Bi kịch từ tai nạn lao động

Chỉ một phút bất cẩn, lơ là hay sự cố xảy ra ngoài ý muốn đã khiến nhiều người bị tai nạn lao động mang thương tật suốt đời, gây thiệt hại lớn cho gia đình và xã hội

Nằm sâu trong con hẻm nhỏ ở phường Nhơn Phú, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, căn phòng trọ rộng chưa đến 10 m2 là nơi trú ngụ của gia đình bà Nguyễn Thị Loan cùng người con trai tàn tật Trịnh Công Hữu (25 tuổi) và một người con gái.

Một giây bất cẩn

Để đối phó cái nóng oi bức trong căn phòng chật chội, anh Hữu luôn mặc mỗi chiếc quần đùi để lộ chiếc chân cụt và chi chít vết sẹo từ cổ xuống chân. Trước đây, bà Loan cũng có một căn nhà nhỏ ở phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn. Thế nhưng, bi kịch ập xuống gia đình bà sau khi anh Hữu bị thương nặng trong một vụ tai nạn lao động.

Hữu kể khoảng 9 giờ ngày 6-10-2016, anh cùng 2 đồng nghiệp lắp đặt bảng hiệu trên đường Ngô Mây, TP Quy Nhơn cho một công ty quảng cáo. Khi một người trong nhóm kéo thang sắt đến gần lưới điện trung thế 22 KV chạy trước căn nhà thì bất ngờ bị phóng điện khiến cả 3 bị bỏng nặng. Trong đó, anh Hữu bị bỏng độ 4-5, phải cắt bỏ một chân; 2 người còn lại bị bỏng độ 3, độ 4.

bi kich tu tai nan lao dong

Anh Trịnh Công Hữu bị tàn phế sau vụ tai nạn lao động

"Chưa có kinh nghiệm nhiều, lại bất cẩn nữa nên chúng tôi đã gây ra vụ tai nạn đáng tiếc. Do chúng tôi hoạt động theo nhóm tự do chứ không phải làm trong công ty nên sau khi xảy ra tai nạn, gia đình phải tự lo chi phí điều trị. Giờ thấy mẹ và em phải làm thuê để nuôi mình, tôi chỉ biết ứa nước mắt" - anh Hữu thở dài.

Không có tiền, bà Loan phải bán căn nhà duy nhất đang ở rồi chạy vạy khắp nơi chữa trị cho con trai. Sau đó, gia đình bà phải thuê căn phòng trọ chật hẹp để sinh sống.

"Sau khi ở bệnh viện về, Hữu suốt ngày nằm trên giường, không thể làm được gì. Ngay cả chuyện vệ sinh cá nhân, nhiều lúc Hữu còn nhờ đến mẹ và em. Tai nạn xảy ra đã lâu nhưng nhiều đêm nhìn con bị tàn tật như vậy, tôi không thể nào chợp mắt được" - bà Loan nghẹn ngào.

Theo ông Phan Đăng Minh - Khu vực trưởng khu vực 2, phường Nhơn Bình - dù bán nhà chuyển sang phường Nhơn Phú bên cạnh thuê phòng trọ ở nhưng hộ khẩu gia đình bà Loan vẫn còn ở địa phương.

"Trước đây, khi còn khỏe mạnh, Trịnh Công Hữu là thanh niên hiền lành, chịu thương chịu khó và là lao động chính của gia đình. Tuy nhiên, sau khi Hữu bị tai nạn lao động, mẹ và em phải đi làm thuê để nuôi cậu ấy. Thấy hoàn cảnh gia đình bà Loan như vậy, nhiều người hàng xóm thường xuyên giúp đỡ. Riêng chính quyền địa phương đang xúc tiến các thủ tục để có chế độ bảo trợ cho Hữu" - ông Minh cho biết.

Gánh nặng cho người thân

Tuy không tàn phế nặng như Hữu nhưng hoàn cảnh của 1 trong 2 đồng nghiệp của anh là Nguyễn Hoàng Viên (30 tuổi, ngụ phường Nhơn Phú) cũng éo le không kém. Từ một thanh niên khỏe mạnh, trụ cột gia đình, giờ anh Viên trở thành người ốm yếu, không tự nuôi nổi bản thân.

