- Thất bại toàn diện ở AFF Cup là cú sốc lớn với bóng đá nữ Việt Nam
- Khó khăn nào chờ tuyển bóng đá nữ Việt Nam sau tấm vé World Cup lịch sử?
Tấm vé dự World Cup 2023 cùng chức vô địch giải bóng đá nữ Đông Nam Á 2022 là minh chứng cho sự thành công của kế hoạch phát triển bóng đá nữ Philippines.
Tính tới SEA Games 2017, đội tuyển bóng đá nữ Philippines vẫn bị đánh giá thấp hơn hẳn Việt Nam, Thái Lan và Myanmar. Tại giải đấu năm đó, họ chỉ thắng được chủ nhà Malaysia và phải nhận tới 13 bàn thua trong 3 trận đấu với các đội bóng lớn của khu vực Đông Nam Á.
Tuy nhiên, 2017 cũng là năm đánh dấu cột mốc chuyển biến quan trọng của bóng đá nữ Philippines, khi họ lần đầu tiên giành vé dự Asian Cup - giải đấu diễn ra năm 2018 tại Jordan. Liên đoàn bóng đá Philippines (PFF) đặt ra chiến lược gọi là "dự án Jordan" – kế hoạch đầy tham vọng đã thay đổi bộ mặt của bóng đá nữ nước này.
“Dự án Jordan” có 2 nội dung chính, với điểm chung là tận dụng nguồn lực từ nước ngoài.
Thứ nhất, Đội tuyển Philippines thực hiện các chuyến tập huấn tại Mỹ, tạo điều kiện để các cầu thủ ở nước ngoài có điều kiện tập luyện và sinh hoạt chung cùng cả đội. Từ đó, LĐBĐ Philippines sẽ phát hiện và tuyển chọn những người có tài năng và sẵn sàng cống hiến cho đội tuyển nữ.
Thứ hai, họ ưu tiên chiêu mộ những chuyên gia nước ngoài với chuyên môn cao. HLV trưởng đầu tiên được bổ nhiệm theo “dự án Jordan” là Richard Boon – vị huấn luyện có bằng A tại Mỹ với chuyên môn bóng đá nữ. Bên cạnh đó, ông còn là thành viên của Hội đồng HLV bóng đá Mỹ và có chứng chỉ huấn luyện được cấp bởi Hiệp hội bóng đá Anh (FA).
Ngay sau khi được bổ nhiệm, công việc đầu tiên của Richard Boon là tuyển chọn những cầu thủ tiềm năng tại khu huấn luyện ở Mỹ.
“Buổi tuyển chọn diễn ra rất thành công. Chúng tôi có trong tay sự kết hợp giữa những tài năng trẻ và những người giàu kinh nghiệm từng thi đấu ở cấp độ ĐTQG. Các cô gái thể hiện tinh thần chiến đấu tuyệt vời và rất chăm chỉ trong thời gian tập huấn. Tôi luôn muốn tìm kiếm những cầu thủ đủ sức tập luyện và thi đấu ở đẳng cấp cao và thể hiện được sự ổn định”, HLV Boon trả lời tờ Tiebreaker Times trong bài phỏng vấn năm 2017.
Mục tiêu của "dự án Jordan" là giúp ĐT nữ Philippines giành kết quả tốt tại Asian Cup 2018 (Ảnh: AFC)
Ban đầu, “dự án Jordan” đặt mục tiêu giúp Đội tuyển nữ Philippines có kết quả tốt ở Asian Cup 2018. Tuy nhiên, PFF bất ngờ thay Richard Boon bằng HLV người Pháp Rabah Benlarbi chỉ một tháng trước ngày khai mạc. Đội tuyển Philippines chỉ đứng thứ ba tại bảng đấu của họ, không được dự World Cup. HLV Benlarbi cũng chia tay đội bóng ngay sau giải đấu.
