Bị bệnh tim nên \'yêu\' thế nào?

Tình dục mang lại lợi ích không nhỏ cho mỗi người, tuy nhiên với người bị bệnh tim mạch thì không hẳn vậy.
 

Tình dục không chỉ là việc giao hợp đơn thuần, mà là hoạt động liên quan trực tiếp đến nhịp tim và huyết áp. Đối với những người mắc bệnh tim mạch và huyết áp, hoạt động tình dục cần được quan tâm chú ý và có chế độ sinh hoạt khác với người bình thường.

Tuy nhiên trong thực tế, vấn đề này rất ít được các bác sĩ tim mạch đề cập và tư vấn cho người bệnh vì tính chất nhạy cảm của nó.

Theo PGS TS BS Trương Quang Bình – Phó Giám đốc kiêm Giám đốc Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, đa phần người bệnh tim mạch rất ngại ngùng, xấu hổ khi bản thân gặp trục trặc về sinh hoạt tình dục, nên không thường chủ động đến thăm khám tại các cơ sở y tế có chuyên môn.

Người bệnh sẽ tìm cách giấu giếm các vấn đề tim mạch của mình và cố gắng duy trì sinh hoạt tình dục với chế độ giống người khỏe mạnh, hoặc người bệnh lo sợ sinh hoạt tình dục sẽ khiến tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn, dẫn tới việc “kiêng cử” quá mức.

Đây là những quan niệm sai lầm vì người bệnh tim mạch hoàn toàn có thể sinh hoạt tình dục, nhưng cần có chế độ phù hợp với tình trạng sức khỏe của bản thân để không gây ra những biến cố tim mạch.

Hoạt động tình dục đúng mức, phù hợp không những giúp duy trì chất lượng cuộc sống và tinh thần tích cực đối với người bệnh, mà còn giúp bảo vệ hạnh phúc gia đình và đem lại những lợi ích khác cho sức khỏe.

Dựa trên những khảo sát, nghiên cứu khoa học về hoạt động tình dục trên người bệnh tim mạch, năm 2015, một nhóm các giáo sư, bác sĩ người Canada đã tạo ra mô hình KiTOMI giúp các bác sĩ tim mạch có thể đo lường, xếp loại các mức độ nguy cơ biến cố theo tình trạng sức khỏe của người bệnh từ đó đưa ra những tư vấn chuyên môn, cũng như chế độ sinh hoạt tình dục phù hợp với từng đối tượng.

Mô hình KiTOMI tóm tắt quá trình sinh hoạt tình dục bình thường của con người bao gồm các hoạt động theo thứ tự tăng dần về mức độ như hôn (Kissing – Ki), vuốt ve âu yếm (Touching – T), quan hệ tình dục bằng miệng (Oral Sex – O), thủ dâm (M – Masturbation) và giao hợp (Intercourse – I).

Bên cạnh đó, dựa trên kết quả thăm khám và xét nghiệm cận lâm sàng, các bác sĩ chuyên khoa sẽ xếp loại người bệnh vào ba nhóm nguy cơ biến cố tim mạch:

- Nhóm nguy cơ cao: Người có bệnh lý tim mạch không ổn định, người bị suy tim mức độ 3 trở lên với những biểu hiện khó thở, đau ngực dù không gắng sức hoặc gắng sức nhẹ.

- Nhóm nguy cơ trung bình: Người bị bệnh tim mức độ 2, có những triệu chứng đau ngực, khó thở khi có những hoạt động gắng sức vừa phải như đi lên 1, 2 tầng lầu.

Người bị bệnh tim mạch phải có chế độ sinh hoạt tình dục khác người bình thường

- Nhóm nguy cơ thấp: Người bệnh bị suy tim mức độ 1, có những cơn đau ngực ổn định hoặc khi gắng sức nhiều, người bệnh cao huyết áp nhưng đã được kiểm soát.

Sau khi phân loại tình trạng sức khỏe hiện tại của người bệnh vào các nhóm nguy cơ phù hợp, bác sĩ tim mạch sẽ tư vấn cho người bệnh về mức độ sinh hoạt tình dục tương ứng với từng nhóm theo mô hình KiTOMI.

Đối với người bệnh thuộc nhóm nguy cơ cao có thể áp dụng mức độ KiT, tức sinh hoạt tình dục chỉ gồm việc hôn (Ki) và vuốt ve (T) bạn tình.

Mô hình KiTOMI

Người bệnh thuộc nhóm nguy cơ trung bình nên áp dụng chế độ KiTOM, nghĩa là được phép thực hiện các hoạt động ở mức KiT và hoạt động quan hệ bằng miệng (O), thủ dâm (M).

Mô hình KiTOMI đầy đủ, bao gồm cả việc thực hiện giao hợp (I) sẽ áp dụng cho người bệnh tim mạch được xếp vào nhóm nguy cơ thấp.

Phó GĐ BV Đại học Y dược TP.HCM khuyến cáo đối với các vấn đề liên quan đến hoạt động tình dục, người bệnh tim mạch nên đến các cơ sở y tế uy tín để làm các xét nghiệm và nhận được sự tư vấn đúng đắn từ các chuyên gia.

Đám cưới trong mơ của cô bé 5 tuổi mắc bệnh tim
Vợ hốt hoảng khi đang ân ái chồng lăn ra ngất xỉu
Người đàn ông 40 năm chung sống với bệnh tim hiếm gặp

http://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/suc-khoe-24h/bi-benh-tim-nen-yeu-the-nao-409366.html

/ Theo Văn Đức/Vietnamnet