Bệnh bạch hầu nguy hiểm ra sao, có dễ lây?

Bạch hầu là bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B, lây theo đường hô hấp, vậy mức độ nguy hiểm của bệnh này thế nào?

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, bạch hầu là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm dù thuộc nhóm B. Bệnh lây qua đường hô hấp theo hình thức giọt bắn. Bệnh có thể lây trực tiếp do tiếp xúc với người bệnh khi nói, ho, hắt hơi hoặc gián tiếp qua tiếp xúc với các dịch tiết chứa vi khuẩn từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng.

Bệnh cũng có thể lây gián tiếp do tiếp xúc với những đồ vật có dính chất bài tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu như quần áo, tay mà chúng ta vệ sinh kém. Nguồn lây có thể là người bệnh, người lành mang trùng nên nhiều khi chúng ta không biết bị lây từ nguồn nào.

Trước kia bệnh bạch hầu rất phổ biến ở cả thành phố, nông thôn, nhưng nhờ Chương trình Tiêm chủng mở rộng mà hiện nay số mắc giảm nhiều. Sau nhiều năm không có ca bệnh, vừa qua bệnh lại quay trở lại do một số vấn đề liên quan đến tiêm chủng.

Có nhiều yếu tố dẫn đến tỷ lệ tiêm chủng tại một số vùng thấp như do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên nhiều trường hợp không tiêm vaccine hoặc tiêm không đủ liều. Vừa qua, có tình trạng thiếu cục bộ vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng nên khu vực vùng sâu vùng xa cũng không được tiêm. Trong khi ở thành phố hoặc đồng bằng, nhiều bà mẹ cho con đi tiêm phòng theo hình thức tiêm dịch vụ (tiêm vaccine 5 trong 1 hoặc 6 trong 1).

“Cũng vì thế dịch không bùng phát ở thành phố hoặc đồng bằng. Cũng có thời gian dịch bùng phát ở các tỉnh Tây Nguyên, hiện khu vực này đã hết dịch nhờ chiến dịch tiêm bổ sung vaccine uốn ván - bạch hầu giảm liều cho người dân”, PGS Phu nói.

Chuyên gia y tế dự phòng lưu ý, mọi người không được chủ quan, khi dịch bùng phát thì bất kỳ ở đâu, thành phố hay nông thôn, miền núi, những ai không có miễn dịch (do tiêm chủng và do nhiễm phải) thì đều có khả năng mắc bệnh có triệu chứng, hoặc nhiễm vi khuẩn và trở thành người lành mang trùng, lại mang vi khuẩn đi lây cho người khác.

Những trường hợp đã tiếp xúc với ca bệnh vừa qua cũng không nên quá lo lắng. Họ đã được uống thuốc kháng sinh dự phòng để diệt ngay vi khuẩn bạch hầu, vừa không phát bệnh nếu không may nhiễm vi khuẩn và không trở thành nguồn lây bệnh cho người khác.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, diễn biến dịch phụ thuộc vào tỷ lệ tiêm vaccine và công tác dập dịch, tiêm vaccine của các địa phương. Nếu không chống dịch tốt thì tiếp tục có ca bệnh rải rác, bất kỳ ai chưa có miễn dịch thì đều có thể mắc bệnh. Đặc biệt dịch xảy ra ở nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp, vùng sâu vùng xa (vùng “trũng” tiêm chủng)

Về lâu dài, biện pháp phòng bệnh hiệu quả vẫn là tiêm vaccine. Trẻ cần được tiêm đúng lịch, đủ liều cơ bản sau đó thì tiêm nhắc lại theo lịch tiêm chủng của Bộ Y tế. Người lớn cần tiêm nhắc lại khoảng 10 năm một lần. Tại những vùng có nguy cơ cao, Bộ Y tế có thể thực hiện nhưng chiến dịch tiêm vét, tiêm bổ sung.

Như Loan / VTC News