Nữ bệnh nhân 32 tuổi (Bắc Giang) bị bệnh dại nhập viện, bác sĩ chỉ có thể giúp cô giảm đau chứ không cứu được mạng sống.
Gia đình bệnh nhân làm nghề thịt chó. Hôm ấy người phụ nữ vào chuồng bắt chó không may bị một con cắn vào chân. Con chó này sau đó bị thịt, người phụ nữ cũng không tiêm phòng bệnh dại. 40 ngày sau thì cô bắt đầu lên cơn dại với những biểu hiện sợ nước, sợ gió, dễ bị kích thích, tăng tiết nước bọt…
Bệnh nhân được bệnh viện tuyến dưới chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) ngày 4/3. Tuy nhiên, bác sĩ chỉ có thể giúp bệnh nhân bớt đau đớn, lo lắng, bồn chồn; bố trí nằm ở phòng ít ánh sáng nhất, ít tiếng động nhất để giảm thiểu những tác động đến người bệnh.
Tối 5/3, gia đình xin cho bệnh nhân ra viện. Tất cả đều hiểu rằng một khi bệnh nhân đã lên cơn dại thì điều chờ đợi chỉ là cái chết.
Trong tháng 1, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng tiếp nhận hai bệnh nhân mắc dại. Trong đó một người 60 tuổi ở Nghệ An bị chó cắn ở tay, sau 5 ngày điều trị gia đình cũng xin về nhà chờ chết. Bệnh nhân còn lại 44 tuổi ngụ Tuyên Quang, bị chó cắn vào bàn tay phải. Các bệnh nhân này đều không tiêm phòng bệnh dại sau khi bị chó cắn.
“Điều đáng tiếc là họ hoàn toàn có thể tránh được cái chết bằng cách tiêm văcxin khi bị chó cắn”, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết.
Theo bác sĩ Cấp, chó bị dại sẽ có những sự thay đổi trong hành vi thông thường của nó như cắm đầu cắm cổ chạy không có nguyên nhân, chui rúc vào chỗ tối, hoảng sợ, né tránh, cắn khi không bị trêu chọc, tiết nhiều nước bọt hoặc sùi bọt mép, vì đói nên con vật có thể nhai mọi thứ, nhiều con bị liệt hai chân nên đi vòng tròn… Người bị chó cắn nên đến cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị dự phòng. Hiện văcxin phòng dại thế hệ mới gần như không gây tác dụng phụ nghiêm trọng, người dân có thể yên tâm.
Dại là bệnh lây từ động vật sang người. Bệnh hoàn toàn có thể phòng tránh được. Người bị chó dại cắn mà được tiêm phòng đúng phác đồ thì tránh được tử vong. Khi bệnh dại khởi phát, có nghĩa cơ hội sống của bệnh nhân đã khép lại vì không có thuốc chữa và tử vong rất nhanh.
Bệnh dại xảy ra vào tất cả các tháng trong năm tại nước ta, nhưng thường gia tăng vào mùa hè.
Thời gian ủ bệnh kéo dài, sớm nhất là nửa tháng, đa số vài ba tháng, có người đến vài năm. Thời gian phát bệnh phụ thuộc vào vị trí bị chó cắn, càng gần thần kinh trung ương càng phát bệnh nhanh. Vì thế, những người bị chó cắn ở vùng đầu mặt cổ thì cần tiêm huyết thanh kháng dại càng sớm càng tốt trong vòng 12h sau khi bị cắn.
Trường hợp biết chính xác con chó bị dại, ốm hoặc chó cắn xong một ngày thì chết, bạn thuộc nhóm nguy cơ cao cần tiêm huyết thanh trước, sau đó tiêm văcxin phòng dại. Tiêm huyết thanh là đưa một lượng kháng thể sẵn có vào cơ thể để trung hòa virus dại, còn văcxin nhằm củng cố miễn dịch lâu dài về sau.
Khi bị súc vật dại hoặc nghi dại cắn, nạn nhân phải rửa ngay vết thương bằng nước xà phòng hay nước muối hòa đặc, dội nước sạch nhiều lần, bôi chất sát khuẩn như cồn... Xử lý tại chỗ vết thương càng sớm thì tác dụng sát khuẩn, phòng virus dại càng hiệu quả. Sau đó, nạn nhân phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị dự phòng.
Gia đình nuôi chó, mèo thì nhất thiết phải tiêm phòng dại định kỳ. Những người có nguy cơ cao mắc bệnh như cán bộ làm công tác thú y, kiểm lâm, chế biến thực phẩm, trẻ dưới 15 tuổi thường rong chơi và hay tiếp xúc gần gũi với chó mèo... nên tiêm văcxin phòng bệnh dại.
Thực hư cháu bé phát bệnh dại, kêu "ăng ẳng" sau khi bị chó cắn
Ngày 28.2, video và hình ảnh về một bé trai được cho là phát bệnh dại sau khi bị chó cắn nhưng sợ không dám ... |
Khuôn mặt bé gái mất mảng thịt lớn sau khi bị chó cắn
Để cải thiện khuôn mặt cho bệnh nhân, bác sĩ phải dùng vạt da ở vùng cổ bao gồm mạch máu nuôi da đắp lên ... |