Nhiều đại biểu Quốc hội và luật sư cho rằng, việc đại biểu nêu quan điểm về vụ án xét xử bác sĩ Hoàng Công Lương hoàn toàn không mâu thuẫn với việc độc lập xét xử của tòa án.
Phiên tòa xét xử bác sĩ Hoàng Công Lương trong vụ án chạy thận khiến 9 bệnh nhân tử vong tại Hòa Bình nhận được sự quan tâm của dư luận.
Nghị trường Quốc hội ngày 26.5 nóng lên bởi cuộc tranh luận của các đại biểu về phiên tòa xét xử bác sĩ Hoàng Công Lương trong vụ án chạy thận khiến 9 bệnh nhân tử vong tại Hòa Bình.
Khi đại biểu Nguyễn Tiến Sinh của tỉnh Hòa Bình cho rằng các đại biểu Quốc hội phát biểu trên báo chí có thể gây sức ép lên phiên tòa, ảnh hưởng đến tính độc lập, khách quan của tòa án, thì một số đại biểu trong ngành y tế phản đối quan điểm này.
Vậy việc các đại biểu Quốc hội lên tiếng bênh vực bác sĩ Hoàng Công Lương trong vụ án 9 bệnh nhân chạy thận tử vong tại BVĐK Hòa Bình khi tòa đang xét xử là đúng hay sai?
Trao đổi bên hành lang Quốc hội, với tư cách là một luật sư, ông Trương Trọng Nghĩa (Đại biểu Quốc hội đoàn TP.Hồ Chí Minh) cho rằng việc đại biểu nêu ý kiến và sự độc lập của tòa khi xét xử là không mâu thuẫn nhau.
Đại biểu có quyền lên tiếng về những vấn đề cử tri và bản thân mình đang tâm tư. Còn cán bộ ngành tư pháp nếu thấy mình đang làm việc khách quan, công bằng, đầy đủ trách nhiệm thì không việc gì phải sợ.
Vấn đề của hội đồng xét xử là phải giải thích được vì sao mình xét xử như vậy bằng hồ sơ, chứng cứ và bằng pháp luật.
“Đâu có đại biểu Quốc hội nào ra lệnh cho Chánh án phải tha người này, hay bỏ tù người kia” - đại biểu Trương Trọng Nghĩa chia sẻ.
Cũng theo đại biểu Nghĩa, báo chí cũng chỉ nên giữ vai trò phản ánh chứ không nên kết luận, vì báo chí đang đứng bên ngoài không tiếp cận được hết hồ sơ.
Theo quan điểm của đại biểu Nguyễn Văn Chiến - Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, với phiên tòa ở Hòa Bình, trong mấy ngày qua đã vắng quá nhiều người làm chứng, người liên quan quan trọng như ông giám đốc bệnh viện. Việc vắng mặt quá nhiều người như vậy sẽ không đáp ứng được yêu cầu cải cách tư pháp để bảo đảm nguyên tắc tranh tụng.
“Theo tôi, về vấn đề các tài liệu chứng cứ được đưa ra để thẩm vấn, điều tra, sự có mặt trực tiếp của những người liên quan và những người làm chứng đặc biệt quan trọng.
Trong quá trình vừa qua, tòa án triệu tập những người làm chứng vắng mặt, thậm chí đã mời họ đến tòa để thực hiện trách nhiệm của mình rồi nhưng họ lại tiếp tục có đơn xin vắng mặt. Do vậy, yêu cầu đặt ra để tranh tụng tại phiên tòa thông qua quá trình hỏi, tranh tụng không đạt được. Vì vậy vấn đề làm rõ sự thật, bản chất của vụ án chưa được xác định”- đại biểu Nguyễn Văn Chiến chia sẻ.
Trong khi đó, với tư cách là luật sư bào chữa cho bác sĩ Hoàng Công Lương, Luật sư Lê Văn Thiệp cũng cho rằng tòa án độc lập xét xử, chỉ tuân theo pháp luật chứ không tuân theo dư luận hay chỉ đạo. Vì vậy ông cho rằng Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tiến Sinh - Phó đoàn chuyên trách tỉnh Hòa Bình - không nên phản ứng khi các đại biểu lên tiếng bênh vực bác sĩ Lương.
VKS: Chứng cứ mới không giúp "gỡ tội" cho Hoàng Công Lương
Công tố viên cho rằng nhân chứng phủ nhận việc thanh lý hợp đồng sửa máy lọc nước trước tòa nên video mới công bố ... |
Các luật sư đưa ra nhiều bằng chứng bác sĩ Hoàng Công Lương vô tội
Ngày 25/5, phiên tòa xét xử vụ tai biến y khoa tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình bước sang ngày làm việc thứ ... |
Xét xử vụ chạy thận tại BV Đa khoa Hòa Bình: Bộ trưởng Y tế nói gì?
Liên quan đến phiên tòa xét xử vụ chạy thận khiến 9 bệnh nhân tử vong tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, sáng ... |