Bến Tre hứng chịu nhiều vụ sạt lở nghiêm trọng năm 21017 ảnh hưởng do tác động của BĐKH khiến cuộc sống của người dân vùng sạt lở bị đảo lộn và thiệt hại nặng nề.
Bến Tre là tỉnh xếp thứ 8 trong số 63 tỉnh, thành cả nước chịu ảnh hưởng nặng nề do tác động của BĐKH. Trong đó, tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh ngày càng diễn biến phức tạp, khiến sinh hoạt, sản xuất của người dân vùng sạt lở bị đảo lộn và thiệt hại tài sản rất nghiêm trọng.
Sạt lở nặng nề từ bờ sông…
Mới đây, vào đầu tháng 12/2017, triều cường sông Cổ Chiên dâng cao làm vỡ đê bao cồn Thành Long (xã Thành Thới A, huyện Mỏ Cày Nam). Đoạn đê bao bị vỡ dài khoảng 100m, đã gây ngập sâu hơn 1m trên diện tích gần 100 ha gồm vườn cây ăn trái, vườn dừa, nhà cửa, chuồng trại gia súc, gia cầm, ao cá… của gần 50 hộ dân khu vực đuôi cồn Thành Long chìm trong biển nước, cuộc sống của họ chịu ảnh hưởng hết sức nặng nề.
Trước đó không lâu, vào chiều ngày 12/11 tại cồn Phú Bình - Phú Đa (xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách) cũng đã xảy ra sạt lở đoạn đê bao ven sông dài khoảng 50m, chiều sâu sạt lở 8m, bề rộng 10m. Trong lúc chính quyền và người dân địa phương khắc phục sự cố thì đến tối 13/11, tại nơi đây lại xảy ra thêm vụ sạt lở nghiêm trọng nữa với chiều dài 350m, có nơi ăn sâu vào đất liền hơn 20m.
Bến Tre hứng chịu nhiều vụ sạt lở nghiêm trọng.
Vụ sạt lở cồn Phú Bình - Phú Đa có 4 căn nhà kiên cố và 1 cầu phà chiều dài 30m, trọng lượng khoảng 100 tấn bị cuốn trôi xuống sông; 46 hộ dân với hơn 150 người phải di dời khẩn cấp; khoảng 25ha hoa màu, vườn cây ăn trái và ao nuôi cá của người dân nơi đây bị thiệt hại nghiêm trọng.
Theo chính quyền địa phương, đây là vụ vỡ đê nghiêm trọng nhất từ trước đến nay tại các khu vực này. Nguyên nhân chính khiến các đê bao bị vỡ được lãnh đạo địa phương khẳng định chủ yếu là do triều cường dâng cao bất ngờ. Cũng chính đợt triều cường dâng cao này đã gây lo ngại ảnh hưởng đến hơn 1.000ha cây ăn quả và trên 7 triệu sản phẩm hoa cảnh phục vụ Tết Nguyên đán 2018. Trước tình hình trên, chính quyền địa phương đã phải cử người túc trực tại các điểm đê bao xung yếu, tránh sự cố tràn, vỡ đê để bảo vệ sản xuất.
…đến bờ biển bị xâm thực sâu vào đất liền
Vào ngày 5/12, biển xâm thực đã cuốn mất nhiều diện tích đất, làm sập nhà các hộ dân ở khu vực biển Cồn Bửng (xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú). Sạt lở cuốn trôi nhiều diện tích đất, phá vỡ một số vuông tôm, nhà ở và đất đai của nhiều hộ dân. Tuy trước đó, nhiều người người dân nơi đây đã tự bỏ ra hàng tỷ đồng để xây kè, gia cố đê bao nhưng vẫn không chống chọi được với sự tàn phá của sóng biển.
Ông Lê Văn Trung, Phó chủ tịch HĐND huyện Thạnh Phú cho biết, địa phương có gần 20km bờ biển. Trước đây ven biển Cồn Bửng có một hàng rừng phi lao phòng hộ bảo vệ đất nhưng đã bị sóng biển cuốn trôi hoàn toàn. Những năm qua, huyện Thạnh Phú có hơn 10 km bờ biển bị sạt lở, ăn sâu vào đất liền 70-100m, bình quân hằng năm sóng biển ăn sâu vào đất liền 7-10m, biển xâm thực sâu vào đất liền trung bình khoảng 100ha đất sản xuất của 97 hộ dân và có nguy cơ ảnh hưởng đến dự án phát triển du lịch tại cồn Bửng, huyện Thạnh Phú.
