- Thuốc thử nghiệm chữa khỏi 100% bệnh nhân ung thư có gì đặc biệt?
- F0 thấp nhất trong 1 năm qua, không còn bệnh nhân thở máy
Theo chân bệnh nhân và người nhà, phóng viên VTC News ghi nhận tình trạng họ phải ra ngoài mua từng cái kim, viên thuốc do nhà thuốc “cháy hàng”.
Thời gian gần đây, không ít bệnh viện từ tuyến trung ương đến địa phương, trong đó có TP Hà Nội, lâm vào tình cảnh thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế. Nhiều người không mua được thuốc, cũng như các thiết bị y tế trong bệnh viện, ảnh hưởng đến quá trình điều trị, nhất là bệnh nhân nghèo.
Đi nhiều nơi, xin đổi đơn mới mua được
Giữa nắng hè tháng sáu oi ả, cầm đơn thuốc vừa được bác sĩ kê cho vợ bị xuất huyết não, ông V.V.T. (quê Tĩnh Gia, Thanh Hóa), quệt những giọt mồ hội trên trán, buồn rầu cho biết: "Cả hai loại trong đơn đều không có trong nhà thuốc của Bệnh viện Việt Đức. Với thuốc số 1 (Mg Tan Inj 1680ml), tôi phải lên gặp bác sĩ kê loại khác vì ở ngoài không bán. Còn thuốc số 2 (H Brain) thì ra ngoài mua".
“Thuốc số 2 này (H Brain) hết mất rồi. Giờ phải tự tìm hoặc bảo bác sĩ xem”, dược sĩ tại nhà thuốc Bệnh viện Việt Đức nói. Trong vai người đi mua thuốc cùng ông T., PV hỏi vì sao thuốc lại hết thì người này không trả lời.
Hôm 13/6, đang làm việc bình thường thì vợ ông T. lên cơn co giật, rồi hôn mê. Từ hôm nhập viện đến nay, bệnh tình ngày một nặng. Từ Thanh Hóa ra Hà Nội mọi thứ của ông đều "lạ nước lạ cái", nhà thuốc bệnh viện không có, ông đôn đáo hỏi khắp nơi để tìm đúng loại thuốc cho vợ. Khuôn mặt ông lộ rõ sự mệt mỏi do nhiều đêm không ngủ.
Đến hiệu thuốc đối diện bệnh viện, người bán thuốc nói chỉ còn một loại H Brain. “Mg Tan Inj 1680ml chỉ vào nhà thuốc bệnh viện mới có thôi vì nó là thuốc thầu. Nếu nhà thuốc bệnh viện cũng hết thì bác bảo bác sĩ đổi loại khác thôi”, người này nói.
Ông T. đành mua một loại thuốc, rồi quay lại khoa cấp cứu, nơi vợ đang nằm điều trị, tìm gặp bác sĩ để đổi thuốc. Bác sĩ kê đơn ban đầu sửa từ Mg Tan Inj 1680ml sang Mg Tan Inj 1920ml. Người đàn ông gần 50 tuổi lại tất tưởi ra nhà thuốc của bệnh viện. Ông thở phào cuối cùng cũng mua được.
“Bệnh viện lớn mà không còn nhiều loại thuốc, chỉ khổ chúng tôi đi lại trong thời tiết nắng nóng. Có khi người khoẻ cũng thành ốm”, ông T nói.
Đơn thuốc của vợ ông T. sau khi được bác sĩ sửa thuốc số 1 từ Mg Tan Inj 1680ml sang Mg Tan Inj 1920ml.
Không đủ tiền mua thuốc ở ngoài
Tại khu vực cổng chính Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), người phụ nữ dáng hình nhỏ nhắn bước đi khập khiễng, tay phải với đai bó cố định xách theo chiếc túi nilon màu đỏ, tay trái cầm điện thoại đời cũ đang áp vào tai. Chị cất giọng nói nhỏ nhẹ, xen lẫn mệt mỏi: “Mẹ khám xong rồi nhưng nhà thuốc bệnh viện không còn thuốc, ra ngoài mua lại không đủ tiền”.
