Mặc dù còn 2 tuần nữa cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ mới chính thức diễn ra, song tính đến nay, gần 19 triệu cử tri Mỹ đã tham gia bỏ phiếu sớm. Sự quan tâm của cử tri tới chiến lược của tân Tổng thống chính là áp lực hiện hữu với cả hai ứng viên, trong bối cảnh bà Kamala Harris đang dẫn trước ở các cuộc thăm dò, nhưng ông Donald Trump mới là người gây ấn tượng hơn các bang chiến địa.
Kết quả thăm dò mới đây của Reuters/Ipsos công bố ngày 23/10 cho thấy Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đang dẫn trước cựu Tổng thống Donald Trump 3 điểm trên toàn quốc. Theo kết quả trên, bà Harris giành được 46% ủng hộ và ông Trump giành được 43%. Khoảng cách dẫn trước của ứng cử viên đảng Dân chủ không thay đổi so với cuộc thăm dò được tiến hành vào tuần trước, trong đó bà Harris giành được 45% ủng hộ so với 42% của ứng cử viên đảng Cộng hòa. Cuộc khảo sát của Reuters/Ipsos được tiến hành trong một tuần với 4.129 cử tri tham gia, trong đó 3.481 cử tri đã đăng ký bỏ phiếu, biên độ sai số là 2%.
Kết quả thăm dò cũng chỉ ra rằng vấn đề nhập cư, kinh tế và các mối đe dọa đối với nền dân chủ là những vấn đề quan tâm hàng đầu đối với những cử tri tiềm năng. Trong đó, cựu Tổng thống Trump dẫn trước trong vấn đề nhập cư và kinh tế, với khoảng cách lần lượt là 48%-35% và 46%-38% so với bà Harris. Phó Tổng thống Mỹ dẫn trước trong vấn đề các mối đe dọa đối với nền dân chủ cũng như chăm sóc sức khỏe và phá thai, với tỷ lệ ủng hộ 42% so với 35% của đối thủ. Vấn đề nhập cư là vấn đề hàng đầu mà cử tri mong muốn người chiến thắng dành thời gian trong 100 ngày đầu tiên tại phòng bầu dục, với 35% ủng hộ. Các vấn đề quan tâm khác là bất bình đẳng thu nhập - 11%, thuế và chăm sóc sức khỏe - 10%.
Tuy nhiên, Reuters nhận định, khoảng cách dẫn trước của bà Harris so với ông Trump có thể không đủ để khiến bà giành chiến thắng, ngay cả khi tỉ lệ này được duy trì đến ngày bầu cử ngày 5/11 tới. Bởi các cuộc khảo sát toàn quốc đưa ra những tín hiệu quan trọng về quan điểm của cử tri, nhưng kết quả phiếu đại cử tri theo từng bang chiến địa sẽ quyết định người chiến thắng. Các bang chiến địa là những bang không có xu hướng nhất quán bỏ phiếu cho các ứng cử viên của một trong hai đảng - Cộng hòa hoặc Dân chủ - và thường là những bang có vai trò quyết định kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống. Trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024, các bang thuộc nhóm này gồm Wisconsin, Michigan, Pennsylvania, North Carolina, Georgia, Arizona và Nevada.
Ngày 22/10, các khảo sát và mô hình dự đoán của những kênh truyền thông lớn đều cho ra kết quả rất sít sao giữa hai ứng viên tại 7 bang này. Theo New York Times, cựu Tổng thống Mỹ đang nhỉnh hơn phó Tổng thống đương nhiệm tại các bang chiến địa. Cụ thể, hai ứng viên về cơ bản hòa nhau ở 4/7 bang với cùng tỉ lệ ủng hộ 48%, đó là Michigan, North Carolina, Pennsylvania và Nevada. Bà Harris nhỉnh hơn ông Trump ở bang Wisconsin với khoảng gần 1 điểm phần trăm, nhưng lại thua hơn 1 điểm phần trăm ở bang Georgia và 2 điểm phần trăm tại bang Arizona.
Kết quả khảo sát của Financial Times cũng cho thấy ông Trump có lợi thế lớn ở 5/7 bang chiến trường là Pennsylvania, Wisconsin, Georgia, North Carolina, Arizona và hòa với bà Harris tại Nevada. Theo phân tích các kết quả thăm dò mới nhất do chuyên trang khảo sát RealClearPolitics.com thực hiện, tính trung bình ở 7 bang này, 48,3% số người được hỏi sẵn sàng ủng hộ ông Trump, cao hơn một chút so với mức 47,5% cho biết sẽ bỏ phiếu cho bà Harris.
Dĩ nhiên, những khảo sát này vẫn chỉ được thực hiện ở quy mô nhỏ và mang tính chất tương đối. Trong khi đó, tính tới 22/10, gần 19 triệu cử tri Mỹ đã tham gia bỏ phiếu sớm. Con số này cao hơn 10% so với cùng thời điểm cuộc bầu cử năm 2020. Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu sớm đang phá vỡ kỷ lục ở các tiểu bang dao động như Georgia và North Carolina. Sức mạnh của việc bỏ phiếu sớm sẽ rất quan trọng đối với chiến dịch tranh cử của cả cựu Tổng thống Donald Trump và Phó Tổng thống Kamala Harris. Kết quả khảo sát do Trung tâm Nghiên cứu chính trị Mỹ thuộc Đại học Harvard và Công ty Nghiên cứu Phân tích Harris (Harvard CAPS/Harris Poll) công bố ngày 14/10 cho thấy 48% cử tri đi bỏ phiếu sớm ở các bang chiến trường bầu cho ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump, trong khi 47% chọn ứng viên đảng Dân chủ Kamala Harris.
"Dù việc bỏ phiếu sớm không có nhiều tác động đến cuộc đua vào Nhà Trắng nhưng là cơ sở để các ứng viên có thể theo dõi những người đã bỏ phiếu. Từ đó, các ứng cử viên có thể tập trung vận động nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định. Điều này giúp hai ứng viên nâng cao tiềm năng chiến thắng trong một một cuộc đua sít sao mà kết quả cuối cùng có thể được định đoạt chỉ với vài lá phiếu", ông Julian Zelizer - Giáo sư lịch sử và quan hệ công chúng tại Đại học Princeton nhận định.
Nhận thức được tầm quan trọng của bỏ phiếu sớm, Phó Tổng thống Harris và những người ủng hộ đã đi khắp đất nước trong tuần này, tập trung vào các tiểu bang chiến trường quan trọng nơi kỳ bỏ phiếu sớm đã bắt đầu hoặc sắp bắt đầu. Đảng Cộng hòa cũng có động thái tương tự. Chuyến thăm Georgia mới nhất của cựu Tổng thống Donald Trump vào ngày 15/10 cũng trùng với thời điểm bắt đầu bỏ phiếu sớm tại bang này. Trong một bài đăng trên mạng xã hội mới đây, ông Trump cũng kêu gọi người dân Arizona đi bỏ phiếu "ngay lập tức".
Cho đến nay, giới quan sát nhận định, bà Harris sẽ giành chiến thắng nếu như có được lá phiếu đa số tại Michigan, Pennsylvania và Wisconsin. Ở chiều ngược lại, chiến thắng ở 3 bang miền Đông là Pennsylvania, North Carolina và Georgia có nhiều khả năng sẽ mang lại cho ông Trump nhiệm kỳ thứ hai ở Nhà Trắng.
https://cand.com.vn/the-gioi-24h/bau-cu-tong-thong-my-kho-doan-o-chang-dua-nuoc-rut-i748080/