Không có thành tích tốt như kỳ vọng ở Asian Cup 2018 nhưng đội tuyển nữ Philippines cho thấy những điểm tích cực. PFF tiếp tục mở rộng "dự án Jordan", tập trung tìm thêm những cầu thủ có dòng máu Philippines đang thi đấu ở nước ngoài. Với ưu thế thể hình của dàn cầu thủ nhập tịch cùng lộ trình phát triển rõ ràng, Philippines liên tục giành hạng 4 tại AFF Cup 2018, SEA Games 2019 và AFF Cup 2019.
ĐT nữ Philippines giành vé dự World Cup 2023 nhờ dàn cầu thủ nhập tịch (Ảnh: The Bridge)
Năm 2021, Đội tuyển nữ Philippines giành vé dự Asian Cup 2022. Một lần nữa mục tiêu dự World Cup được LĐBĐ nước này đề ra, và lần này họ đã thành công. Đến SEA Games 31, dù đội tuyển Việt Nam đánh bại Philippines trong thế trận áp đảo nhưng HLV Mai Đức Chung cũng phải thừa nhận thách thức từ đối thủ này ngày một đáng gờm.
"Đội tuyển Việt Nam gặp khó khăn vì Philippines sở hữu hình thể vượt trội. Đội hình của họ đã khác nhiều. Trước đây, họ nhập tịch ba-bốn cầu thủ, bây giờ là 14-15 người. Khoảng 10 phút đầu, chúng tôi rất loạng choạng, dù tập luyện tốt ở Hàn Quốc”, HLV Mai Đức Chung nhận xét ở thời điểm đó.
Tại AFF Cup 2022, đội tuyển nữ Philippines không giấu giếm tham vọng vô địch. Họ chiêu mộ Alen Stanjcic – người từng đưa đội tuyển nữ Australia giành ngôi Á quân Asian Cup 2014, sau đó lọt vào tứ kết World Cup 2015 và Olympics 2016.
Hỗ trợ cho HLV Stanjcic là đội ngũ trợ lý của riêng ông gồm trợ lý Nahuel Arrarte, HLV thủ môn Jimmy Fraser, trưởng ban phân tích Stevan Antonic và HLV thể lực Luca Tonetti. Ngoài ra, ông còn có sự giúp sức từ cựu HLV trưởng Marnelli Dimzon – người đã gắn bó lâu năm với Đội tuyển nữ Philippines và có ảnh hưởng lớn với đội ngũ cầu thủ bản địa.
HLV Alen Stanjcic của ĐT nữ Philippines (Ảnh: LĐBĐ Philippines)
Với dàn cầu thủ chất lượng, đội ngũ chuyên gia hàng đầu, sự chuẩn bị kỹ lưỡng và lợi thế chủ nhà, Philippines khởi đầu AFF Cup 2022 bằng chiến thắng 1-0 trước U23 Australia. Sau đó họ lần lượt đè bẹp Singapore, Malaysia và Indonesia để giành vé vào bán kết sớm, trước khi để thua Thái Lan với tỉ số 1-0 ở trận đấu cuối cùng.
Phong độ khủng khiếp của thầy trò HLV Stanjcic tiếp tục thể hiện ở vòng bán kết khi áp đảo hoàn toàn ĐKVĐ Việt Nam để giành chiến thắng 4-0, trước khi chốt hạ bằng chiến thắng 3-0 trước Thái Lan để lần đầu tiên bước lên ngôi cao nhất của bóng đá nữ khu vực.
“Chúng tôi đặt ra những mục tiêu rõ ràng cho hành trình của mình. Đầu tiên là giành vé dự World Cup, sau đó cả đội đã thi đấu tốt và giành HCĐ SEA Games, còn bây giờ là giành chức vô địch AFF Cup trên sân nhà”, tiền vệ Katrina Guillou nói.
Như vậy, kế hoạch phát triển bóng đá nữ Philippines từ năm 2017 tới nay đã mang lại thành công vượt bậc. Với đà phát triển hiện tại, Đội tuyển nữ Philippines sẽ là ứng cử viên hàng đầu cho chức vô địch SEA Games 32 tại Campuchia và các giải đấu tiếp theo của khu vực Đông Nam Á.