Cuộc chiến tranh nhằm giành quyền kiểm soát quần đảo Malvinas giữa Anh và Argentina diễn ra năm 1982 được coi như chuẩn mực của tác chiến hải quân hiện đại.
Cuộc chiến Malvinas (hay còn gọi là Falklands) ghi nhận lần đầu tiên tác chiến không đối hải với máy bay mang tên lửa diệt hạm cũng như tàu ngầm diesel-điện mang ngư lôi hiện đại được sử dụng rộng rãi.
Hải quân Argentina khi đó nắm trong tay khá nhiều phương tiện tối tân như cường kích Super Entendard, tên lửa chống hạm Exocet, tàu ngầm Type 209... tuy nhiên họ vẫn phải gánh chịu thất bại trước người Anh.
Một trong những vấn đề lớn nhất đối với Hải quân Argentina đó là tên lửa hoặc bom mặc dù đánh trúng tàu chiến Anh nhưng lại không nổ, dẫn tới nhận định rằng công tác phản gián đã phát huy hiệu quả.
Tuy nhiên không chỉ có vậy, bí ẩn lớn hơn lại nằm ở chỗ hạm đội tàu ngầm Argentina không thể phát huy tác dụng cho dù nắm giữ lợi thế rất lớn trước tàu chiến Anh, nguyên nhân là do đâu?
Sau khi cuộc chiến tranh Malvinas chính thức bắt đầu vào ngày 1/5/1982, "sát thủ đáy biển" duy nhất của hải quân Argentina là tàu ngầm ARA San Luis (S-32) đang rất tích cực tìm kiếm cơ hội tác chiến.
San Luis là chiếc tàu ngầm Type 209/1200 rất tiên tiến được Đức đóng cho Argentina, chính thức đi vào hoạt động ngày 24/5/1974, tàu có chiều dài 55,91 m; rộng 6,2 m; lượng giãn nước 1.000 tấn khi nổi và 1.285 tấn khi lặn.
Tàu có tốc độ tối đa 21,5 hải lý/h; tầm hoạt động 13.000 hải lý; thời gian hoạt động 50 ngày, thủy thủ đoàn 31 người; vũ khí trang bị gồm 8 ống phóng ngư lôi cỡ 533 mm, mang theo được 22 ngư lôi trong khoang.
Trong một lần ra khơi, San Luis đột nhiên phát hiện được một tàu hộ tống của hải quân Anh đang hoạt động tại vùng biển phụ cận. Thuyền trưởng tàu ngầm ngay lập tức đã ra lệnh phóng ngư lôi vào đối phương.
Tuy nhiên điều làm cho các thủy thủ cảm thấy lạ lùng đó là sau khi được phóng đi, quả ngư lôi không lao tới tàu chiến của Anh theo tuyến đường đã định mà lại chệch mục tiêu rất xa dù họ ngắm bắn rất kỹ lưỡng.
Những ngày tiếp theo, tàu ngầm San Luis lại nhiều lần phát hiện được tàu chiến của Anh và tiếp tục tấn công chúng bằng ngư lôi, tuy nhiên họ vẫn bắn trượt như mọi lần trước.
Tới tháng 6/1982, cuộc chiến giành quyền kiểm soát quần đảo Malvinas kết thúc, chiếc tàu ngầm trên vẫn chỉ đơn giản là một "vật trang trí" không hơn không kém.
Vậy rút cục nguyên nhân nào đã làm cho chiếc tàu ngầm này mất đi nhiều cơ hội quan trọng trong tác chiến? Lời giải chính là do máy tính trên tàu xuất hiện sự cố.
Trung tâm quản lý tác chiến tàu ngầm San Luis là máy tính FM1600M kiểm soát việc phóng ngư lôi. Kính tiềm vọng của tàu đã cung cấp đầy đủ những thông tin về phương vị và đồng bộ dữ liệu của mục tiêu.
Sĩ quan chỉ huy đã nhắm đúng mục tiêu vào vạch chữ thập trên kính ngắm nhưng máy tính sau khi xử lý dữ liệu lại cho rằng đối tượng ở ngoài vị trí đã ngắm bắn.
Do đó sau khi phóng, máy tính liền căn cứ theo thông tin sai lệch để dẫn hướng sai cho ngư lôi. Điều này làm cho chiếc tàu ngầm duy nhất của Argentina không thể đánh chìm dù chỉ một chiến hạm nhỏ của hải quân Anh.
Nó đã để tuột tất cả các cơ hội và trở thành sự đáng tiếc lớn nhất của hải quân Argentina trong cuộc chiến tranh Malvinas. Sau 23 năm phục vụ, tàu ngầm San Luis đã được cho về hưu vào ngày 23/4/1997.
Tùng Dương
Nga phát triển lá chắn chống ngầm mới cho tàu chiến tương lai
Hệ thống Paket-NK có thể diệt tàu ngầm và đánh chặn ngư lôi, thay thế những vũ khí chống ngầm lạc hậu trên tàu tuần ... |
Tàu ngầm Liên Xô chạy nhanh hơn cả ngư lôi
Tàu ngầm hạt nhân lớp Lyra có thể đạt tốc độ gần 76 km/h, nhanh hơn cả ngư lôi đời cũ và mọi tàu ngầm ... |