Bí ẩn hai người nước ngoài giúp sức tích cực cho bà chủ Vạn Thịnh Phát

Liên quan đến vụ Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các đơn vị liên quan (giai đoạn 2), Kết luận điều tra của Cơ quan điều tra (CQĐT) Bộ Công an xác định, có hai người nước ngoài giúp sức tích cực cho Trương Mỹ Lan thực hiện hành vi vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới…

Theo đó, Kết luận điều tra về vụ án Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các đơn vị liên quan (giai đoạn 2), CQĐT đề nghị truy tố bị can Trương Mỹ Lan và 33 bị can liên quan về các tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Rửa tiền” và “Vận chuyển tiền trái phép qua biên giới”.

Đáng chú ý, Kết luận điều tra chỉ rõ có hai cá nhân người nước ngoài giúp sức cho bà chủ Vạn Thịnh Phát ở hành vi vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới, đó là Chiu Bing Keung Kenneth và Chen Yi Chung.

Quá trình phạm tội, Trương Mỹ Lan luôn có những người nước ngoài giúp sức.

Quá trình phạm tội, Trương Mỹ Lan luôn có những người nước ngoài giúp sức.

Cụ thể, ở hành vi vận chuyển tiền trái phép qua biên giới của bị can Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát), CQĐT xác định, có 21 công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tham gia chuyển tiền, nhận tiền. Hoạt động chuyển tiền qua biên giới của Trương Mỹ Lan và các bị can khác kéo dài trong 10 năm, từ 2012-2022.

Các công ty thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát đã thực hiện các giao dịch chuyển tiền ra nước ngoài và nhận tiền từ nước ngoài chuyển về Việt Nam với tổng số tiền được vận chuyển trái phép qua biên giới là 4,5 tỷ USD. Ngoài ra, CQĐT cũng làm rõ có hai cá nhân người nước ngoài đã giúp sức cho Trương Mỹ Lan vận chuyển tiền trái phép.

 
 

Một là Chen Yi Chung (quốc tịch Hồng Kông- Trung Quốc). Người này từng giữ vị trí quyền Tổng giám đốc Ngân hàng SCB. Theo kết luận điều tra, từ ngày 10-10-2020 đến ngày 15-5-2021, Chen Yi Chung đã thực hiện 13 giao dịch chuyển tiền ra nước ngoài và nhận tiền chuyển về Việt Nam cho các Công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Việc chuyển tiền, nhận tiền thực hiện thông qua các hợp đồng khống như: hợp đồng mua bán, chuyển nhượng cổ phần, vốn góp; hợp đồng vay tiền; hợp đồng tư vấn giữa các công ty ở Việt Nam với các công ty, tổ chức nước ngoài.

Trong 13 giao dịch này, có 12 giao dịch chuyển tiền đi với tổng số tiền hơn 673 triệu USD, tương đương hơn 15.000 tỷ đồng và 1 giao dịch chuyển tiền về 35 triệu USD, tương đương hơn 802 tỷ đồng. Tổng cộng là 708 triệu USD, tương đương hơn 16.000 tỷ đồng.

Tại CQĐT, bị can Trương Mỹ Lan thừa nhận bản thân đã chỉ đạo Chen Yi Chung phối hợp với các cá nhân tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và lãnh đạo Ngân hàng SCB lập các hợp đồng khống, phê duyệt chuyển tiền dù không đủ điều kiện.

Căn cứ tài liệu, chứng cứ điều tra thu thập được, CQĐT xác định Chen Yi Chung đã giúp sức tích cực cho Trương Mỹ Lan vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới với tổng số tiền hơn 708 triệu USD, tương đương hơn 16.000 tỷ đồng.

 

Người thứ hai là Chiu Bing Keung Kenneth (quốc tịch Vương Quốc Anh và Bắc Ireland). Chiu được bà chủ Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan giao cho quản lý 11 công ty ở trong và ngoài nước. Trong đó, Chiu đứng tên đại diện theo pháp luật 6 công ty ở nước ngoài thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

CQĐT xác định, Chiu có hành vi tạo dựng các hợp đồng “khống” có nội dung mua bán cổ phần, hợp tác đầu tư, vay vốn… giữa các công ty trong nước thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát với các công ty ở nước ngoài; làm hồ sơ chuyển tiền ra nước ngoài và chuyển tiền từ nước ngoài về Việt Nam.

Từ ngày 7-4-2014 đến ngày 7-10-2022, tổng số tiền mà 11 công ty nước ngoài đã chuyển đi hơn 556 triệu USD, tương đương hơn 12.000 tỷ đồng và nhận về hơn 940 triệu USD, tương đương hơn 21.000 tỷ đồng. Tổng cộng hơn 1,4 tỷ USD, tương đương hơn 34.000 tỷ đồng.

Với kết quả điều tra vụ án, đủ căn cứ xác định Chiu Bing Keung Kenneth đã thực hiện hành vi giúp sức tích cực cho bị can Trương Mỹ Lan thực hiện hành vi vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới với tổng số tiền mà 11 công ty nước ngoài đã chuyển là hơn 1,4 tỷ USD, tương đương hơn 34.000 tỷ đồng.

Hiện, Chen Yi Chung và Chiu Bing Keung Kenneth đã xuất cảnh ra nước ngoài, CQĐT không xác định được hai người này đang ở đâu. Đến nay chưa có kết quả yêu cầu tương trợ tư pháp. Do đó, CQĐT đã ra quyết định truy nã.

Theo CQĐT, quá trình điều tra vụ án không xác định rõ hai người nước ngoài trên ở đâu, cũng chưa có kết quả tương trợ tư pháp về hình sự, đã có quyết định truy nã nhưng đã hết thời hạn điều tra vụ án mà vẫn chưa truy bắt được.

Vì vậy, CQĐT đã ra quyết định tách vụ án hình sự, tạm đình chỉ điều tra vụ án đối với hai người này. Sau khi truy bắt được sẽ phục hồi điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

 https://www.anninhthudo.vn/post-579644.antd

Lâm Vinh / ANTĐ