Chiến tranh biên giới phía Bắc 1979: Chiến tranh đã lùi xa nhưng ký ức về năm tháng nơi biên ải vẫn in đậm trong tâm trí anh hùng LLVTND Hoàng Minh Phương.
Trong ngôi nhà nhỏ ở xã Cam Cọn (huyện Bảo Yên, Lào Cai), anh hùng LLVTND Hoàng Minh Phương (SN 1956) ngồi lặng lẽ, nhớ về cuộc đời binh nghiệp của mình.
40 năm trôi qua, nỗi đau cuộc chiến, hình ảnh đồng đội ngã xuống nơi miền biên viễn vẫn chưa thể phai phờ trong tâm trí ông.
Anh hùng LLVTND Hoàng Minh Phương
Xả thân giữa mưa đạn
Ngược dòng ký ức, năm 1976, chàng thanh niên trẻ người dân tộc Tày nhập ngũ khi mới tròn 20 tuổi, thuộc biên chế tiểu đội 2, đại đội 5, tiểu đoàn 64, Trung đoàn 741 (bộ đội địa phương tỉnh Lai Châu).
Chiến tranh biên giới nổ ra, địch cho lực lượng đông đảo tràn qua Việt Nam bằng nhiều con đường.
Tiểu đoàn 64 chốt tại cửa khẩu Pa Nậm Cúm (xã Ma Ly Pho, Phong Thổ, Lai Châu), gần đồn biên phòng 33.
Đây là địa điểm ác liệt nhất trên mặt trận cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979 ở Lai Châu.
Tiểu đoàn 64 chốt trên cao điểm 800, trong đó tiểu đội 2, đại đội 5 là đơn vị mũi nhọn, cách địch chỉ khoảng 1km.
Chính trị viên đại đội Hà Văn Khấn cảnh báo: "Khả năng đêm địch sẽ tấn công".
“Tôi trực gác đêm 16/2, sau khi thay ca, về hầm trú ẩn ngả lưng nhưng trằn trọc không ngủ được. Đến 4h sáng 17/2, nghe tiếng súng nổ, tôi giật mình ngồi dậy. Lúc này quân xâm lược tấn công dồn dập vào trận địa của ta.
Tiểu đội trưởng Hoàng Văn Hóa (quê Yên Bái) hy sinh, tôi khi ấy là tiểu đội phó, phụ trách tổ bắn pháo cối 60 lên nắm quyền tiểu đội trưởng”, ông Phương kể.
Ông Phương kiên cường chỉ huy toàn tiểu đội 2 chiến đấu, tiêu diệt nhiều tên địch, bẻ gãy 6 đợt tấn công của chúng. Riêng ông trực tiếp bắn 60 quả đạn cối, diệt hơn 70 tên địch.
Giọng xúc động, cựu binh SN 1956 nhớ lại: “Ngày 17/2 tiểu đoàn 64 thất thủ vì địch dùng chiến thuật đánh úp. Lợi dụng đêm tối, chúng luồn rừng, qua khe suối, ém quân bao vây khu vực hậu cần và các chốt khác.
Đến sáng chúng bắt đầu nổ súng, tấn công cả trước và sau khu vực hậu cần của tiểu đoàn 64. Chiến sĩ ta hi sinh nhiều.
Bất ngờ tôi nghe tiếng xoẹt xoẹt trong không trung, liền vội ngồi thụp xuống. Một mảnh đạn pháo bay sượt qua đầu, cháy xém 1 mảng tóc.
Tôi ngất đi, lúc sau tỉnh dậy mới biết mình còn sống. Đơn vị tôi hoàn toàn bị chia cắt, mất liên lạc với bên ngoài”, ông Phương cho biết.
5h sáng 18/2, thấy tình hình yên ắng, ông Phương phán đoán khả năng địch thay đổi chiến thuật nên cảnh giác.
Trời sương mù dày đặc, địch thừa cơ cho lính sơn cước (đặc công) bò dưới cỏ, áp sát chốt điểm của quân ta, dự định đánh bất ngờ.
Ông Phương phát hiện, ra hiệu cho đồng đội tác chiến, đập tan âm mưu của chúng.
8h sáng, địch quay lại, điên cuồng tấn công. Ông vẫn nhớ như in giờ phút mình sống trong vòng vây của địch:
“Quân địch dàn hàng ngang, con số lên tới hàng nghìn, ùn ùn băng qua suối, tiến sâu vào biên giới nước ta. Tôi cầm súng AK bắn đến mức đỏ nòng.
