BI KỊCH SAU TAI NẠN LAO ĐỘNG (*): Gian nan đòi quyền lợi

Doanh nghiệp bạc bẽo, người lao động thì kiến thức về pháp luật lao động hạn chế khiến việc đòi bồi thường thiệt hại sau tai nạn lao động gặp nhiều khó khăn, vướng mắc

Từng tham gia nhiều vụ kiện đòi quyền lợi cho người lao động, chia sẻ câu chuyện của mình, ông Nguyễn Hữu Trí - Phó Chủ tịch LĐLĐ huyện Bình Chánh, TP HCM - cho biết đằng sau mỗi vụ kiện đều là một chặng đường gian nan cùng nhiều trăn trở.

Một mảnh giấy bằng cả chồng hồ sơ

"Nhiều người lao động ở nông thôn vào thành phố, trình độ không cao, có việc làm là mừng, không thì trông chờ cả vào chủ. Chủ tốt bụng thì họ được nhờ, không thì chịu. Lắm lúc khi tai nạn lao động (TNLĐ) xảy ra, thay vì trình báo, đòi quyền lợi, người lao động lại mặc cảm tự ti cái số mình nó vậy, năm hạn, tam tai… rồi ngậm ngùi chịu đựng, lui về quê" - ông Trí kể.

bi kich sau tai nan lao dong gian nan doi quyen loi

Ông Nguyễn Hữu Trí mang nhiều trăn trở trong quá trình đi đòi quyền lợi cho người bị TNLĐ

Vụ kiện đáng nhớ nhất với ông Trí là một vụ TNLĐ chết người 5 năm trước. Khi xảy ra vụ việc, chủ công ty sốt sắng lo tiền đám tang, hỗ trợ thêm gần 100 triệu đồng. Gia đình cảm kích ký giấy bãi nại, vụ việc cứ vậy mà chìm luôn. Đến một ngày, vợ nạn nhân tình cờ đi cùng một người bạn đến gặp ông Trí nhờ tư vấn một việc khác, khi đề cập lại chuyện cũ mới vỡ lẽ là với tai nạn chết người như vậy thì mức bồi thường của doanh nghiệp phải lớn hơn rất nhiều.

Lúc này, vợ nạn nhân mới làm đơn ủy quyền cho ông Trí khởi kiện trở lại đòi bồi thường TNLĐ. Vụ kiện gian nan kéo dài gần 3 năm trời. Khi gặp nhau trong phiên tòa, doanh nghiệp lúc này mới thể hiện rằng họ không hoàn toàn tốt đẹp. Một mặt họ chối bỏ việc người lao động đã làm việc lâu năm cho công ty mà chỉ làm công nhật, bữa làm bữa nghỉ, bồi thường thế đã quá hảo tâm.

"Đến khi người vợ may mắn lục tìm được vài phiếu lương chứng tỏ chồng bà làm việc liên tục thì doanh nghiệp lại giãy nãy lên rằng đã bãi nại rồi sao giờ "lật kèo"? Nhưng kết quả điều tra TNLĐ cho thấy nguyên nhân do lỗi hỗn hợp của cả người lao động lẫn của chủ. Quan trọng hơn, kết quả này có sau ngày ký bãi nại. Lúc này, rõ ràng chủ doanh nghiệp biết trước phí tổn phải chi trả theo quy định là khá lớn nên đã đi tắt, lợi dụng gia đình nạn nhân thiếu hiểu biết để giảm thiểu thiệt hại. Kết quả, người vợ thắng kiện, mang về mức đền bù gấp đôi số tiền doanh nghiệp đã lo ban đầu" - ông Trí nhớ lại.

Trong những vụ kiện, điều khó khăn hơn cả là phần nhiều người lao động thường làm việc cho các chủ doanh nghiệp mà không giấy tờ hay giao kèo gì rõ ràng. Nhiều người ở nông thôn, gặp lúc rỗi rãi vào thành phố tìm việc làm tạm qua ngày không may tai nạn. Nếu gặp chủ nhẫn tâm thì chối hẳn trách nhiệm. Việc đòi quyền lợi là vô cùng khó khăn.

Trong một TNLĐ mà ông Trí nhận ủy quyền của người lao động cách đây vài năm, người đó bị tai nạn mất bàn tay. Không có giấy tờ gì lận lưng, khi chủ chối phăng, người lao động chẳng biết thế nào mà đòi bồi thường. Vụ việc gần như vô vọng thì tình cờ trong một lần phối hợp cùng cơ quan quản lý lao động tại địa phương kiểm tra thường kỳ, ông Trí phát hiện một mảnh giấy nhỏ xíu xé vội có ghi số tiền, tên nạn nhân và chữ ký nằm lọt thỏm trong một chồng sổ sách.

"Tờ giấy có chút xíu, không để ý suýt nữa thì bỏ qua, vậy mà trưng ra trước tòa thì công ty chịu thua. Kinh nghiệm theo đuổi những vụ kiện lao động nhiều khi một mảnh giấy chút xíu bằng cả chồng hồ sơ, cũng như cả chồng hồ sơ mà không có vài ba mảnh giấy thì cũng vô dụng" - ông Trí đúc kết.

