Biển Đông một lần nữa trở thành tâm điểm tại Đối thoại Shangri-La năm nay, bởi diễn biến nóng gần đây và "tần suất" được nhắc tới tại diễn đàn an ninh quan trọng bậc nhất của khu vực châu Á - Thái Bình Dương này.
Có thể nói, những căng thẳng, tranh chấp cùng với việc làm thế nào để bảo đảm hòa bình, ổn định ở là vấn đề lớn và được quan tâm hàng đầu tại nhiều hội nghị cấp cao an ninh châu Á, thường được gọi là Đối thoại Shangri-La. Thế nhưng, tình hình biển Đông vẫn liên tiếp "dậy sóng", tác động lớn tới hòa bình, ổn định và hợp tác trong khu vực.
Ngay trước thềm Đối thoại Shangri-La thường niên lần thứ 17 năm nay, nhiều động thái "ngược dòng" đối thoại lại liên tiếp xảy ra trên biển Đông. Trong đó, đáng chú ý vào trung tuần tháng 5 vừa qua, Trung Quốc đã tiến hành các cuộc diễn tập bắn đạn thật ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Trung Quốc cũng lần đầu tiên tổ chức cho máy bay ném bom hạng nặng diễn tập hạ/cất cánh ở Hoàng Sa.
Tất cả các hoạt động "xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam" cũng như "gây phức tạp tình hình" và "không có lợi cho việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác ở biển Đông" này đều đã bị Việt Nam lên tiếng phản đối và yêu cầu chấm dứt ngay.
Với vị trí, vai trò chiến lược quan trọng và tính chất phức tạp, nhạy cảm, mỗi hoạt động gây căng thẳng ở biển Đông, đặc biệt là những hoạt động quân sự hóa, luôn dẫn tới những phản ứng. Trong cuộc họp báo tại Lầu Năm Góc ngày 31-5, tướng Kenneth McKenzie, Giám đốc Tham mưu liên quân Mỹ, đã tỏ ra cứng rắn "quân đội Mỹ có nhiều kinh nghiệm trong việc xóa sổ các đảo nhỏ ở Tây Thái Bình Dương" khi được hỏi về khả năng Mỹ cho "nổ tung" một trong các đảo nhân tạo bồi đắp trái phép ở biển Đông.
Giảm căng thẳng, giải quyết các tranh chấp thông qua đối thoại nhằm duy trì hòa bình, ổn định và an toàn, tự do hàng hải cũng như hàng không ở biển Đông không chỉ là mong muốn của nhiều quốc gia trong khu vực mà còn vì lợi ích của nhiều bên liên quan.
Nền tảng quan trọng bậc nhất để bảo đảm hòa bình và ổn định vững bền ở biển Đông là đối thoại dựa trên niềm tin chiến lược giữa các bên liên quan. Niềm tin ấy chỉ có thể được, theo như phát biểu của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch tại Đối thoại Shangri-La ngày 2-6, là các quốc gia "xây dựng sự tin cậy lẫn nhau thông qua tham vấn, trao đổi thông tin, tiếp xúc cấp cao, thúc đẩy hoạt động chung giữa các lực lượng quân đội và quan trọng nhất là các bên minh bạch hóa chính sách, thể hiện thiện chí, quyết tâm, thực hiện đúng các cam kết và nghĩa vụ pháp lý, lời nói đi đôi với việc làm".
Khó có thể duy trì hòa bình và ổn định trên biển Đông khi miệng nói không gây căng thẳng, làm phức tạp tình hình nhưng tay lại thực hiện các hoạt động quân sự hóa. Là diễn đàn quy tụ các giới chức an ninh hàng đầu khu vực và thế giới, Đối thoại Shangri-La vì thế cần làm sao biến những lời nói, cam kết trong phòng họp thành hành động trên thực tế.
PHAN ĐĂNG