Giao thông hào ban đầu đào ngang cổ người nhưng sau bị đạn pháo cày xới liên tục, đất đá vùi lấp chỉ còn ngang đầu gối.
Tôi chứng kiến chiến sĩ ta lần lượt nằm xuống, máu nhuộm đỏ từng thớ đất. Điểm tôi đứng có 6 người, 2 người bị thương, 3 người hi sinh. Nơi này hoàn toàn nằm trong vòng vây ráp của địch. Tôi bình tĩnh cùng 2 thương binh quyết sống chết đến cùng.
Chiến sĩ xạ thủ hy sinh, tôi buông AK, ôm 3 quả B40 vào thay vị trí.
Loại súng này người khỏe 1 ngày chỉ dùng 3 quả là ù tai nhưng hôm đó địch đông như kiến. Lớp này ngã xuống, lớp khác chi viện, tôi phải dùng 6 quả đạn B40 phản công mới bẻ gãy được đợt tiến công mới của chúng.
Tôi bị thủng màng nhĩ, chảy máu, không nghe thấy gì, chỉ thấy đất đá bay sau loạt đạn pháo nã.
Một mình tôi chạy khắp trận địa, sử dụng các loại vũ khí đánh lừa giặc, để chúng tưởng phía ta còn nhiều quân.
Tôi dùng mũ cối và áo làm hình nộm, địch tưởng là người, bắn nổ tung cả hình nộm”.
Đến trưa, thấy lực lượng ta còn ít, địch bao vây bắt sống được một số chiến sĩ của ta, ông Phương tiếp tục dùng lựu đạn đánh vào đội hình địch.
Quân địch chết như ngả rạ, một số tên bỏ chạy, nhờ đó trận địa được giữ vững.
Liều mình phá vòng vây
Sau 2 ngày dốc toàn lực chiến đấu, chịu đựng đói khát, thời tiết khắc nghiệt, 2 thương binh rơi vào trạng thái nguy kịch do mất máu nhiều. Đúng lúc đó, ông Phương nhận pháo hiệu rút lui của trung tâm chỉ huy. Ông tìm kế phá vòng vây, đưa đồng đội ra ngoài.
“Đối mặt với sự khốc liệt đó, tôi chẳng nghĩ gì đến sự sống chết của bản thân mà chỉ hi vọng đưa 2 đồng đội an toàn trở về tuyến trong.
Tôi đợi đến đêm, bắn quả đạn B40 cuối cùng, sau đó cùng anh em rút theo một con đường bí mật.
Chúng tôi lầm lũi đi trong đêm, cố gắng không phát ra tiếng động. Ăn sắn và quả rừng chống đói”.
Đến bờ sông Nậm Na, ông lấy thân cây chuối ghép thành mảng, đặt đồng đội lên, còn mình nằm dưới nước, đẩy đi.
Họ đi lạc, đến ngày thứ 5 mới tìm được về đơn vị trước sự ngỡ ngàng của mọi người bởi ai cũng nghĩ tiểu đội 2 đã hy sinh hết.
Ngày 20/12/1979, ông Hoàng Minh Phương được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Anh hùng LLVTND Hoàng Minh Phương đang có cuộc sống bình dị ở quê nhà
Chiến tranh giờ chỉ là những mảnh ký ức, anh hùng LLVTND Hoàng Minh Phương nay trở về với cuộc sống bình dị.
Những câu chuyện về trận chiến năm nào vẫn được ông kể lại như khúc ca bi tráng về một thời hào hùng của dân tộc để thế hệ trẻ thêm trân quý từng tấc đất quê hương.
Diệu Bình
[MAGAZINE]Những bài học nhìn từ lịch sử cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc
Cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc là sự kiện lịch sử bi tráng trong quan hệ Việt Nam-Trung Quốc. Chúng ta phải ... |
Cựu chiến binh Lào Cai dâng hương tưởng niệm các liệt sỹ bảo vệ biên giới phía Bắc
Ngày 13/2, Đoàn đại biểu Hội Cựu chiến binh tỉnh Lào Cai dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang liệt ... |
Ký ức đau thương vụ thảm sát của lính Trung Quốc với người dân Cao Bằng
Ký ức hãi hùng về vụ thảm sát man rợ của những tên lính xâm lược ô hợp Trung Quốc ở Tổng Chúp Cao Bằng ... |