Trước khi bị tai nạn, anh Viên có thâm niên 10 năm làm nghề lắp đặt bảng quảng cáo. "Chúng tôi làm nghề dựa vào kinh nghiệm mình học được từ thực tế chứ không qua đào tạo trường lớp. Đợt ấy, nhóm chúng tôi mới chỉ đưa thang sắt đến vị trí lắp đặt bảng hiệu, cách đường dây điện khoảng 1,5 m thì bất ngờ bị phóng điện, dẫn đến tai nạn. Sau khi bị tai nạn, tôi tưởng như không thể sống nổi bởi những cơn đau hành hạ kéo dài nhiều tháng liền" - anh Viên bộc bạch.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Dung, mẹ của Viên, rầu rĩ cho biết tai nạn đã xảy ra gần 2 năm nhưng đến giờ, đôi tay anh vẫn không thể hoạt động bình thường được. Mọi sinh hoạt cá nhân như ăn uống, thay quần áo..., anh đều phải nhờ người thân.

"Nhà vốn neo đơn nên khó khăn chồng chất khó khăn. Kể từ lúc Viên bị tai nạn, vợ chồng đứa em gái dọn về ở chung để phụ mẹ chăm sóc anh trai và 2 con của Viên" - bà Dung than thở.

Trong khi đó, dù may mắn giữ được tính mạng nhưng cú ngã khi đang làm thợ xây cách đây vài năm khiến ông Trần Ngọc Cưng (52 tuổi; ngụ xã Ân Đức, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định) phải nằm liệt giường từ mấy năm qua. Mọi sinh hoạt của ông đều phải nhờ vào người thân.

Sau khi ông Cưng gặp nạn, cô con gái đầu của ông phải bỏ việc làm tại tỉnh Đồng Nai để về quê phụ mẹ chăm sóc cha, làm việc nhà và chăn nuôi. "Cứ vài bữa, mẹ con tôi lại phải tất bật đưa ông ấy đến bệnh viện khám và chữa trị vì khó thở. Giờ nhìn thấy chồng nằm liệt, khó khăn với miếng ăn, tôi không thể nào chịu nổi" - bà Trần Thị Mai, vợ ông Cưng, buồn bã.

Bình Định: 1 năm, 15 người thiệt mạng

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Định, trong năm 2017, trên địa bàn tỉnh xảy ra 69 vụ tai nạn lao động khiến 15 người thiệt mạng, hàng chục người bị thương nặng. Nguyên nhân chủ yếu là do người sử dụng lao động không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn; thiết bị không bảo đảm an toàn; người lao động chưa được huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động; không trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân... So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn lao động ở tỉnh trong năm qua đã giảm khoảng một nửa nhưng vẫn còn ở mức cao.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Định, cho biết trong thời gian tới, địa phương sẽ tăng cường tuyên truyền về các quy định bảo hộ lao động đến các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh và người lao động; thúc đẩy doanh nghiệp triển khai các chương trình hành động cụ thể, kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại, xây dựng văn hóa an toàn tại nơi làm việc. Ngoài ra, sở cũng sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra việc thực thi pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động tại các doanh nghiệp, đơn vị trên địa bàn.

Kỳ tới: Dai dẳng nỗi đau

Bài và ảnh: Đức Anh

bi kich tu tai nan lao dong TP HCM: Đứt cáp rạng sáng khiến bảo vệ chết tại chỗ

Khi phễu sắt chứa đầy xi măng đang được nâng lên thì cáp bị đứt khiến một bảo vệ tử vong tại chỗ.

bi kich tu tai nan lao dong Sập mỏ đá ở Hà Nội, 1 người thiệt mạng

Một vụ tai nạn lao động đáng tiếc vừa xảy ra tại mỏ khai thác đá làm một người thiệt mạng.

bi kich tu tai nan lao dong Bất cẩn ép cọc, một công nhân chết thảm

Trong lúc thi công ép cọc nhồi cho công trình công ty bảo hiểm, một công nhân của công ty Minh Tâm đã bị tử ...

/ https://nld.com.vn