Bầu trời tỉnh Jambi chuyển màu đỏ hôm 21/9 do ánh sáng mặt trời bị tán xạ khi đi qua khói bụi cháy rừng lơ lửng trong không khí.
Dân làng Pulau Mentaro, huyện Muaro ở tỉnh Jambi, miền trung Indonesia bị "sốc" trước hiện tượng bầu trời chuyển sang màu đỏ rực vào ngày 21/9. Mardiana, một cư dân địa phương, cho biết cô chứng kiến hiện tượng này diễn ra từ gần 11h trưa đến 14h.
Bầu trời ở tỉnh Jambi, Indonesia chuyển màu đỏ ngày 21/9. Ảnh: Facebook/Qha Caslley. |
Theo Agus Wibowo Soetarno, quan chức Cục Phòng chống Thiên tai Quốc gia Indonesia (BNBP), đây là hiện tượng "tán xạ Rayleigh", diễn ra khi ánh sáng mặt trời bị tán xạ bởi khói mù xuất phát từ các đám cháy rừng di chuyển trong không khí, chứ không phải do nhiệt độ tăng cao đột ngột.
"Tán xạ Rayleigh diễn ra khi ánh sáng bị các phân tử khói bụi lơ lửng trong không khí ngăn các ánh sáng có bước sóng ngắn, chỉ cho phép các ánh sáng bước sóng dài xuyên qua và tạo ra màu đỏ hoặc cam", ông giải thích. Soetarno nói thêm rằng bầu trời màu đỏ ở tỉnh Jambi là do đám khói mù dịch chuyển từ các điểm cháy rừng ở tỉnh Riau, phía nam Indonesia.
Marufin Sudibyo, nhà thiên văn học người Indonesia, giải thích thêm rằng hiện tượng bầu trời đỏ này không ảnh hưởng đến thị lực của người. Hiện tượng này từng xảy ra ở Indonesia sau khi núi lửa Krakatau phun trào năm 1883 hay núi lửa Pinatubo phun trào năm 1991.
Cháy rừng đã trở thành vấn nạn thường niên ở Indonesia do việc đốt nương làm rẫy nhưng tình hình năm nay trở nên nghiêm trọng hơn do thời tiết khô hạn. Các quốc gia láng giềng đã nhiều lần phàn nàn về việc các đám cháy ở Indonesia gây ra khói mù, dẫn tới ô nhiễm không khí và ảnh hưởng tới sức khỏe con người.
Mai Lâm (Theo Straits Times/Tribunnews)