờ sẽ được nhà nước hỗ trợ nhiên liệu tối đa 4 chuyến biển/năm.
Nhờ chính sách này, ngư dân phần nào vơi bớt khó khăn, cố gắng vươn khơi bám biển. Thế nhưng tại tỉnh Bình Định, nhiều ngư dân vẫn chưa nhận được nguồn hỗ trợ này dù đã qua nhiều lần hoàn thành hồ sơ.
Chị Lê Thị Tính - Chủ tàu cá ở xã Hoài Hải (TX Hoài Nhơn) - cho biết, hiện tại thị xã Hoài Nhơn chỉ mới giải ngân tiền hỗ trợ ở 2 phường xã, còn lại 4 xã vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ xăng dầu từ đợt 10 năm 2021 đến nay.
“Nỗi khó khăn vì dịch COVID-19 suốt 2 năm ròng chưa kịp qua, giờ lại thêm giá nhiên liệu tăng cao nên bà con rất khó khăn trong việc bám biển, còn chưa trả hết nợ nần. Trông chờ vào tiền hỗ trợ xăng dầu của Nhà nước để giảm bớt áp lực kinh tế, nhưng dù đã hoàn thành 4 - 5 lần hồ sơ từ tháng 10/2021 đến nay chúng tôi vẫn chưa nhận được tiền”, chị Tính chia sẻ.
Anh Nguyễn Văn Quang - ngư dân tại TP Quy Nhơn - cũng cho biết, một số hộ ngư dân thuộc phường Trần Phú và phường Đống Đa đến nay vẫn chưa nhận được giải ngân hỗ trợ tiền xăng dầu từ đợt 3, 4 năm 2021 mặc dù năm 2022 đã thấy thông báo giải quyết đến đợt 3.
“Tôi lên hỏi cơ quan thẩm quyền thì được thông báo đã ký quyết định hỗ trợ cho bà con ngư dân rồi, nhưng gần 1 năm qua, tụi tôi vẫn chờ đợi. Mỗi lần đi biển, chi phí phải bỏ ra là hàng trăm triệu đồng: Tiền ứng trước cho các thuyền viên, tiền mua lương thực thực phẩm, mua đá lạnh để bảo quản cá trong kho lạnh, tiền đổ dầu,… đều phải vay mượn. Đã trông chờ, bây giờ cũng chỉ biết trông chờ tiếp thôi” - Anh Quang chia sẻ.
Lực đẩy nào cho ngư dân?
Theo thông tin từ Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định, toàn tỉnh có 5.987 tàu cá đăng ký hoạt động. Trong tháng 8, toàn tỉnh có khoảng 4.700 tàu cá tham gia hoạt động khai thác, so với cùng kỳ năm 2021 giảm 120 tàu (hơn 20%).
Ngư dân Bình Định thường đi đánh bắt ở khắp các ngư trường trong toàn quốc (chiếm tỷ lệ khoảng 40%) nên luôn duy trì bám biển sản xuất và tìm kiếm được nhiều ngư trường mới.
Nguyên nhân của việc tàu thuyền đánh bắt giảm một phần do từ đầu năm 2022 đến nay, giá dầu diesel - loại nhiên liệu chính cho tàu khai thác thủy sản liên tục tăng cao trong khi mức giảm thì nhỏ giọt khiến ngư dân chật vật bám biển.
Về việc tiền hỗ trợ nhiên liệu cho các tàu cá khai thác xa bờ theo Quyết định 48 của Thủ tướng, ông Nguyễn Công Bình - Chi cục phó Chi cục thủy sản Bình Định - cho biết, sau khi kết thúc chuyến đi biển, việc đầu tiên là các chủ tàu làm hồ sơ đề nghị nhận tiền hỗ trợ nhiên liệu rồi nộp cho cơ quan chức năng.
Sau khi hồ sơ được Chi cục thẩm định, UBND tỉnh phê duyệt và ban hành quyết định hỗ trợ và thông báo công khai, ngư dân sẽ được nhận tiền tại Kho bạc. Được biết, UBND tỉnh đã thực hiện giải ngân nhưng việc giải ngân diễn ra không đều đặn, có ngư dân đã được hỗ trợ có người thì chưa, không có sự đồng đều ở các huyện, xã nơi có nơi không.
“Vì tàu cá ngư dân đi biển đi trước và đi sau, đợt trước làm không hết phải gối đầu qua đợt sau nên không kịp giải quyết, dẫn tới nhiều hồ sơ nhận tiền chậm. Chúng tôi đang rất cố gắng giải quyết nhanh nhất cho bà con, nhất là trong bối cảnh nhiên liệu tăng cao như hiện nay.
Tuy nhiên, kinh phí hỗ trợ nhiên liệu là từ nguồn bổ sung có mục tiêu của ngân sách Trung ương, khi nào Trung ương phân bổ về mới có tiền để chi chứ tỉnh không có kinh phí ứng trước” - Ông Bình cho hay.
Cũng theo ông Bình, năm 2021 - 2022 do ảnh hưởng dịch COVID-19 nên ngân sách Trung ương phân bổ về chậm, cuối năm 2021, Sở NN&PTNT cùng với Sở Tài chính đã tham mưu UBND tỉnh Bình Định gửi kế hoạch kinh phí cho Trung ương, mới đây tỉnh lại có văn bản đề nghị một lần nữa.
Những mong giá dầu sẽ giảm, tiền hỗ trợ về nhanh để cảng cá lại vui, những con tàu lại tấp nập vươn khơi.