Bệnh than bùng phát ở một số tỉnh miền núi, đẩy mạnh biện pháp phòng, chống

Ngoài Điện Biên xuất hiện 13 ca bệnh than tại 3 ổ dịch, ở một số tỉnh phía Bắc như Lai Châu, Hà Giang cũng đã phát hiện căn bệnh này. Các bệnh nhân đều liên quan đến việc trực tiếp giết mổ hoặc ăn trâu bò mắc bệnh, chết. Việc kiểm soát gia súc bị bệnh, khuyến cáo người dân không buôn bán, vận chuyển sản phẩm từ gia súc mắc bệnh, chết, hoặc nghi ngờ mắc bệnh diễn ra như thế nào?

Bệnh than bắt đầu được phát hiện vào cuối tháng 5/2023 tại xã Mường Báng và xã Xá Nhè, đều ở huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên, với 13 trường hợp mắc ở 3 ổ dịch, trong đó xã Xá Nhè có 2 ổ. Cả 3 ổ dịch trên đều xuất phát từ trâu, bò chết không rõ nguyên nhân của bản Pàng Dề A. Sau đó, lực lượng chức năng  của huyện Tủa Chùa tiếp tục ghi nhận thêm 132 người có tiếp xúc, ăn thịt của 3 con trâu, bò nêu trên. Các triệu chứng gồm: Bọng nước, xuất hiện vết loét trên da; Một số người xuất hiện triệu chứng đau đầu, đau bụng, tiêu chảy, khó thở, đau nhức toàn thân. Đến nay, chưa ghi nhận ca tử vong.

bệnh than.jpeg -0

Tiếp theo đó, từ tháng 6 đến nay, trên địa bàn huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu cũng ghi nhận 3 trường hợp mắc bệnh than đều ở xã Chăn Nưa, huyện Sin Hồ, tỉnh Lai Châu. Cả 3 người đều tham gia mổ và ăn thịt trâu chết nghi do mắc bệnh than của người dân trong xã.

Theo lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Lai Châu, tình hình dịch bệnh chưa ổn định do nguồn lây tại chỗ, có nhiều người tham gia mổ và ăn thịt trâu chết, vi khuẩn khi sinh nha bào có thể tồn tại thời gian dài trong môi trường đất. Khả năng thời gian tới, có thể ghi nhận thêm các trường hợp mắc mới nếu người dân không thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch cả trên người cũng như trên động vật.

Nguyên nhân dẫn đến bệnh than chủ yếu là do gia súc chưa được tiêm vaccine nhiệt thán. Khi trâu bò chết, bà con không khai báo, tự ý giết mổ, ăn thịt, dẫn tới bệnh lây sang người. Các triệu chứng điển hình ở người mắc bệnh than nhiễm qua da là xuất hiện vết rộp, u nhỏ và ngứa như khi bị côn trùng đốt. Nếu bệnh nhiễm qua đường tiêu hóa thì xuất hiện triệu chứng đau đầu, đau bụng, tiêu chảy, khó thở hay đau nhức toàn thân.

Để chủ động phòng, chống lây nhiễm bệnh than từ động vật sang người, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đề nghị đơn vị trên địa bàn theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe của những người tham gia giết mổ và sử dụng cùng nguồn thịt trâu bò với các trường hợp mắc nói trên và những người tiếp xúc gần với với ca bệnh nhằm dự phòng và điều trị kịp thời. Tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc bệnh than; xử lý môi trường tại khu vực ổ dịch theo quy định. Tăng cường phối hợp với cơ quan thú y và các ban, ngành liên quan trong việc giám sát phát hiện bệnh than trên động vật để có các biện pháp dự phòng kịp thời trên người; phối hợp trong điều tra, xử lý ổ dịch than trên động vật.

Cục Y tế dự phòng yêu cầu các địa phương tăng cường truyền thông về các biện pháp phòng lây nhiễm bệnh than từ động vật sang người, đặc biệt chú ý những khu vực có nguy cơ cao và những người chăn nuôi, buôn bán và giết mổ trâu, bò. Khuyến cáo người dân không giết mổ và sử dụng thực phẩm từ trâu, bò, ngựa ốm chết, không rõ nguồn gốc.

Được biết, tỉnh Lai Châu đang tiến hành xác minh tình hình động vật chết trên địa bàn xã Chăn Nưa và lập danh sách những người liên quan, đưa bệnh nhân đi điều trị hạn chế lây lan mầm bệnh và diễn biến nặng dẫn đến tử vong. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của xã Chăn Nưa tổ chức đi thu gom, tiêu hủy hơn 40kg thực phẩm còn lại của những con trâu bị bệnh tiêu hủy theo quy định của cơ quan Thú y. Tổ chức tuyên truyền cho người dân dọn vệ sinh tại các bản để phun khử  khuẩn môi trường bằng dung dịch Cloramin B 0,5% hoạt tính tại các khu vực nguy cơ cao. Đặc biệt, tại các hộ gia đình có bệnh nhân, gia đình có trâu chết,  điểm mổ trâu, nơi chôn thịt trâu…

Để hạn chế bệnh than, chính quyền các địa bàn nơi có ổ dịch cần đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân vệ sinh môi trường, nhà ở, chuồng chăn nuôi gia súc, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, thực hiện ăn chín uống nước đun sôi để nguội, vận động người dân không ăn rau sống, không ăn thực phẩm liên quan đến động vật ốm, chết. Khi có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời.

Đặc biệt, cần nghiêm cấm và kiểm tra việc vận chuyển, giết mổ và tiêu thụ gia súc mắc bệnh, chết bất thường trên địa bàn. Cần xử lý nghiêm theo quy định đối với các trường hợp vi phạm.      

https://cand.com.vn/y-te/benh-than-bung-phat-o-mot-so-tinh-mien-nui-day-manh-bien-phap-phong-chong-i697833/

Tr.Hằng / cand.com.vn