Bầu Đức ở đâu trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt?

Từng là người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam nhưng hiện nay, ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) đang ở đâu?

Ngày 14/10, Công ty cổ phần Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) công bố ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức), Chủ tịch Hội đồng quản trị đăng ký mua 50 triệu cổ phần. Nếu giao dịch diễn ra thành công, tỷ lệ sở hữu của bầu Đức tại HAGL tăng lên 40,62%. Bầu Đức vẫn duy trì vị trí cổ đông lớn nhất tại HAGL.

Phương thức giao dịch là thỏa thuận hoặc khớp lệnh trên sàn. Sau khi thông tin này được công bố, cổ phiếu HAG tăng trần. Chốt phiên 14/10, HAG leo lên 4.960 đồng/CP. Ở mức giá này, bầu Đức dự kiến phải chi ra khoảng 248 tỷ đồng để thực hiện giao dịch.

Giao dịch mua thêm cổ phiếu HAG sẽ giúp tài sản của bầu Đức gia tăng, nhờ đó cải thiện vị trí của bầu Đức trong danh sách “Những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam”. Vị trí của bầu Đức cũng là vấn đề được dư luận quan tâm khi mà vị doanh nhân này có quãng thời gian dài đứng ở vị trí quán quân.

Bầu Đức đang ở đâu trong danh sách này?

Bầu Đức ở đâu trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt?  - 1
Tính đến ngày 14/10, giá trị cổ phiếu HAG thuộc sở hữu của bầu Đức trị giá 1.621 tỷ đồng.

Ở mức giá đóng cửa ngày 14/10, giá trị cổ phiếu HAG thuộc sở hữu của bầu Đức là 1.621 tỷ đồng. Vì vậy, bầu Đức đứng ở vị trí thứ 42 trong danh sách “Những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam”. Đây là con số quá khiêm tốn nếu so với vị trí số 1 trước kia.

Trong danh sách này, bầu Đức đứng ngay sau ông Tô Như Toàn, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Văn Phú – Invest, người đang sở hữu khối tài sản trị giá 1.650 tỷ đồng và đứng ngay trên ông Điêu Chính Hải Triều, Giám đốc Kỹ thuật & Thành viên Ban kiểm toán nội bộ & Thành viên HĐQT CTCP Đầu tư Thế giới Di động với 1.594 tỷ đồng.

Mức độ giàu có của bầu Đức sụt giảm nghiêm trọng khi HAGL không ngừng lao dốc trong mấy năm gần đây. Trong 6 tháng đầu năm 2020, HAGL nối dài đà lao dốc với khoản lỗ lên đến 134 tỷ đồng. Tại thời điểm 30/6/2020, HAGL có khoản âm vốn đáng chú ý chính là âm 1.126 tỷ đồng chênh lệch tỷ giá hối đoái.

Nhiều năm qua, HAGL không công bố chi tiết lương của từng cá nhân trong dàn lãnh đạo công ty mà chỉ công bố quỹ chung. Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2020, bất chấp đại dịch COVID-19 khiến nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm lương thưởng, công ty vẫn thua lỗ, HALG lại tăng lương cho lãnh đạo.

Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2020 HAGL đã chi hơn 6,4 tỷ đồng lương và thù lao cho Hội đồng quản trị và Ban Giám đốc, tăng nhẹ so với con số 5,1 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, bình quân, mỗi lãnh đạo cấp cao tại HAGL được trả 800 triệu đồng/người/6 tháng, tương đương 133 triệu đồng/người/tháng.

133 triệu đồng là con số lớn so với nhiều đơn vị nhưng lại khiêm tốn hơn rất nhiều so với HAGL ở thời điểm hoàng kim. Trước khi HAGL trượt dốc, có thời điểm, bầu Đức nhận tới 5,4 tỷ đồng/năm, tương đương 450 triệu đồng/tháng.

Đóng cửa phiên giao dịch 14/10, HAG dừng ở mức 4.960 đồng/CP sau khi tăng trần. So với phiên cuối cùng của năm 2019, HAG đã tăng đáng kể, tăng 980 đồng/CP, tương đương 24,6%.

Với thị giá cổ phiếu HAG thấp như vậy, con đường trở về ngôi vị số 1 trong danh sách “Những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam” trở thành nhiệm vụ khó khăn với bầu Đức.

Công ty của Bầu Đức mỗi ngày trả lãi vay 3 tỷ đồng Công ty của Bầu Đức mỗi ngày trả lãi vay 3 tỷ đồng

Bình quân mỗi ngày Hoàng Anh Gia Lai có lợi nhuận 2,2 tỷ đồng nhưng số tiền trả lãi vay ngân hàng, tổ chức, trái ...

/ vtc.vn