Biến thể Delta lây nhiễm chỉ sau 1 ngày tiếp xúc

Theo người đứng đầu WHO, ít nhất 85 quốc gia đã ghi nhận người nhiễm Delta và biến chủng này đang lan rộng trong nhóm người chưa được tiêm chủng ở các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao

Giáo sư Phan Trọng Lân, Viện trưởng Pasteur TP HCM, cho biết biến thể Delta (B.1.167.2, phát hiện lần đầu ở Ấn Độ) được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xem là có khả năng lây lan nhanh và làm giảm hiệu quả bảo vệ của vaccine. Theo đó, một người nhiễm chủng cũ trung bình sẽ lây cho 2 đến 4 người khác; chủng Alpha (B.1.1.7, phát hiện đầu tiên ở Anh) lây cho đến 7 người, còn chủng Delta ước tính có thể lây nhiễm nhiều hơn biến thể Alpha từ 40-60%.

Kết quả giải trình tự gene virus cho thấy biến chủng Delta đang chiếm ưu thế trong đợt dịch thứ 4, đặc biệt ở các tỉnh miền trung và miền nam hiện nay. Chủng này khiến cho các tỉnh khu vực phía Nam ghi nhận nhiều trường hợp có triệu chứng hoặc dương tính chỉ sau hơn một ngày tiếp xúc phơi nhiễm, theo ông Lân.

"Chưa chắc chắn biến thể Delta gây bệnh cảnh nặng hơn, nhưng khi số mắc tăng cao, cũng như quá tải hệ thống y tế thì có thể dẫn đến tỷ lệ tử vong cao hơn", giáo sư Lân nói.

Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC), tại cuộc họp Ban chỉ đạo chống dịch của TP HCM, cho biết thêm nCoV sau khi lây truyền qua nhiều thế hệ sẽ xuất hiện hai trạng thái, một là gia tăng độc lực ở thời gian đầu, nếu biến chủng; còn nếu không biến chủng tiếp thì độc lực giảm ở thời gian kế tiếp. Khi độc lực virus giảm, sự lây lan vẫn tồn tại nhưng người nhiễm không có triệu chứng hoặc triệu chứng rất nhẹ. Điều này dẫn đến các ca chỉ điểm (ca phát hiện đầu tiên) hầu hết mắc bệnh mức độ nhẹ, nếu không đi khám sẽ bị bỏ qua và chúng ta chậm hơn dịch bệnh là điều tất yếu.

Cùng quan điểm, Phó giáo sư Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết biến chủng mới Delta khiến đợt dịch lần này phức tạp hơn. Khoảng 80% bệnh nhân không có triệu chứng hoặc nhẹ dẫn đến khó biết được ai là người mang mầm bệnh trong cộng đồng, khiến nguy cơ lây nhiễm hiện hữu xung quanh. Người mắc bệnh nhưng không biết hoặc có khả năng tự khỏi nhưng đã lây bệnh cho những người khác trong thời gian mắc.

"Do đó, việc truy tìm F0 tuy cần thiết nhưng trong tình hình hiện nay thì gần như là vô phương", ông Nga nhấn mạnh.

Trước đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo biến chủng Delta được tìm thấy lần đầu ở Ấn Độ cách đây nửa năm đang lây lan nhanh chóng mặt, đồng thời hối thúc các chính phủ đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng. "Có nhiều lo ngại về biến chủng Delta trên toàn cầu, WHO cũng lo ngại về nó… Delta là biến chủng dễ lây lan nhất từng được xác định cho đến lúc này", Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu.

Ông Tedros kêu gọi các nước đẩy nhanh nỗ lực chủng ngừa vaccine COVID-19 để chặn đà lây lan của dịch bệnh. Tổng giám đốc WHO cảnh báo sẽ virus sẽ biến chủng khi dịch bệnh lây lan, bởi vậy, chỉ có chặn đà lây lan của dịch bệnh mới có thể hạn chế xuất hiện thêm các biến chủng mới nguy hiểm.

"Càng lây lan nhiều, càng nhiều biến thể. Lây lan ít, sẽ ít biến thể hơn. Chúng ta có thể ngăn các biến thể mới bằng cách chặn đà lây lan", ông Tedros lý giải, đồng thời một lần nữa chỉ trích việc các nước thu nhập cao độc chiếm nguồn vaccine, khiến các nước nghèo khó hơn khó tiếp cận.

"Chúng ta đang lặp lại sai lầm tương tự HIV/AIDS, khi phải mất 10 năm (thuốc men) mới đến được các nước thu nhập thấp, sau khi nó tràn lan ở các nước thu nhập cao, và vaccine H1N1 thì chỉ được cung cấp khi dịch đã kết thúc", ông Tedros cảnh báo.

Đầu năm 2021, khi biến chủng Alpha (phát hiện lần đầu ở Anh) lây lan khắp thế giới, các nhà nghiên cứu ước tính nó dễ lây hơn chủng gốc của SARS-CoV-2 từ 40-70%, còn bây giờ Delta có khả năng lây lan nhanh hơn biến chủng Alpha ít nhất 40%.

Biến chủng Delta hiện đã chiếm tới 96% số ca lây nhiễm mới COVID-19 theo chuỗi tại Bồ Đào Nha, hơn 20% tại Italia và khoảng 16% tại Bỉ. Tại Anh, biến chủng này chiếm gần như toàn bộ số ca nhiễm mới được ghi nhận.

Các nhà khoa học tin rằng, với tốc độ lây lan chóng mặt, biến chủng Delta sẽ thống trị tại bất cứ nơi nào nó xuất hiện. Tuy nhiên, dấu hiệu khả quan là biến chủng này vẫn có thể được kiểm soát nhờ tiêm chủng đầy đủ, đồng thời với các biện pháp làm chậm quá trình lây lan.

Tại Anh, giới chức y tế nước này xác nhận tỷ lệ người nhiễm COVID-19 nhập viện tăng hầu hết là bệnh nhân chưa được tiêm chủng đầy đủ. Tuần trước, cơ quan Y tế Công cộng Anh thông tin, việc chỉ tiêm một mũi vaccine ngừa COVID-19 tỏ ra kém hiệu quả với biến chủng Delta hơn các biến chủng cũ, nhưng việc tiêm đầy đủ hai mũi tăng khả năng bảo vệ lên đáng kể, ở mức trên 80%.

PV (th)

Biến thể Delta khiến nhiều nước lao đao, ngăn châu Á trở lại bình thường Biến thể Delta khiến nhiều nước lao đao, ngăn châu Á trở lại bình thường
Biến thể Delta thành chủng trội toàn cầu Biến thể Delta thành chủng trội toàn cầu
Ông Biden cảnh báo sự nguy hiểm biến thể delta, kêu gọi người Mỹ tiêm vaccine Ông Biden cảnh báo sự nguy hiểm biến thể delta, kêu gọi người Mỹ tiêm vaccine
/ Nghề nghiệp và cuộc sống