Trò chuyện với phóng viên, người này nói bà tên L.T.B., quê huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên. Hồi đầu tháng 6 do bất cẩn nên và bị ngã, tưởng bị nhẹ nên chỉ đắp thuốc nam. Gần tháng trời tay vẫn đau, không có dấu hiệu thuyên giảm, vay mượn được hơn 1 triệu đồng, bà bắt xe lên Hà Nội để khám.
“Cũng định khám ở quê thôi nhưng gia đình cứ bắt lên Hà Nội cho yên tâm”, bà B. nói.
Bà B. được chuẩn đoán thoái hóa khớp cổ tay phải. Bác sĩ kê đơn gồm 3 loại thuốc, nhưng bà B. chỉ mua được một loại trong Nhà thuốc 24h – Trung tâm cấp cứu A9 Bệnh viện Bạch Mai.
“Nhà thuốc thông tin chỉ có loại số 1 trong đơn thôi, mua hết 578.000 đồng. Còn số 2 và 3 phải ra ngoài mua. Tôi hỏi hai loại đó mua hết bao nhiêu, người bán nói khoảng 500.000 đồng. Còn hơn 600.000 đồng trong người, tôi nhẩm tính đủ tiền thuốc, rồi tìm gì đó ăn, đầu giờ chiều bắt xe về nhà. Nhưng tôi vừa sang hiệu thuốc bên kia đường thì họ báo gần 700.000 đồng mới đủ”, bà B. nói.
“Đành về mấy hiệu thuốc ở quê xem thế nào, không thì mấy hôm nữa lại bắt xe lên lại vậy”, người phụ nữ buồn rầu nói khi không đủ tiền mua thuốc.
Phải ra ngoài mua kim tiêm, ống truyền dịch
Trời nắng như đổ lửa, người phụ nữ với dáng vẻ khắc khổ bước ra từ hiệu thuốc nằm ngay cạnh cổng số 1 Bệnh viện K Tân Triều (số 30 đường Cầu Bươu, Tân Triều, Thanh Trì). Trên tay chị là 10 chiếc kim luồn.
10 chiếc kim luồn được bà L. mua tại hiệu thuốc ngoài do nhà thuốc Bệnh viện K Tân Triều không bán.
Bà bảo mình là N.T.L. “Tôi quê ở Bắc Giang, đưa chồng nhập viện được hai hôm nay để điều trị ung thư đại tràng. Bác sĩ bảo đi mua kim luồn, tôi xuống nhà thuốc ở bệnh viện nhưng họ bảo không có, phải ra ngoài mua”, người phụ nữ nói và xòe “hàng” vừa mua được.
Bà cho hay, không chỉ mình mà nhiều người nhà bệnh nhân tại khoa Xạ 5 - Bệnh viện K Tân Triều đều phải tự ra các nhà thuốc bên ngoài viện để mua kim luồn, ống truyền dịch… “Ra ngoài mua thế này bất tiện quá, cũng thấy bức xúc nhưng không biết làm sao”, bà L. tâm sự.
Đến khu vực nhà thuốc Bệnh viện K Tân Triều đặt tại tầng 1 toà A1, chúng tôi gặp người đàn ông khoảng 50 tuổi, đang kiểm lại túi thuốc vừa mua. “Thuốc thiếu như này thì uống kiểu gì đây”, ông lẩm bẩm.
Ông tên V.M.T. (trú tại huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương). Bố của ông bị u phì đại tuyến tiền liệt, đã mổ, nay được xuất viện nên phải mua thuốc theo đơn của bác sĩ để mang về nhà uống. Nhưng nhà thuốc bệnh viện lại không có đủ số thuốc để bán theo đơn.
Thuốc Pygeum africanum được bác sĩ kê với số lượng 36 viên nhưng ông T. chỉ mua được 30 viên do nhà thuốc bệnh viện hết hàng.
“Có một loại thuốc bác sĩ kê 36 viên nhưng nhà thuốc chỉ còn 30, họ nói hết rồi. Tôi hỏi 6 viên còn lại ra ngoài mua được không, họ bảo uống thế là đủ. Lạ thật, bán thuốc thế này thì sao mà đảm bảo điều trị được”, ông T. thắc mắc.
