Mùng một Tết vui vẻ, nhưng Phiêu Vy Tử lại tự tử bằng cách uống hàng chục viên thuốc ngủ, vì cô không thể nổi tiếng như ý muốn.
Sau khi tốt nghiệp cấp 3, Phiêu Vy Tử (Trung Quốc) mơ ước trở thành một diễn viên nổi tiếng như Chương Tử Di. Năm 2001, cô thi trượt vào trường Điện ảnh Bắc Kinh. Năm 2002, cô kết hôn với một công chức bình thường, hai năm sau thì sinh con gái.
Năm 2006, giấc mơ trở thành diễn viên bỗng trỗi dậy, Phiêu Vy Tử rời bỏ gia đình đến Bắc Kinh. "Tôi nhất định sẽ trở thành một diễn viên nổi tiếng", cô nói với chồng.
Ảnh: i0.wp. |
Trong những năm tiếp theo, bố mẹ và chồng đều khuyên Vy Tử quay trở về. Nhưng cô rất kiên quyết "không thành công thì quyết không trở về". Năm 2010, cô và chồng ly hôn.
Trong 7 năm tiếp theo, mặc dù cũng nhận được một vài vai phụ nhưng cái tên Phiêu Vy Tử vẫn chưa được nhiều người biết tới. Không chấp nhận thất bại của mình nên vào ngày đầu tiên của Tết Nguyên đán năm 2018, cô đã kết thúc cuộc đời bằng những viên thuốc ngủ.
Trước khi tự sát, Vy Tử để lại cho bố mẹ dòng tin tuyệt mệnh: "Con xin lỗi bố mẹ, con là một đứa con bất hiếu. Con không thể phụng dưỡng bố mẹ được rồi".
Người phụ nữ này chết vì không chấp nhận sự thất bại của mình.
Gần đây, nhiều tờ báo Trung Quốc đưa tin: Có 2 vợ chồng nhà nọ vì muốn con trai duy nhất được học tại một ngôi trường cấp 3 nổi tiếng ở Bắc Kinh nên đã đi vay mượn nhiều nơi để mua căn hộ gần trường, với mong muốn con có được điều kiện tốt nhất. Cậu bé này không phụ lòng bố mẹ, sau khi học hết cấp 3, cậu thi được vào một trường đại học danh tiếng, bố mẹ vui mừng khôn xiết.
Thế nhưng khi học hết năm thứ nhất đại học, cậu tự ý bỏ học rồi về nói với bố mẹ: "Con không thích học đại học nữa. Con muốn thành lập một ban nhạc. Đó là ước mơ của con". Mặc cho bố mẹ phản đối nhưng chàng trai này quyết tâm thực hiện đam mê của mình.
Người mẹ đã khóc hết nước mắt, bà nghĩ: Như vậy 20 năm qua, bao nhiêu cố gắng, vất vả của hai vợ chồng để mong con có được tấm bằng đại học đã không trở thành hiện thực. "Con trai tôi sẽ chẳng thể có một tương lai xán lạn nếu không có tấm bằng". Trong lúc nghĩ quẩn, bà mẹ đã nhảy từ tầng 23 tự sát.
Người mẹ này chết vì không thể chấp nhận con trai không thành công.
Nhiều bạn trẻ ngày nay phàn nàn rằng, họ có những ông bố bà mẹ đáng thất vọng. Đây là câu chuyện của hàng xóm một nhà văn nổi tiếng của Trung Quốc.
"Gia đình này sống ở căn hộ phía trên nhà tôi. Họ có một đứa con trai cũng đã ngoài 20 tuổi. Khi ông nội đến chơi, chàng trai này trách móc: Những năm tuổi trẻ ông làm gì, tại sao không tham gia vào quân đội. Nếu ông là sĩ quan thì gia đình ta có nghèo như thế này không?
Khi bố từ quê lên thăm, chàng trai này trách móc: Những năm tuổi trẻ sao bố không khởi nghiệp. Nếu bố khởi nghiệp những năm ít cạnh tranh đó thì gia đình ta có nghèo như thế này không?".
Chàng trai này đã không thể chấp nhận bố mẹ, ông bà không thành công
Rất nhiều người coi những điều bình thường trong cuộc sống là kẻ thù: Đó có thể là sự không thành công của bản thân; Sự không thành công của con cái; hoặc sự không thành công của bố mẹ.
Nhà văn Lương Hiểu Thanh khi đến diễn thuyết tại một trường đại học đã ngạc nhiên trước câu nói của một sinh viên trong trường "Chậm nhất là đến 35 tuổi, nếu tôi không thành công, tôi sẽ tự sát".
Được hỏi tại sao, chàng sinh viên trả lời "Sống trên đời này chúng ta không nên bình thường. Chúng ta phải có địa vị xã hội, có nhiều tiền hoặc ít ra có quyền lực thì mới đáng sống".
Sau đó nhà văn họ Lương tiếp chuyện một người bạn đến từ Mỹ, người này đặt câu hỏi: "Tôi tiếp xúc với nhiều người Trung Quốc, họ đều có tâm lý đang sợ một thứ gì đó. Ông có biết không?". "Họ sợ sự bình thường", Lương Hiểu Thanh đáp.
Người bạn Mỹ mới trả lời: "Các bạn thật lạ, đa số người Mỹ chúng tôi đều mong có được một cuộc sống bình thường với những con người bình thường".
Những bức tranh của danh họa Picasso, rất ít người cảm thụ được cái hay cái đẹp. Có người từng hỏi danh họa rằng sao ông không vẽ người giống như người, vẽ thế giới giống như thế giới mà chúng ta đang nhìn thấy.
