Từ đầu năm đến giữa tháng 3, TP HCM ghi nhận hơn 2.500 ca tay chân miệng, tăng gấp 2,5 lần cùng kỳ năm ngoái.
Theo Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM (HCDC), tuần vừa qua, thành phố ghi nhận 346 bệnh nhân tay chân miệng, tăng gấp 2,2 lần so với trung bình bốn tuần trước. Hầu hết các quận, huyện đều ghi nhận lượng bệnh tăng ở "mức báo động".
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết tháng 3, tháng 4 là thời điểm số ca mắc bệnh tay chân miệng thường tăng cao, khi trẻ trở lại trường học sau kỳ nghỉ Tết. Ngoài ra, bệnh cũng tăng mạnh vào thời điểm tháng 9-10, khi trẻ tựu trường.
Nửa đầu năm ngoái, do ảnh hưởng của Covid-19, trẻ không đến trường thời gian dài nên số ca bệnh ít. "Năm nay số ca tăng hơn so với cùng kỳ năm 2020, tuy nhiên vẫn ít hơn các đợt cao điểm những năm trước", bác sĩ Khanh nói.
Bệnh viện Nhi đồng 1 hiện tiếp nhận điều trị nội trú khoảng 20 trẻ mắc tay chân miệng, một số ca bệnh nhi nặng độ 3, biến chứng tăng huyết áp. Những đợt bệnh nhân nhập viện nhiều, nơi này tiếp nhận hơn 100 trẻ.
Theo bác sĩ Khanh, đa số phụ huynh nhiều kinh nghiệm nên đã phát hiện trẻ bệnh rất sớm và đưa vào viện khám kịp thời. Bệnh biểu hiện với các bóng nước có kích thước 2-10 mm. Trẻ có thể sốt nhẹ, quấy do đau miệng, bỏ ăn.
Hầu hết bệnh nhân đều diễn biến nhẹ, bóng nước tự xẹp và tự khỏi sau 5-7 ngày. Nếu bệnh do tác nhân enterovirus 71, một số trẻ có biến chứng tim mạch hô hấp, thần kinh rất nguy hiểm như viêm não, viêm cơ tim, viêm màng não.
Hiện, Sở Y tế TP HCM và HCDC đã xây dựng kế hoạch giám sát, hỗ trợ phòng chống bệnh tay chân miệng hàng tuần tại các quận huyện có số ca báo động. Các trung tâm y tế quận huyện phối hợp với ngành giáo dục để giám sát phát hiện sớm các ca bệnh trong trường học, đặc biệt lưu ý các ca bệnh điều trị tại nhà. Khi phát hiện ca mắc mới, thành phố triển khai phòng chống dịch ở cả nơi sống và nơi học tập của bệnh nhân.
HCDC khuyến cáo trường học cần tuân thủ các hoạt động kiểm soát bệnh truyền nhiễm. Lưu ý theo dõi giám sát phát hiện sớm trẻ bệnh để cách ly kịp thời thông qua hoạt động điểm danh, ghi nhận những trường hợp nghỉ vì bệnh mỗi ngày.
Nhà trường đề nghị phụ huynh thông báo rõ lý do nếu con em mình nghỉ học. Trẻ bị bệnh phải được cách ly ít nhất là 10 ngày kể từ khi khởi bệnh, không cho trẻ có biểu hiện bệnh đến lớp và chơi với các trẻ khác.
Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, chủ yếu xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi, chưa có vaccine dự phòng. Phòng bệnh chủ yếu thông qua giữ gìn vệ sinh của trẻ và người chăm sóc trẻ như rửa tay thường xuyên bằng nước và xà phòng, vệ sinh hàng ngày, khử khuẩn hàng tuần vật dụng, đồ chơi của trẻ.
Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.
Khi trẻ bệnh, chăm sóc tại nhà, cần cho ăn thức ăn lỏng dễ tiêu, dùng thuốc giảm đau hạ sốt theo chỉ định. Không nên kiêng tắm mà ngược lại phải giữ vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, tắm trong phòng kín gió với xà phòng sát khuẩn.
Phụ huynh cần theo dõi, cảnh giác các dấu hiệu như sốt cao, nổi các nốt ở tay chân và vùng miệng, ăn uống kém. Đặc biệt cần lưu ý khi trẻ ngủ không yên, chới với, hay giật mình trong lúc thiu thiu ngủ. Đưa trẻ đi khám kịp thời, trẻ bệnh phải uống thuốc theo chỉ định, vệ sinh môi trường, rửa tay thường xuyên, theo dõi các biến chứng để xử trí kịp thời.
Bé trai 12 tháng tuổi mắc tay chân miệng nặng, điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1, cuối năm 2020. Ảnh: Quỳnh Trần. |
Trẻ mắc tay chân miệng nằm tràn hành lang bệnh viện
Các phòng của khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, đang quá tải bệnh nhi tay chân miệng, 2-3 bé chung một ... |
Những bệnh thường gặp trong vùng mưa lũ
Trước tình hình mưa bão phức tạp, Bộ Y tế đã chỉ ra nhiều căn bệnh thường gặp và đưa ra những khuyến cáo quan ... |