Cầm đơn thuốc, lắc đầu ngán ngẩm bước ra từ nhà thuốc bệnh viện, anh L.V.H. (35 tuổi, quê Hoà Bình), cho biết, việc người bệnh phải tự mua thuốc, kim truyền dịch hay một số vật tư y tế khác không phải hiếm.
“Bố tôi điều trị hơn 2 năm, đa phần các loại thuốc hỗ trợ hay mask khí dung đều phải ra ngoài mua vì nhà thuốc bệnh viện luôn báo hết”, anh H. nói.
Theo chân anh ra một nhà thuốc nằm bên ngoài khuôn viên Bệnh viện K Tân Triều, người này dễ dàng mua được những thứ trong đơn của bác sĩ.
Nhà thuốc Bệnh viện K Tân Triều không có 4 loại thuốc, vật tư trong đơn của anh H. nhưng lại dễ dàng mua được tại hiệu thuốc gần cổng viện.
“Tôi từng hoạt động trong lĩnh vực cung cấp thuốc và thiết bị y tế nên biết vấn đề này phức tạp lắm. Đấu thầu, giá thành, rồi lợi ích của các bên… cuối cùng bệnh nhân là chịu thiệt”, anh H. chia sẻ.
Tình trạng người bệnh đưa đơn do bác sĩ kê nhưng nhà thuốc “lắc đầu” do hết thuốc cũng xảy ra tại Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn. Trong một giờ có mặt ở nhà thuốc bệnh viện, phóng viên ghi nhận hàng chục trường hợp bị báo hết thuốc. Anh N.H.N. (trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) đưa con trai đi khám đường tiêu hóa, cho biết bác sĩ kê đơn hai loại thuốc nhưng nhà thuốc bệnh việc chỉ có một.
“Họ báo loại còn lại phải tự ra ngoài mua. Đây là lần đầu tiên tôi đưa cháu đi khám ở Xanh Pôn nên khá bất ngờ. Tôi đứng chờ lấy thuốc cũng thấy rất nhiều người đến mua nhưng nhà thuốc không có để bán. Đa phần là họ báo không có 1-2 loại và cũng có trường hợp không có tất cả loại thuốc trong đơn”, anh N. cho biết.
Không được để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế
Trong văn bản mới đây gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố; bệnh viện thuộc Bộ Y tế; cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc, trang thiết bị y tế, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo bệnh viện, đơn vị trực thuộc khẩn trương xây dựng kế hoạch, triển khai mua sắm thuốc và vật tư y tế.
Không được để xảy ra tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn và tại các đơn vị; tập trung bảo đảm cung ứng đủ, kịp thời vật tư y tế và thuốc thiết yếu, đặc biệt là thuốc hiếm nguồn cung.
Bộ Y tế: Thiếu thuốc, vật tư y tế là do tâm lý sợ sai và thanh tra, kiểm tra
Theo thông tin ngày 17/6 từ Bộ Y tế, hiện có tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế ở nhiều nơi, chủ yếu là các loại thuốc, vật tư y tế thông dụng thuộc thẩm quyền mua sắm của địa phương, đơn vị, gây ảnh hưởng đến công tác khám bệnh, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Nguyên nhân chính là tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ bị thanh tra, kiểm tra, do vậy không dám làm, không dám đấu thầu, mua sắm của một số địa phương và đơn vị.
Lý do tiếp theo dẫn đến tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế là công tác mua sắm trong lĩnh vực y tế có lúc, có nơi xuất phát từ nhu cầu bị động, phụ thuộc nhiều vào các yếu tố như tình hình dịch bệnh, mô hình bệnh tật. Đặc biệt, trong các năm 2020-2021, hai năm chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, nhiều gói thầu phải mua theo hình thức chỉ định thầu rút gọn, lựa chọn nhà thầu trong trường hợp khẩn cấp để phục vụ cho nhu cầu chống dịch.
https://vtc.vn/benh-nhan-kho-so-vi-nha-thuoc-benh-vien-khong-du-thuoc-ar683261.html