"Công nhân mình khổ quá!"

Theo ông Trí, TNLĐ không chừa một ai, thời điểm nào. Có cả trường hợp đang chờ nhận việc, nhân lúc rảnh rỗi người lao động theo bạn vào xưởng của bạn làm vài ngày cho đỡ buồn. Cũng chỉ trong mấy ngày đó mà tai nạn xảy ra làm cụt luôn hết cả 4 ngón tay.

Tuy nhiên, điều trăn trở nhất lại nằm ở chỗ người lao động phần nhiều với vốn kiến thức hạn chế không biết mình được quyền lợi gì và đến đâu nên buông bỏ sau khi xảy ra sự cố. Thậm chí, khi được chủ bồi thường cho vài triệu đồng thuốc men, tiền về quê rồi quay lại mang ơn chủ.

"Họ không biết rằng đó là trách nhiệm đương nhiên của người sử dụng lao động. Nếu lỗi ở chủ thì phải bồi thường 100%, còn ngay như lỗi của chính người lao động thì chủ cũng phải chi trả 40%". Đó là chưa kể những lần phải tái khám xem vết thương đã ổn chưa, phát sinh biến chứng thế nào, tỉ lệ thương tật đến đâu? Đôi khi người lao động không hiểu được mình vừa đánh mất cái gì, thiệt hại về lâu dài như thế nào. Thậm chí, có lần một người ở quê lên TP HCM làm việc, tai nạn đứt cả ngón tay mà chỉ đòi 2 triệu đồng và cho nghỉ buổi chiều. Tưởng đi bệnh viện, không ngờ ảnh kiếm mấy lá thuốc dân gian bó lại là xong!" - ông Trí nói.

Ngay câu chuyên về tai nạn chết người ở trên, kỷ niệm không vui đọng lại của ông Trí là khi tai nạn xảy ra, chính người cậu ruột và cháu ruột làm cùng nạn nhân, bế nạn nhân trên tay khi qua đời, đến lúc cần làm chứng lại e ngại mất việc. Hiểu được cái khó của người làm chứng, ông Trí hỏi thăm, bảo đảm một chỗ làm mới gần đó với thu nhập tương đương nhưng hai cậu cháu vẫn không dám làm chứng.

Bên cạnh đó, có một thực tế hiện nay là lao động còn manh mún, trình độ không cao, lại thêm cái cảnh làm việc tạm bợ, gián đoạn theo mùa màng ở quê thì khó mà chuyên nghiệp được. Lỗi vì vậy mà nằm ngay chính người lao động là khá lớn. Việc tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức hết sức khó khăn.

"Nhưng nói đi cũng phải nói lại, công nhân mình khổ quá, loay hoay tăng ca cũng chưa đủ sống làm sao kêu gọi họ học tập nâng cao trình độ, nhận thức, kỹ năng được" - ông Trí ngậm ngùi.

Nhưng công việc đổi lại cho ông Trí những niềm vui nhỏ trên chặng đường đi. "Khi xong việc, người ta cảm ơn mình bằng một tấm lòng trân trọng vì họ thật sự khổ. Tấm lòng đó có gì đong đếm được đâu" - ông Trí chia sẻ.

42% lỗi do người lao động

Thống kê các vụ TNLĐ tại TP HCM năm 2017 cho thấy chiếm 42% là lỗi xuất phát từ người lao động, chủ yếu do vi phạm quy trình an toàn và không sử dụng thiết bị an toàn. Khoảng 13% trường hợp lỗi do người sử dụng lao động chủ yếu do không có thiết bị và quy trình an toàn và điều kiện làm việc không tốt. Bên cạnh đó, có 39% trường hợp tai nạn có nguyên nhân khách quan.

Thiệt hại do TNLĐ thống kê năm 2017 là hơn 18,8 tỉ đồng, trong đó chi phí bồi thường, trợ cấp là hơn 10 tỉ đồng và hơn 26.000 ngày nghỉ do TNLĐ.

bi kich sau tai nan lao dong gian nan doi quyen loi Lâm Đồng: Tường nhà sập khi đang tháo dỡ, 3 công nhân bị vùi lấp

Nhóm công nhân khoảng 10 người đang thi công tháo dỡ căn nhà cũ, bất ngờ bức tường nhà đổ sập, khiến 3 công nhân ...

bi kich sau tai nan lao dong gian nan doi quyen loi Bi kịch từ tai nạn lao động: Dai dẳng nỗi đau

Nhiều chủ sử dụng lao động không ký hợp đồng, đóng bảo hiểm cho người lao động nên khi có sự cố xảy ra thì ...

bi kich sau tai nan lao dong gian nan doi quyen loi Bi kịch từ tai nạn lao động

Chỉ một phút bất cẩn, lơ là hay sự cố xảy ra ngoài ý muốn đã khiến nhiều người bị tai nạn lao động mang ...

Bài và ảnh: BẠCH ĐẰNG

/ https://nld.com.vn