Luật sư cho rằng, với hành vi vô cảm biết nguồn nước sông Đà nhiễm dầu nhưng vẫn cung cấp cho dân, Viwasupco có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Sáng 15/10, tại buổi tiếp xúc cử tri quận Ba Đình, trả lời cử tri về việc nước sạch sông Đà có mùi bất thường, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, Công ty cổ phần đầu tư Nước sạch sông Đà (Viwasupco) phát hiện dầu thải nhưng không báo cáo ai, không ngăn dầu vào nguồn nước.
Trong chiều cùng ngày, tại Hội nghị giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội, ông Nguyễn Văn Tốn, Tổng Giám đốc Viwasupco thừa nhận, dù biết nước bị ô nhiễm nhưng đơn vị vẫn cung cấp nước cho người dân ngay cả khi “trong thâm tâm 80% muốn dừng cấp nước”.
Trả lời VTC News về sự việc này, luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng, Viwasupco biết nước bẩn mà vẫn cấp nước về Hà Nội thể hiện sự vô cảm, coi thường tính mạng người dân.
“Khi phát hiện ra sự cố thì việc cần thiết là ngưng cấp nước. Ô nhiễm nước ảnh hưởng đến tính mạng con người, thế nhưng tôi không hiểu vì sao Công ty cổ phần Đầu tư Nước sạch sông Đà vẫn sản xuất và cấp nước về Thủ đô. Theo tôi đó là sự vô cảm, thiếu trách nhiệm trầm trọng, coi thường tính mạng sức khỏe người dân”, luật sư Bình nói.
Theo luật sư Diệp Năng Bình, nếu xác định chất lượng nước không đảm bảo, không đủ điều kiện sử dụng mà vẫn cấp nước thì hành vi này cần phải xử lý theo quy định pháp luật. Ngoài ra, người dân cũng có thể khởi kiện Viwasupco và yêu cầu được bồi thường.
“Việc xử lý thế nào sẽ phụ thuộc vào mức độ sai phạm và hậu quả xảy ra. Tùy vào hậu quả xảy ra mà hành vi này có thể bị xử lý kỷ luật, bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Bên cạnh những thiệt hại về tinh thần khi sự việc khiến hàng trăm nghìn người dân Thủ đô hoang mang, lo lắng, những thiệt hại về kinh tế cũng không nhỏ khi người dân phải tự đi mua nước đóng bình về để phục vụ sinh hoạt, phải thay bộ lõi lọc cho các máy lọc nước trong gia đình.
Do đó đủ cơ sở để yêu cầu đơn vị cung cấp nước phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật đối với toàn bộ những thiệt hại của người dân”, luật sư Diệp Năng Bình cho hay.
Tuy nhiên, theo luật sư Bình, do người dân không ký trực tiếp với Công ty cổ phần đầu tư Nước sạch sông Đà nên phải xem lại hợp đồng xem đơn vị nào bán trực tiếp nước cho người dân để người dân kiện trực tiếp đơn vị đó.
Người dân Hà Nội rồng rắn chờ lấy nước sạch trong đêm 15/10. |
Cũng theo luật sư Bình, trong sự việc này, Sở TN-MT tỉnh Hòa Bình cũng phải có trách nhiệm bởi đây là cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, thực hiện chức năng tham mưu, giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường, trong đó có việc ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước.
“Có thể nói trong trường hợp này, Sở không làm tốt nhiệm vụ theo dõi, phát hiện ra sự cố này. Cho dù, hành vi vi phạm là của cá nhân, tổ chức nhưng không thể không nói Sở TN-MT không có trách nhiệm”, luật sư Bình nhận định.
Nói về hình phạt dành cho kẻ đổ trộm dầu thải khiến nguồn nước vào kênh dẫn của nhà máy nước sạch sông Đà bị nhiễm bẩn, luật sư Diệp Năng Bình cho rằng, tùy thuộc vào mức độ vi phạm mà kẻ đổ trộm dầu thải có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý về hình sự.
Như VTC News đưa tin, vào ngày 10/10, cơ quan chức năng Hà Nội nhận được phản ánh của người dân và báo chí về việc nước sạch tại các quận Thanh Xuân, Hà Đông, Hoàng Mai có mùi bất thường và đã thành lập đoàn kiểm tra.
Qua kiểm tra, khu vực đầu nguồn tại khe núi tại xã Phú Minh, Kỳ Sơn (tỉnh Hòa Bình) có dấu hiệu đổ dầu nhớt thải trộm. Chất thải dầu này đã chảy lan ra suối rồi chảy vào hồ Đầm Bài (là hồ chứa nước để cấp cho nhà máy).
Cán bộ của Công ty cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) có phát hiện việc này từ sáng ngày 8/10 nhưng không có bất cứ báo cáo nào với các cơ quan chức năng của tỉnh Hòa Bình và thành phố Hà Nội. Bên cạnh đó, đơn vị này cũng không có hành động ngăn chặn sau khi phát hiện sự việc.
Hà Nội khuyến cáo người dân không sử dụng nước thuộc vùng do Công ty cổ phần Viwaco, Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Đông cung cấp, "chỉ nên dùng nguồn nước này để tắm giặt, không sử dụng để nấu ăn, uống".
Theo quy định tại Điều 235 Bộ luật Hình sự 2015, tội gây ô nhiễm môi trường bị phạt tiền lên đến 1 tỷ đồng và chịu mức phạt tù từ 1 - 5 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp nghiêm trọng thì có thể bị phạt tiền từ 1 - 3 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 3 - 7 năm.
Đặc biệt, đối với pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại điều này bị phạt tiền từ 1 - 10 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm.
Ngoài ra theo Nghị định số 155/2016/NĐ-CP, doanh nghiệp phải có biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc khôi phục lại tình trạng môi trường ban đầu; Buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, kiểm định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường trong trường hợp có vi phạm về xả chất thải vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường hoặc gây ô nhiễm môi trường theo định mức; Buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và báo cáo kết quả đã khắc phục xong hậu quả vi phạm trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Hàng nghìn cuộc gọi tới Công ty Nước sạch Hà Nội xin trợ cấp nước |
Người dân Hà Nội xếp hàng thâu đêm chờ nhận... nước sạch |
Ảnh: Dân Hà Nội rồng rắn xếp hàng trong đêm đợi lấy nước sạch miễn phí |