Câu chuyện được ghi lại tại công xưởng sản xuất điện thoại iPhone lớn nhất thế giới ở thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam (Trung Quốc).
“Tôi chẳng có những ước mơ lớn lao. Điều mà tôi muốn chỉ là được ở bên những người thân yêu và không phải lo lắng về cơm, áo, gạo, tiền”, Xin, cậu công nhân vừa bước vào tuổi trưởng thành nói. Cậu cho biết, bản thân trước đây từng khao khát trở thành ca sĩ hay diễn viên để được đứng trên sân khấu trình diễn.
Cậu là một trong số hàng trăm ngàn công nhân Trung Quốc đang làm việc tại công xưởng Foxconn ở Trịnh Châu, đối tác cung ứng, sản xuất và lắp ráp lớn nhất của hãng Apple chuyên sản xuất những chiếc iPhone.
Những công nhân đang làm việc cho Foxconn, nhà cung ứng, đối tác lớn nhất của Apple.
Công xưởng của Foxconn ở thành phố Trịnh Châu hiện có khoảng 300.000 nhân viên đang làm việc. Đây là trung tâm sản xuất lớn nhất của hãng này, cũng là nơi sản xuất một nửa số iPhone được bán ra trên khắp thế giới.
Công xưởng ở Trịnh Châu bắt đầu được đưa vào hoạt động năm 2010. Mới đây nó trở thành tâm điểm chú ý của dư luận sau khi tờ Financial Times cho biết hơn 3.000 công nhân làm việc tại nhà máy đều là học sinh thực tập của các trường dạy nghề. Những công nhân nhỏ tuổi phải đều đặn làm việc trong những ca trực kéo dài 11 tiếng đồng hồ ở bộ phận lắp ráp iPhone X, chiếc điện thoại vừa ra mắt của hãng Apple.
Theo luật lao động của Trung Quốc, buộc nhân viên làm việc quá giờ hay trong điều kiện không đảm bảo là bất hợp pháp. Chưa rõ Foxconn có vi phạm luật pháp Trung Quốc hay không, nhưng việc làm của tập đoàn công nghệ này đã vi phạm quy định giới hạn 40 tiếng làm việc/tuần đối với công nhân do chính họ đặt ra, dù hãng khẳng định người lao động “tự nguyện” tuân thủ và “đã được đền đáp xứng đáng”.
Được người dân địa phương gọi là “Thành phố iPhone”, khu nhà xưởng lắp đặt ở Trịnh Châu đã thu hút nhiều lao động trẻ, chủ yếu là những người đến từ các vùng nông thôn và các thị trấn nhỏ ở vài tỉnh lân cận.
Với mức lương cao, nhiều nhân viên Trung Quốc vẫn cho rằng đây là một môi trường làm việc tốt so với nhiều khu công nghiệp khác ở địa phương. Vì vậy, một nhân viên 31 tuổi họ Li đang làm việc tại bộ phận quản lý chất lượng cho hay, anh không hiểu tại sao có nhiều đồng nghiệp trẻ lại muốn từ bỏ một công việc ổn định như ở Foxconn.
“Tôi sẽ làm công việc này lâu dài cho tới khi có cơ hội được thăng tiến”, tờ SCMP dẫn lời Li cho biết.
Hiện tại, công xưởng Trịnh Châu có khoảng 94 dây chuyền lắp đặt khác nhau, cho ra đời khoảng 350 chiếc iPhone mỗi phút, tức khoảng nửa triệu chiếc mỗi ngày, theo tờ China Daily.
Foxconn được cho là trả lương nhân viên cao hơn các hãng sản xuất và lắp ráp khác, nhưng những câu chuyện không hay về sức khỏe của công nhân làm việc tại các nhà máy của hãng cũng như liên tục phải làm ca đêm vẫn là chủ đề được mang ra bàn tán, Zhang, 24 tuổi, một nhân công quê ở tỉnh Hà Nam cho hay.
“Dù họ có thể kiếm tới 5.000 tệ mỗi tháng (khoảng 17 triệu đồng), số tiền khá lớn đối với tôi, nhưng tôi vẫn cảm thấy công nhân ở đây không được đảm bảo sức khỏe bởi tất cả mọi người phải làm quá giờ”, Zhang nói. Anh cho biết mức lương hiện tại của anh là 3.000 tệ (khoảng 10,2 triệu đồng), với vị trí nhân viên.
Foxconn hiện thuê khoảng 1 triệu công nhân Trung Quốc. Hãng này từng nhiều lần bị các nhà hoạt động vì quyền lợi người lao động cáo buộc về hành vi “ngược đãi”. Keegan Elmer, nhà nghiên cứu về quyền lao động tại tổ chức phi chính phủ China Labour Bulletin ở Hồng Kông cho hay thực trạng trên là điều thường thấy ở Foxconn.
Ông Terry Gou Tai-ming, Chủ tịch Tập đoàn Foxconn.
Trước áp lực của những cuộc điều tra, tỷ phú xứ Đài ông Terry Gou Tai-ming, Chủ tịch Tập đoàn Foxconn, đã quyết định tăng lương, giảm giờ làm xuống còn 40 giờ/tuần cho công nhân, đồng thời tăng cường kiểm tra và bảo dưỡng thiết bị hỗ trợ làm việc, chi trả thêm phí bảo hiểm thất nghiệp cho công nhân nhập cư.
Nhiều công nhân cho hay sau đó họ chỉ phải làm việc 8 tiếng/ngày, từ 7h30 sáng đến 16h30 mỗi ngày. Họ được trả 15 tệ cho mỗi tiếng làm thêm và ca đêm, đồng thời được nhận lương gấp đôi nếu làm vào cuối tuần.
Tuy nhiên, nhiều công nhân cho hay họ cảm thấy không có khả năng chịu đựng một công việc lặp đi lặp lại hàng ngày mà ít có hy vọng được thăng chức trong tương lai.
“Nếu tôi tiếp tục làm ở đây thì sẽ không tích lũy được những kỹ năng mới. Khi về già, tôi sẽ chẳng biết làm thế nào để kiếm sống”, cậu công nhân Xin nói.
Trong khi đó, Niu, 22 tuổi, một sinh viên từng theo học ngành nông nghiệp tại một trường đại học hiện đang làm lắp ráp tại Trịnh Châu, cũng có suy nghĩ tương tự: “Tôi mở một cửa hàng bán điện thoại hoặc quần áo vào năm tới. Điều tôi muốn là sở hữu chiếc xe hơi, một căn nhà và không phải lo về vấn đề tiền bạc”.
Canh bạc iPhone X: Rủi ro càng cao, thành công càng lớn
Sau khi chính thức lên kệ, không có dấu hiệu nguồn cung hay nhu cầu iPhone X thấp, đồng nghĩa việc có hàng triệu người ... |
Những mẹo hay người dùng iPhone X cần biết
Để khởi động máy, xem phần trăm pin, tắt báo thức đối với iPhone X, người dùng cần thực hiện theo những cách thức sau. |