Các nhà khoa học cho biết 501.V2, biến thể nCoV tại Nam Phi, đáng lo ngại hơn biến thể B.1.1.7 ở Anh do lây lan nhanh và có thể lẩn tránh vaccine.
Thực tế, những thay đổi của virus trong quá trình lây nhiễm không mới. Biến thể B.1.1.7 (hay còn gọi là VOC-202012/01) ở Anh dễ lây lan, nhưng không gây chết người nhiều hơn.
Kể từ khi xuất hiện, biến thể 501.V2 nhanh chóng chiếm ưu thế tại Nam Phi. Các nghiên cứu ban đầu cho thấy virus có khả năng nhân lên cao hơn các chủng trước đó. Báo cáo đầu tiên về biến thể Nam Phi được đăng tải trên trang nghiên cứu medrxiv của Đại học Yale (Mỹ) cho thấy nó lây lan nhanh chóng trong vài tuần.
Theo chuyên gia dịch tễ và bệnh truyền nhiễm Salim Abdool Karim, đồng chủ tịch ủy ban cố vấn về Covid-19, tải lượng virus ở người nhiễm biến thể Nam Phi cao hơn so với thông thường. Như vậy, đợt bùng phát thứ hai ở khu vực này có thể lớn hơn lần đầu tiên.
Hiện các nhà khoa học chưa rõ liệu 501.V2 có khiến các triệu chứng của người bệnh nghiêm trọng hơn hay không. Ngày 21/12/2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhấn mạnh "không có bằng chứng rõ ràng về điều này". Song WHO cũng lưu ý số ca mắc mới tăng nhanh có thể khiến bệnh viện quá tải, dẫn đến nhiều ca tử vong hơn.
Ngày 4/1, Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock bày tỏ sự lo lắng về biến thể nCoV ở Nam Phi. Ông tuyên bố nó dễ lây lan hơn và dường như đã đột biến xa hơn so với những biến thể của Anh.
John Bell, giáo sư y khoa Đại học Oxford, cũng nhận định: "Cả hai biến thể đều có nhiều đột biến. Tuy nhiên, biến thể ở Nam Phi có sự khác biệt đáng kể về cấu trúc protein".
Biến thể 501.V2 của Nam Phi mang ba đột biến (E484K, K417N và N501Y) tại các vùng quan trọng của gene - nơi tạo ra protein gai dùng để gắn vào tế bào người. Đột biến N501Y xuất hiện trong biến thể B.1.1.7 ở Anh, song hai đột biến còn lại thì không. Trong đó, E484K có khả năng làm giảm độ nhận biết của kháng thể người với virus.
Nhân viên y tế làm việc tại Cơ quan Y tế Nam Phi. Ảnh: AFP |
"Như vậy, nó giúp nCoV vượt qua hàng rào miễn dịch sinh ra bởi vaccine", Francois Balloux, giáo sư sinh học, Đại học College London, cho biết.
Lawrence Young, chuyên gia virus tại Trường Y Warwick, Đại học Warwick, giải thích: "Trong khi những thay đổi của biến thể ở Anh không ảnh hưởng đến hiệu quả vaccine, sự tích tụ nhiều đột biến trong biến thể ở Nam Phi gây lo ngại, bởi chúng có thể giúp virus lẩn tránh hệ miễn dịch".
Jonathan Van-Tam, Phó giám đốc Y tế của Anh, cho biết sẽ mất khoảng 12-14 ngày đến vài tuần trước khi các nhà khoa học trả lời được câu hỏi "liệu vaccine có hiệu quả trên biến thể mới hay không?"
Biến thể nCoV tại Nam Phi cũng khó bị phát hiện trong xét nghiệm PCR hơn. Giáo sư Young đề xuất Anh siết chặt các biện pháp hạn chế ở biên giới, ngăn chặn virus xâm nhập vào lãnh thổ nước này.
Biến thể Nam Phi lần đầu tiên được phát hiện ở khu vực Vịnh Nelson Mandela hồi tháng 10. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng nó đã xuất hiện và lưu hành kể từ tháng 8, sau đó lan rộng khắp khu vực, bao gồm Cape Town - một địa điểm du lịch nổi tiếng.
Lệnh cấm du lịch quốc tế của Nam Phi được dỡ bỏ ngày 1/10/2020. Như vậy, khả năng nhiều người đã mang biến thể mới đến các quốc gia khác trong vòng hai tháng trở lại đây.
Cách hiệu quả nhất để giảm lây nhiễm là hạn chế tương tác. WHO mới đây đã ban hành hướng dẫn tạm thời, khuyến nghị dập dịch dựa trên lệnh cấm đi lại.
Có khả năng nCoV sẽ tiếp tục thay đổi, biến thể ở Anh và Nam Phi không phải hai loại cuối cùng. Các chuyên gia thậm chí cho rằng còn nhiều biến thể dễ lây truyền khác mà giới khoa học chưa phát hiện ra.
"Đây là bài học cho phần còn lại của thế giới", Ravindra Gupta, giáo sư vi sinh lâm sàng tại Đại học Cambridge, cảnh báo.
Thục Linh (Theo Telegraph, Politico)
Biến chủng nCoV ở Nam Phi có thể kháng vaccine
Các nhà khoa học cho rằng có khả năng biến chủng nCoV tìm thấy ở Nam Phi kháng được vaccine Covid-19. |