Picasso trả lời: "Năm 10 tuổi tôi có thể vẽ được những bức tranh giống như ảnh chụp. Nhưng đến năm 40 tuổi mới có thể vẽ những thứ mà nhiều người xem không hiểu được".
Ảnh: istock. |
Vì sao lại nhắc tới câu chuyện này, bởi vì nhiều mục tiêu trong cuộc sống không thể đạt được nếu chỉ có sự chăm chỉ.
Đại đa số những người vẽ tranh chỉ có thể thực hiện được những gì Picasso làm được năm 10 tuổi. Còn để trở thành danh họa nổi tiếng như ông thì chỉ đếm trên đầu ngón tay mà thôi.Từ nhỏ, câu hỏi mà trẻ con hay nhận được là: "Ước mơ sau này của con là làm gì?" Rất nhiều câu trả lời được đưa ra: "Con muốn trở thành doanh nhân thành đạt... Con muốn trở thành một ngôi sao nổi tiếng...".
Và nếu như ở thời điểm đó, ước mơ của bạn là "Con muốn trở thành một người bình thường", thì điều nhận lại được chỉ là những cái bĩu môi, lắc đầu thể hiện thái độ chê bai của người lớn.
Một độc giả đã kể câu chuyện của mình như sau: "Hồi nhỏ một lần ông nội hỏi tôi muốn làm gì sau này. Tôi trả lời: Bà nội trợ. Ngay lập tức một cuộc họp gia đình được triệu tập để ông bà bố mẹ 'chỉnh đốn' lại tư tưởng tầm thường của tôi. Hồi đó tôi nghĩ mình đã làm gì sai mà bị như vậy. Nhưng khi lớn lên, tôi đã làm đúng như thế với con gái của mình".
Từ nhỏ tới lớn, chúng ta đều được giáo dục để trở thành những "con rồng, con phượng". Vì thế có nhiều người rất kỳ vọng vào bản thân mình. Nhưng một khi không thành công thì kỳ vọng đó lại được dồn lên vai con cái hoặc bố mẹ.
Trong cuộc sống, chúng ta quên mất một điều rằng: con người sinh ra, xác suất rất lớn là trở thành người bình thường.
Theo một thống kê thì 90% con người trên trái đất là người bình thường, 9% là những người có chút thành tích và chỉ có 1% còn lại có thể làm nên thành công lớn.
Như vậy, đại đa số mọi người là người bình thường. Chúng ta làm việc chăm chỉ rồi cũng trở thành người bình thường. Giống như một học giả nổi tiếng đã nói: "Một người sinh ra đã nghĩ mình là trung tâm của thế giới. Khi anh ta hiểu rằng mình sai thì anh ta trưởng thành. Sự trưởng thành ở đây có thể hiểu rằng: Anh ta đã chấp nhận mình bình thường. Chấp nhận sự hạn chế và sự nhỏ bé của mình trước một thế giới vĩ đại".
Có lẽ điều quan trọng nhất của "anh ta" cũng như nhiều người trong cuộc sống này là chấp nhận sự bình thường của mình như một lẽ tất yếu của cuộc sống.
Vì thế có thể nói, đời người có 3 lần được trưởng thành:
- Một là phát hiện bản thân mình không phải trung tâm của thế giới.
- Hai là phát hiện sau rất nhiều lần nỗ lực ta vẫn chưa có được thành công.
- Ba là chấp nhận ta là người bình thường và tận hưởng sự bình thường đó.
Chấp nhận sự bình thường quan trọng hơn là vượt qua nó.
Châu Quốc Bình - một học giả có tiếng trong giới triết học tại Trung Quốc, từng chia sẻ:
"Ước mơ từ nhỏ của cha tôi là trở thành một nghệ sĩ piano. Sau rất nhiều nỗ lực nhưng ông không thành công. Một ngày tôi hỏi cha: 'Cha có hối hận và đau khổ khi giấc mơ của mình không trở thành hiện thực?'. Cha tôi mỉm cười: 'Lúc đầu cha cũng rất đau khổ nhưng sau đó lại cảm thấy nhẹ nhõm. Cha đã làm việc rất chăm chỉ nhưng không đạt được thành công. Cha đã chấp nhận sự bình thường của mình và sống một cuộc đời an yên'.
Sau đó cha nói thêm: 'Thừa nhận sự bình thường của bản thân mình để lập lại kế hoạch hợp lý cho tương lai, đó mới là giá trị của cuộc sống'.
Tôi hiểu sau khi cha chấp nhận 'là một người bình thường', cuộc sống của ông cũng thay đổi. Cha không còn ước mơ với cây đàn piano nữa mà làm việc hết sức với công việc hiện tại. Ông đã chăm sóc gia đình, vợ con rất tốt. Ông có thời gian nhiều hơn để quan tâm tới ông bà tôi - những người đã gần đất xa trời. Mặc dù ông là một người bình thường, nhưng với tôi ông là một người cha tuyệt vời".
Kết thúc câu chuyện của mình, ông Châu kể: "Cha tôi thường nói rằng: Đừng trở thành kẻ thù của những đứa trẻ bình thường. Đừng trở thành kẻ thù của những cha mẹ bình thường. Nếu bạn không thể trở thành nhà thơ thì bạn vẫn có thể làm thơ như một người bình thường khác".
Vy Trang (theo shu)
Bi kịch tình ái, nghiện ngập giữa đại dương tiền của siêu mẫu 'sát tỷ phú'
Seymour - siêu mẫu thế hệ vàng, không cam chịu làm bà nội trợ giữa 3 tỷ đô la. |
Bi kịch của các cậu bé trong lò đào tạo thiên tài Trung Quốc
13 tuổi vào đại học, 19 tuổi làm giảng viên, nhưng ở tuổi 38, Ning Bo bỗng trở thành... sư thầy và quay lại phê ... |