Sóng biển đánh vỡ đê bao cồn Ngoài (huyện Ba Tri) vào tháng 2/2017 gây sạt lở nghiêm trọng.
Trước đó, vào trung tuần tháng 2/2017, triều cường dâng cao cùng với sóng to gió lớn đã làm sạt lở đất, sạt lở bờ đê bao, đường giao thông, sập nhà dân, ngã đổ đường dây lưới điện trung hạ thế, thiệt hại nhiều tài sản và các lọai hoa màu của người dân ở khu vực Cồn Ngòai (xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri). Phần sạt lở dài trên 4km với diện tích lên đến hàng chục hecta. Đoạn sạt lở ăn sâu vào đất liền có nơi hơn 100m.
Theo ghi nhận của ngành nông nghiệp tỉnh Bến Tre, trong khoảng thời gian 5 năm trở lại đây, sạt lở bờ biển trên địa bàn tỉnh này đã gây thiệt hại rất lớn, làm 150ha diện tích đất bị sạt lở, gần 60ha rừng phòng hộ bị mất. Ngoài ra, sạt lở bờ biển đã gây hư hại về nhà ở, hoa màu và các công trình phục vụ dân sinh. Trung bình hàng năm, bờ biển Bến Tre bị sạt lở lấn sâu vào đất liền khỏang từ 15-20m.
Còn khó khăn về kinh phí
Theo ông Bùi Văn Lâm, Giám đốc sở NN&PTNN Bến Tre, trước tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển ngày càng diễn biến nghiêm trọng, lãnh đạo tỉnh Bến Tre đã chỉ đạo các ngành liên quan và các địa phương tập trung nghiên cứu, đề xuất những giải pháp phòng, chống tại những vùng sạt lở, tránh gây hậu quả đáng tiếc. Theo đó, tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở, chủ động di dời cư dân đảm bảo an toàn đến tính mạng, tài sản khi cần thiết; Cắm biển cảnh báo, khoanh vùng khu vực đang có diễn biến sạt lở; Thực hiện các biện pháp xử lý, gia cố tạm thời để hạn chế thiệt hại.
Khẩn trương khắc phục lại hệ thống đê bao do sạt lở.
Ông Nguyễn Hữu Lập, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết, UBND tỉnh luôn quan tâm vấn đề phòng, chống sạt lở trên địa bàn tỉnh. Do điều kiện kinh tế của Bến Tre còn nhiều khó khăn, ngoài việc xử lý tại chỗ, UBND tỉnh đã có tờ trình gửi các Bộ, ngành Trung ương về việc đề xuất dự án đầu tư chống xói lở nhằm ứng phó với BĐKH tỉnh, xin sử dụng nguồn vốn vay hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của cơ quan phát triển Pháp (AFD) để thực hiện, trong đó có đề nghị xây dựng đê, kè tại các khu vực sạt lở đảm bảo hiệu quả lâu dài, ổn định đời sống dân sinh.
Trước tình hình trên, Bến Tre cũng đã đề nghị Trung ương, cơ quan nghiên cứu Khoa học và các Viện trường hỗ trợ địa phương khảo sát, đánh giá tìm nguyên nhân gây sạt lở để khuyến cáo, hướng dẫn địa phương biện pháp xử lý, khắc phục phù hợp.
Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre kiến nghị Trung ương xem xét, hỗ trợ kinh phí khoảng 60 tỷ đồng để đầu tư khẩn cấp kè chống sạt lở toàn tuyến đê bao cồn Phú Bình - Phú Đa. Điều này nhằm giúp cho khoảng 700 hộ dân/2.000 nhân khẩu, với 800 ha đất của người dân trong khu vực này yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống.
Nguy cơ mất đất, mất làng do sông Thu Bồn bị sạt lở Đợt mưa lũ vừa qua đã và đang gây ra sạt lở nhiều điểm dọc ven sông Thu Bồn (Quảng Nam). Nhiều hộ dân sinh ... |
Cận cảnh biển Thanh Hóa bị hà bá nuốt chửng từng ngày Hàng trăm ha đất, rừng phi lao dọc bờ biển Thanh Hóa đang ngày đêm bị hà bá nuốt chửng bởi tình trạng xâm thực ... |