Bệnh tay chân miệng có diễn biến bất thường

Năm 2023, số ca mắc tay chân miệng tại phía Nam tăng giảm không theo chu kỳ các năm trước. Đến cuối tháng 11, bệnh có xu hướng giảm, nhưng số ca mắc vẫn cao hơn cùng kỳ năm 2022.

a26.jpg
Đồ thị biểu diễn xu hướng bệnh tay chân miệng phía Nam trong năm 2023.

Đó là nhận định của Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh về dịch bệnh tay chân miệng (TCM) tại 20 tỉnh thành phía Nam sau khi phân tích các số liệu thu thập được từ đầu năm 2023 đến ngày 20-11.

Cụ thể, tại 20 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam ghi nhận 124.345 ca mắc bệnh TCM, cao gấp 2,6 lần so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, số ca mắc TCM ghi nhận tại thành phố Hồ Chí Minh là 44.467 ca, chiếm 35,7%. Như vậy, bệnh nhi TCM từ các tỉnh, thành phố khác đến thành phố điều trị chiếm 64,3%.

Còn theo số liệu từ 3 bệnh viện Nhi của thành phố Hồ Chí Minh, trong giai đoạn có ca TCM tăng cao ở khu vực phía Nam từ ngày 1-8 đến ngày 31-10-2023, thành phố tiếp nhận điều trị cho 4.392 trẻ có địa chỉ tại các tỉnh, thành phố khác, chiếm gần 70% số ca TCM nhập viện điều trị.

a27.jpg
Số ca mắc TCM từ các tỉnh thành miền Nam nhập viện tại thành phố Hồ Chí Minh chiếm gần 70% tổng số ca mắc.

Theo Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh: Diễn biến bệnh TCM năm nay khác biệt so với các năm trước đây. Nếu như các năm trước, dịch sau khi đạt đỉnh sẽ giảm dần sau đó. Trong năm 2023, dịch bệnh TCM đạt đỉnh vào tuần 23-31 rồi giảm chậm, sau đó tăng lại vào các tuần 41-43. Sau tuần 43, tình hình dịch tiếp tục giảm chậm, nhưng số ca mắc cao hơn so với cùng kỳ năm 2022.

Nhận định tình hình dịch còn kéo dài, Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh đề nghị các tỉnh thành khu vực phía Nam tiếp tục tăng cường hoạt động phòng chống dịch bệnh TCM. Sở y tế các tỉnh, thành cần nâng cao năng lực điều trị tại địa phương, đặc biệt là bệnh viện tuyến cuối của tỉnh để bệnh nhi có thể được điều trị sớm nhất và thuận tiện nhất.

Bên cạnh đó, các tỉnh, thành cũng lưu ý tăng cường truyền thông đến người dân về khả năng tiếp nhận điều trị bệnh TCM của bệnh viện tuyến tỉnh để người dân an tâm điều trị tại địa phương.

Các biện pháp hiệu quả phòng chống bệnh TCM: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy. Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ trẻ tiếp xúc hằng ngày. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.

https://hanoimoi.vn/benh-tay-chan-mieng-co-dien-bien-bat-thuong-651120.html

Thu Hoài / HNM